Nguy cơ khủng hoảng "thừa" khi bất động sản công nghiệp tăng trưởng nhanh

Bất động sản công nghiệp Việt Nam đang sở hữu cơ hội lớn để tăng trưởng nhưng nếu không có sự tính toán cẩn trọng trong việc cấp mới dự án, khủng hoảng là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo báo cáo mới nhất từ Savills Việt Nam, bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch tới toàn bộ nền kinh tế, thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam vẫn đang trên đà tăng trưởng.

Đáng chú ý, mặt bằng chi phí thuê đất khu công nghiệp tăng cao đã trở thành điểm sáng hiếm hoi trong tình hình thị trường hiện tại.

Với nguồn cung hạn chế tại các phân khúc khác như nhà ở thương mại, văn phòng, bán lẻ… bất động sản công nghiệp đang được săn đón bởi các nhà đầu tư trong và ngoài nước, từ đó tạo ra đòn bẩy khiến chi phí thuê bất động sản công nghiệp leo thang.

Ngay từ đầu năm, nhiều dự báo cho rằng 2021 sẽ là "năm bội thu” của những nhà phát triển bất động sản công nghiệp đã nắm trong tay quỹ đất lớn. Bởi lẽ, so với mặt bằng chung của thế giới, Việt Nam vẫn được đánh giá là quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt, đồng thời còn được hưởng lợi từ làn sóng chuyển dịch đầu tư khỏi Trung Quốc. Vì thế, nhu cầu sử dụng bất động sản khu công nghiệp tăng cao, kéo theo kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp trong ngành này trong quí 1 vừa qua cũng tốt hơn.

Tăng trưởng nóng, bất động sản công nghiệp đối diện nguy cơ khủng hoảng thừa.  
Tăng trưởng nóng, bất động sản công nghiệp đối diện nguy cơ khủng hoảng thừa.  

Về nguồn cung mới, tính đến hết quí 1 vừa qua, thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, cả nước có 370 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 115.200 ha.

Trong đó, 328 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế, 34 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển, 8 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh thế cửa khẩu. Các khu công nghiệp này ước tính đã cung cấp khoảng 3,6 triệu việc làm mới ở cả phía Bắc và phía Nam.

Trong quí 1 vừa qua, hàng chục dự án công nghiệp tại 13 tỉnh và thành phố đã được phê duyệt, hứa hẹn cung cấp hàng ngàn hécta diện tích công nghiệp mới để đáp ứng nhu cầu đầu tư trong những năm tới.

Theo ông Troy Griffiths - Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều công ty đã áp dụng mô hình Trung Quốc + 1 nhằm tìm kiếm địa điểm mới để đa dạng hóa và đảm bảo nguồn cung.

Với vị trí liền kề Trung Quốc, cũng như hội tụ nhiều lợi thế chiến lược, đặc biệt là chi phí thuê bất động sản công nghiệp rất cạnh tranh, Việt Nam đang được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm và xem như một điểm đến thay thế cho Trung Quốc. Do đó, bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục là ‘đứa con cưng’ của ngành bất động sản nói chung, với nhu cầu cao và hoạt động thị trường vốn gia tăng.

Tuy nhiên Savills Việt Nam cũng lưu ý việc các địa phương ồ ạt phát triển bất động sản công nghiệp nếu không có sự cẩn trọng tính toán trong việc cấp mới các dự án, khủng hoảng thừa có thể xảy ra.

Phạm Đức

Theo Doanh nghiệp Việt Nam