Nhà Đà Nẵng (NDN) 2 lãnh đạo bị khởi tố và bắt tạm giam, 9 tháng đầu năm thua lỗ hàng trăm tỷ đồng

(CL&CS) – Ngày 25/10, Công ty CP Đầu tư phát triển Nhà Đà Nẵng (NDN) đã có thông báo về việc ông Bùi Lê Duy miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT, kiêm Phó Tổng Giám đốc.

Nguyên nhân 2 lãnh đạo Công ty Nhà Đà Nẵng bị bắt

Mới đây, ông Bùi Lê Duy bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng thực hiện lệnh bắt tạm giam vào ngày 21/10 để điều tra làm rõ hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Theo đó, ông Duy bị bắt vì có liên quan đến các vấn đề từ trước năm 2008 (trước khi cổ phần hóa) tại Xí nghiệp Công trình giao thông và Xây dựng.

Công ty Nhà Đà Nẵng cho biết, ông Duy đang phối hợp với Cơ quan điều tra để làm rõ vụ việc nên vẫn chưa có kết luận cụ thể. Việc ông Duy bị bắt tạm giam không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty.

Được biết, ông Bùi Lê Duy giữ chức vụ Giám đốc Xí nghiệp Công trình giao thông và xây dựng từ tháng 9/2007 đến tháng 4/2008. Từ tháng 5/2018 đến nay, ông Bùi Lê Duy giữ chức Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT của Công ty CP Xây lắp Phát triển Nhà Đà Nẵng (HNX: NDX), đồng thời cũng là Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc NDN từ 2015 đến nay.

Thông báo miễn nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc đối với Ông Bùi Lê Duy kể từ ngày 25/10/2022. Nguồn: NDN.
Thông báo miễn nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc đối với Ông Bùi Lê Duy kể từ ngày 25/10/2022. Nguồn: NDN.

Ngoài ra, theo tìm hiểu, hồi tháng 12/2021, Công an TP Đà Nẵng cũng đã thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Quang Trung (62 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng) cùng với hành vi trên.

Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng tiền thân là Công ty Phát triển Nhà, là doanh nghiệp Nhà nước. Theo kết quả điều tra, ngày 27/4/2009, trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa 3 ngày, ông Nguyễn Quang Trung đã đại diện công ty chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở tại số 186 Trần Phú cho đơn vị khác với giá gần 2 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định, công ty này đã không đấu giá bán tài sản, không tổ chức thực hiện chuyển nhượng công khai theo quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 1,5 tỷ đồng vào thời điểm 2009. Tổng giá trị thiệt hại liên quan đến việc quản lý 7 dự án tại Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng lên đến hàng trăm tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công ty Nhà Đà Nẵng cũng bị phát hiện bán hàng trăm căn hộ khi chưa đủ điều kiện tại dự án Monachy, đường Trần Hưng Đạo, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà.

Như vậy, trong chưa đầy 1 năm, cả Tổng Giám đốc và Phó Tổng giám đốc của công ty này bị khởi tố và bắt tạm giam.

Tình hình kinh doanh lao dốc

Trước khi ông Nguyễn Quang Trung bị bắt, Nhà Đà Nẵng có bước tăng trưởng khá tốt, doanh thu, đặc biệt là lợi nhuận sau thuế đều tăng vọt trong năm 2019 và 2020. Năm 2019, doanh thu thuần của NDN đạt 41 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 69 tỷ đồng. Đến năm 2020, doanh thu của NDN tăng vọt lên 874,1 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 329,1 tỷ đồng, lần lượt tăng 21 lần và 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Biểu đồ lợi nhuận sau thuế của NDN qua từng giai đoạn.
Biểu đồ lợi nhuận sau thuế của NDN qua từng giai đoạn.

Tình hình kinh doanh có chiều hướng sụt giảm trong năm 2021. Doanh thu năm 2020 ghi nhận đạt 874.1 tỷ đồng đến năm 2021 sụt giảm còn 509 tỷ đồng, giảm 42% so với năm 2020. Lợi nhuận năm 2021 cũng giảm chỉ còn 252 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2021.

