Người lao động khó chạm tới nhà ở xã hội do giá bán cao

Trên thực tế, giá bán nhà ở xã hội tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hiện nay đều có giá bán không hề rẻ. So với mức thu nhập bình quân của người lao động thì số tiền dành mua nhà ở xã hội vẫn quá lớn.

Vừa qua dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn được mở bán lần đầu với giá hơn 19,5 triệu đồng/m2 (đã gồm VAT) và phí bảo trì 371.869 đồng/m2. Đây là mức giá bán dự án nhà ở xã hội lần đầu cao nhất từ trước đến nay tại Hà Nội. Tại đợt mở này có 157 căn hộ nhà ở xã hội mở bán và 68 căn cho thuê.

Người lao động khó chạm tới nhà ở xã hội do giá bán cao - Ảnh 1

Theo đánh giá, giá thuê căn hộ là 99.081 đồng/m2/tháng (đã bao gồm VAT và chi phí bảo trì), giá bán 19.523.116 đồng/m2 (đã gồm VAT) và phí bảo trì 371.869 đồng/m2. Như vậy, để sở hữu căn nhỏ nhất với diện tích 69,9m2 tại dự án này, người mua cần bỏ ra hơn 1,39 tỉ đồng, trong khi diện tích to nhất 76,8m2 thì số tiền phải bỏ ra khoảng 1,5 tỉ đồng/căn hộ.

Giả định, một hộ gia đình “cơ bản” có 2 vợ chồng, 2 con nhỏ đang thuê nhà tại Hà Nội sẽ có tổng thu nhập mỗi tháng khoảng 16 triệu đồng. Sau khi trừ đi chi phí ăn ở, sinh hoạt, tiền đóng học,… gia đình trên để ra khoảng 5 triệu đồng tiết kiệm (1 năm dành ra được 60 triệu đồng). Như vậy, để mua được căn hộ nhà ở xã hội tối thiểu nói trên (khoảng 1,4 tỷ đồng), hộ gia đình sẽ phải tiết kiệm trong hơn 23 năm với điều kiện được vay được ngân hàng với lãi suất 0% trong suốt thời gian trả nợ.

Hay với gia đình có tổng thu nhập ở mức khoảng 30 triệu đồng thì cũng phải mất đến gần 12 năm để có thể mua được nhà ở xã hội cũng với điều kiện lý tưởng là thu nhập tăng đủ bù đắp đà tăng của chi phí sinh hoạt, duy trì cuộc sống và được vay được ngân hàng với lãi suất 0% trong suốt thời gian trả nợ.

Qua 3 tháng rà soát phê duyệt, đến thời điểm hiện tại, cả nước có khoảng 108 dự án nhà ở xã hội đã được cấp phép và đang triển khai đầu tư xây dựng thuộc đối tượng được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong hơn 100 dự án đó, mới chỉ có 24 dự án đủ điều kiện vay với tổng nhu cầu nguồn vốn là gần 12.500 tỷ đồng.

Dù nhiều địa phương đã coi việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp là một hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung dài hạn. Tuy nhiên có khá nhiều nghịch lý, rào cản mới phát sinh khi triển khai các dự án nên tốc độ đầu tư 1 triệu căn nhà ở xã hội từ nay tới năm 2030 đang bị chậm lại.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh quỹ đất phát triển nhà ở ngày càng hạn hẹp, đa số các căn hộ chung cư thương mại đều có giá từ 3 tỉ đồng trở lên thì những căn hộ có giá trị dưới 1,5 tỉ đồng như tại các dự án NƠXH là rất hấp dẫn.Theo đó, cần kêu gọi doanh nghiệp quan tâm hơn đến NƠXH nhằm đảm bảo an sinh xã hội.

Để gỡ vướng cho phân khúc này chuyên gia đề xuất, về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, cần có quỹ đất sạch cho nhà đầu tư. Tiếp đó là giảm các thủ tục hành chính đối với nhà ở xã hội. Ưu tiên về pháp lý, ưu tiên như thế nào, thủ tục thẩm tra, thẩm định như thế nào để các nhà đầu tư yên tâm triển khai loại hình này.

Cuối cùng về nguồn vốn, ngoài nguồn vốn từ bán nhà ở hình thành trong tương lai, thì huy động vốn từ các tổ chức nước ngoài, từ lượng kiều hối… và mấu chốt là cần có cơ sở dữ liệu minh bạch thì hoàn toàn có thể thu hút được nguồn vốn cho phân khúc nhà ở xã hội. Cùng với đó, cần phải giảm lãi suất ưu đãi xuống thấp hơn…

Thanh Xuân

Theo Kinh doanh và Phát triển