Nguồn cung bất động sản không đột biến nhưng vẫn tăng đều

Nhiều chuyên gia cho rằng thực tế nguồn cung bất động sản dù không có đột biến nhưng vẫn tăng đều, tuy nhiên tập trung phần lớn vào các dự án có giá cao, dẫn tới tình trạng vốn nhiều nhưng số lượng nhà ở phục vụ số đông vẫn vô cùng ít ỏi, khiến thị trường luôn có cảm giác “khát cung”.

Nguồn cung bất động sản không đột biến nhưng vẫn tăng đều - Ảnh 1

Theo đánh giá, tiền từ nhà băng và dòng vốn ngoại vẫn đang chảy mạnh vào lĩnh vực kinh doanh địa ốc. Số liệu mới nhất do Bộ Xây dựng dẫn số liệu từ NHNN cho biết, dư nợ tín dụng riêng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản hiện đạt trên 1,1 triệu tỷ đồng. Tính đến 20/6, lượng vốn FDI đổ vào bất động sản đã đạt 1,89 tỷ USD, đứng thứ 2 trong tổng vốn đăng ký cấp mới.

Số liệu từ Dat Xanh Services cho thấy, thị trường căn hộ TP.HCM và khu vực các tỉnh ở phía Nam tăng trưởng vượt bậc trong nửa đầu năm 2024. Thị trường căn hộ TP.HCM nguồn cung tăng gần gấp 1,3 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 2.356 sản phẩm. Tỷ lệ hấp thụ đạt khoảng 45%-50% (tăng khoảng 2,5 lần, so với mức tỷ lệ hấp thụ ~20% của cùng kỳ năm trước).

Giá bán tăng ở hầu hết các phân khúc, ghi nhận mức tăng giá cao nhất, lên tới 20%-30% so với cùng kỳ năm trước. Tại TP.HCM, căn hộ hạng A có mức tăng giá mạnh nhất, đạt 20%-30%.

Tín dụng bất động sản tăng trưởng đều, nguồn cung theo đó cũng tăng, tuy nhiên chủ yếu là nhà giá cao, xa tầm với. Cụ thể, theo báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản phía Nam quý II/2024 của DKRA, thị trường TP.HCM có gần 8.000 căn hộ mở bán mới, nguồn cung sơ cấp toàn thị trường ghi nhận tăng 12% so với quý trước và 8% so với cùng kỳ năm 2023.

Nguồn cung mới đưa ra thị trường phần lớn đến từ các dự án căn hộ cao cấp, hạng sang thuộc khu Đông với giá bán cao nhất ghi nhận gần 500 triệu đồng mỗi m2, khá ít nguồn cung căn hộ vừa túi tiền. Bên cạnh đó, lượng tiêu thụ sơ cấp toàn thị trường tăng mạnh 88% so với quý trước và 82% so với cùng kỳ năm 2023.

Savills cho biết, trong quý II vừa qua nguồn cung căn hộ tại TP.HCM tăng nhẹ, tuy nhiên nguồn cung căn hộ dưới 3 tỷ đồng ngày càng ít, chỉ chiếm 18% trong tổng số nguồn cung sơ cấp toàn địa bàn và giá bán sơ cấp ở mức trung bình 73 triệu đồng/m2. Chính điều này đang đẩy cơn khát của người dân ngày càng lên cao. Nguồn cung nhà ở vừa túi tiền hiện tại như "hoa trong gương, trăng đáy nước". Căn hộ trên thị trường thứ cấp đã hiếm, trên thị trường sơ cấp lại càng khó tìm.

Theo đánh giá, thị trường TP.HCM đang mất cân đối cung - cầu, khi có quá nhiều như án hạng A và khan hiếm nguồn cung hạng B, hạng C. Do đó, dù giao dịch đã tăng trưởng trở lại, nhưng vẫn rất chọn lọc. Trên thị trường hiện nay lượng giao dịch tập trung chủ yếu ở loại hình bất động sản nhà ở vừa túi tiền phục vụ nhu cầu ở thực luôn ở mức cao tại các thành phố lớn, vị trí thuận tiện kết nối về trung tâm, có pháp lý đầy đủ cũng như tiến độ xây dựng rõ ràng. Dù vậy nguồn hàng còn đang mở bán có tầm giá vừa túi tiền hiện lại vô cùng thiếu hụt. Tại TP.HCM, các dự án có giá bán dưới 50 triệu đồng/m2 hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm, nhiều người đang kỳ vọng trong thời gian tới, khi bộ 3 luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản sửa đổi có hiệu lực sớm (từ 1/8) sẽ khơi thông dòng tín dụng, giúp thị trường địa ốc khởi sắc, nguồn cung căn hộ giá vừa túi tiền theo đó được cải thiện.

Chuyên gia nhận định, khi các Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/8 thì hàng loạt vấn đề sẽ được tháo gỡ. Hy vọng đến quý III, quý IV năm nay, các dự án bất động sản sẽ thông suốt về pháp lý, tạo một hiệu ứng tích cực cho thị trường.

Thị trường có thể sẽ tiếp tục có những hồi phục nhất định về nguồn cung lẫn lượng tiêu thụ. Nguồn cung mới được dự báo sẽ tăng so với quý II/2024, dao động ở mức khoảng 2.500 – 3.500 căn, tập trung chủ yếu ở TP.HCM và Bình Dương.

Minh Đăng

Theo Chất lượng và Cuộc sống