'Người dân khó mua nhà vì giá nhà bị đẩy lên quá cao'

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, thời gian qua giá nhà chung cư ở phân khúc sơ cấp và thứ cấp bị đẩy lên cao, dẫn đến người có nhu cầu thực về nhà ở khó có khả năng tiếp cận.

Ngày 9/10, tiếp tục chương trình phiên họp 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Theo đó, nhiều lo ngại về thị trường bất động sản được Ủy ban Kinh tế nêu tại báo cáo thẩm tra.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn. Giá nhà chung cư ở phân khúc sơ cấp và thứ cấp bị đẩy lên cao, dẫn đến người có nhu cầu thực về nhà ở khó có khả năng tiếp cận. Giá đất nền tại các quận nội thành và ven đô Hà Nội đã có dấu hiệu tăng nhanh trở lại, nhất là đối với các huyện có thông tin lên quận.

Theo Ủy ban Kinh tế, có ý kiến cho rằng, nguyên nhân cơ bản là do nguồn cung căn hộ tại Hà Nội đang thực sự khan hiếm. Số lượng dự án ngày càng hạn chế trong những năm gần đây, trong khi nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là các gia đình trẻ còn rất lớn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Media Quốc hội  
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Media Quốc hội  

Với nhà ở xã hội, hiện đang diễn ra thực trạng người có nhu cầu không thể mua do thủ tục phức tạp và tình trạng đầu cơ, chênh giá rất lớn giữa giá bán chủ đầu tư đăng ký với Nhà nước và giá bán thực tế.

"Có ý kiến cho rằng, nhà ở xã hội trên thực tế được mua bán, trao đổi, cho thuê chủ yếu bởi những người giàu, thậm chí cả người nước ngoài, không phải công nhân, người lao động, người có nhu cầu thực đối với loại hình nhà ở này", báo cáo thẩm tra nêu.

Ủy ban Kinh tế dẫn báo cáo của Bộ Xây dựng, nêu thực trạng nhiều người nước ngoài thuê, sống trong các dự án nhà ở xã hội tại Bắc Giang, Bắc Ninh - hai thủ phủ công nghiệp phía Bắc. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội những năm qua để có giải pháp hiệu quả; nghiên cứu có biện pháp mạnh đối với vi phạm chính sách pháp luật về nhà ở xã hội.

Đặc biệt, thời gian vừa qua, tình trạng 'bỏ cọc' sau khi trúng đấu giá tái diễn, tác động tiêu cực đến mặt bằng giá và thị trường nhà ở. Tình trạng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai đẩy giá đất lên cao khiến cho việc mua bán hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ trong khi người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận đất đai vì giá đất cao, vượt quá khả năng chi trả.

Về đầu tư phát triển hạ tầng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh đến giải pháp đẩy mạnh đầu tư vào các hạ tầng quan trọng như đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, cảng biển, sân bay và hệ thống logistics thông minh, giúp Việt Nam tăng cường khả năng kết nối với thị trường quốc tế và thu hút thêm vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, việc quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỉ giá. Rủi ro an ninh mạng đối với hệ thống tài chính Việt Nam trở nên thường trực và hiện hữu với hậu quả khó lường.

Cũng theo Ủy ban Kinh tế, thanh khoản thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã cải thiện đáng kể. Tuy nhiên vẫn đối mặt với nhiều thách thức để trở thành một kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế, chia sẻ vai trò cung ứng vốn với hệ thống ngân hàng.

Tiểu An

Theo VietnamFinance