Nguồn cung bất động sản sẽ dồi dào hơn về nửa cuối năm
Giới chuyên gia nhận định, dù thị trường bất động sản 2024 còn nhiều khó khăn nhưng thị trường đã đi qua vùng đáy, các phân khúc sẽ dần phục hồi nhưng sẽ không đồng đều. Càng xuôi về cuối năm, thị trường càng ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực hơn, đặc biệt, nguồn cung sẽ dồi dào hơn khi các bộ luật có hiệu lực.
Nguồn cung sẽ tăng về cuối năm
TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm 2024 sẽ tiếp tục có những tín hiệu tích cực, nguồn cung trên thị trường bất động sản từ nay đến cuối năm sẽ dồi dào và giao dịch sôi động hơn năm 2023. Từ đó, doanh nghiệp sẽ có nguồn thu, có dòng tiền giải quyết khó khăn.
Theo ông Khương, cơ sở cho nhận định này là kinh tế vĩ mô đang phục hồi tốt, Chính phủ quyết liệt triển khai các dự án đầu tư công cũng như các chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, lãi suất được kiểm soát tốt.
Đồng quan điểm, ông Đinh Minh Tuấn - chuyên gia bất động sản cho biết, nguồn cung bất động sản sẽ được cải thiện. Một trong những lý do khiến nhiều dự án bị trì hoãn kéo dài là khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng do đền bù không thỏa đáng. Cơ chế định giá theo thực tế thị trường sẽ hỗ trợ quỹ đất được triển khai nhanh hơn.
Nếu như trước đây việc tiếp cận đất đai không được quy định rõ ràng, thì hiện đã có các quy định cụ thể trong Luật Đất đai (sửa đổi), xác định loại đất nào sử dụng cho thương mại, loại đất phục vụ nhu cầu nào thì phải qua đấu thầu, đấu giá. Khi các chủ đầu tư có phương thức, quy định rõ ràng hơn để tiếp cận quỹ đất, nguồn cung ra thị trường sẽ không còn khan hiếm như hiện tại.
Trong khi đó, dẫn số liệu 4 tháng đầu năm 2024, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động TP HCM (HoREA) cho biết, TP HCM chỉ có 1 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô rất nhỏ, cũng không có doanh nghiệp đề xuất dự án mới. Điều đó có nghĩa nguồn cung bất động sản thời gian tới sẽ tiếp tục thiếu hụt. Tuy vậy, theo ông Châu, điểm sáng của thị trường là các doanh nghiệp đã nỗ lực tái cấu trúc, tái khởi động và bán lại sản phẩm của dự án cũ.
"Chúng tôi có niềm tin thị trường bất động sản sẽ phục hồi vào cuối năm 2024 vì các bộ luật liên quan đến bất động sản đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét có hiệu lực sớm. Chính phủ cũng đang xây dựng nghị quyết thí điểm, cho phép doanh nghiệp, tổ chức kinh tế được thỏa thuận về nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng với đất khác không phải đất ở để thực hiện dự án nhà ở thương mại. Việc này sẽ giúp tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho hàng trăm dự án đang ách tắc (khoảng 148 dự án). Điều này đồng nghĩa nguồn cung ra thị trường sẽ cải thiện hơn" - ông Lê Hoàng Châu nhận xét.
Cũng theo ông Châu, thị trường bất động sản sẽ có nhiều tín hiệu phục hồi từ cuối năm nay trở đi khi các chính sách mới thẩm thấu. Ông cho rằng thị trường bất động sản đã vượt qua được thời điểm tồi tệ nhất.
“Chính sách mới bao giờ cũng có độ trễ, để đi vào thực tiễn phải mất tối thiểu 6 tháng. Đồng thời, quy trình thực hiện các dự án bất động sản thương mại cũng phải tính từ 6 tháng đến 3 năm, chứ không phải thể dễ dàng", ông Châu nêu quan điểm.
Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội chia sẻ, vừa qua Quốc hội, cũng như Chính phủ đã rất quyết tâm, nỗ lực để hoàn thiện các chính sách mới với thị trường BĐS, được thể hiện qua việc xem xét điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành sớm hơn (từ ngày 01/08/2024) đối với Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở và các nỗ lực này chắc chắn sẽ không suy giảm trong thời gian tới.
3 động lực chính thúc đẩy thị trường Bất động sản
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, thị trường bất động sản Việt Nam năm 2024 sẽ có những thay đổi tích cực nhờ vào 3 động lực thúc đẩy chính.
Thứ nhất là động lực tăng trưởng đến từ các chỉ số kinh tế. Theo ông Quốc Anh, động lực tăng trưởng của thị trường bất động sản 2024 đến từ nền kinh tế vĩ mô đang chuyển biến tích cực. Trên thực tế, cả kinh tế, tiêu dùng và du lịch đang trên đà tăng trưởng tốt đầu năm. Tăng trưởng GDP đang có chiều hướng đi lên, đạt 5,7% vào quý 1/2024. Đây là con số ấn tượng bởi GDP của cả năm 2023 chỉ đạt 5,1%.
Động lực thứ hai là nguồn vốn cho bất động sản. Với lãi suất liên tục có sự điều chỉnh theo hướng đi xuống. Việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, người mua ở trở nên dễ dàng hơn, tạo điều kiện để dòng tiền tiếp tục chảy vào bất động sản.
Bên cạnh đó, dòng tiền từ nước ngoài cũng là trợ lực quan trọng cho thị trường bất động sản. Trong đó có lượng kiều hối, năm 2023, FDI và kiều hối đổ vào Việt Nam lần lượt là 36,6 tỷ USD và 14 tỷ USD. Dự kiến FDI và kiều hối đổ vào Việt Nam trong năm 2024 sẽ cao hơn năm 2023. Nhờ Luật Đất đai 2024, người gốc Việt Nam ở nước ngoài được chuyển nhượng bất động sản (trước đây chỉ được giao quản lý nhà không sử dụng). Điều 80, Luật nhà ở 2023 cho phép sự tham gia vốn nước ngoài và tổ chức nước ngoài trong phát triển nhà ở xã hội.
Cuối cùng là động lực đến từ các chính sách. Các Luật đất đai, Luật kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở, Luật các tổ chức tín dụng đều đã được thông qua và dự kiến sẽ có hiệu lực trong năm 2024 và 2025. Ngoài ra, đầu tư công cũng là động lực thúc đẩy thị trường bất động sản thời gian tới, đặc biệt là với các cơ sở hạ tầng trọng điểm trong năm 2024.