Thời điểm quý I/2022, công ty chỉ thoát lỗ nhờ hoạt động tài chính, doanh thu đạt 0,14 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 23,46 tỷ đồng, lần lượt giảm 99,7% và 51,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 99% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 16,98 tỷ đồng về 0,18 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 62,4%, tương ứng giảm 38,71 tỷ đồng về 23,29 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 23,74 tỷ đồng về âm 7,42 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 38,6%, tương ứng giảm 1 tỷ đồng về 1,6 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, sau kiểm toán Công ty ghi nhận lỗ 95,22 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 132,97 tỷ đồng. Như vậy, nếu điều chỉnh theo yêu cầu của Kiểm toán, lợi nhuận sau thuế có thể lỗ 116,72 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu giảm 99,5% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 233,22 tỷ đồng về 1,27 tỷ đồng (không đáng kể); doanh thu tài chính giảm 72,3% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 83,44 tỷ đồng về 31,97 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 328,5%, tương ứng tăng thêm 92,24 tỷ đồng lên 120,32 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Báo cáo tài chính sau xét soát bán niên NDN (Nguồn: BCTC)
Báo cáo tài chính sau xét soát bán niên NDN (Nguồn: BCTC)

Như vậy, lợi nhuận ghi nhận lỗ trong 6 tháng đầu năm chủ yếu do chi phí tài chính tăng đột biến. Trong đó, Công ty thuyết minh chủ yếu do ghi nhận 53,29 tỷ đồng lỗ kinh doanh chứng khoán, 66,22 tỷ đồng trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán…

Trước kết quả kinh doanh sau 6 tháng đầu năm của NDN, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã đưa ra thông báo số 2630/TB-SGDHN về việc đưa cổ phiếu NDN vào diện không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ. Tại thông báo ngày 18/8/2022, HNX tiếp tục thông báo cổ phiếu NDN sẽ bị cắt margin kể từ ngày 22/8.

NDN thua lỗ hàng trăm tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm

Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý III vừa công bố, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của NDN chỉ đạt hơn 1,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt hơn 202,6 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán giảm từ 119 tỷ đồng năm trước xuống 273 triệu đồng, khiến lợi nhuận gộp về bán hàng của doanh nghiệp chỉ còn 840 triệu đồng.

Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của NDN chỉ đạt hơn 13 tỷ đồng, giảm hơn 76% so với cùng kỳ, trong khi chi phí tài chính tăng hơn 37% lên hơn 41,4 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ. Đáng chú ý là chi phí bán hàng của NDN trong kỳ này lại bằng 0, đây là điều rất bất ngờ đối với một doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh cốt lõi là bất động sản như NDN.

Nguồn: BCTC quý III/2022 NDN.
Nguồn: BCTC quý III/2022 NDN.

Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp báo lỗ quý III hơn 28,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ, doanh nghiệp lại hơn 81 tỷ đồng. Doanh nghiệp lý giải, lợi nhuận quý III giảm so với cùng kỳ là do thị trường chứng khoán có nhiều biến động tiêu cực nên hoạt động đầu tư tài chính của doanh nghiệp không hiệu quả.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp ngành phát triển bất động sản này ghi nhận tổng doanh thuần chỉ đạt hơn 2,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt 437 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu tài chính giảm 73,5% xuống còn hơn 45 tỷ đồng, trong khi đó, chi phí tài chính tăng mạnh lên 161 tỷ đồng, tương đương với 177%; chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận âm gần 124 tỷ đồng.

Như vậy, tất cả những yếu tố trên khiến doanh nghiệp NDN thua lỗ hàng trăm tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.

Tính đến cuối quý III, tổng tài sản của NDN đạt hơn 1.412 tỷ đồng, giảm hơn 13% so với đầu năm. Chiếm phần lớn trong tổng tài sản của doanh nghiệp là khoản đầu tư tài chính ngắn hạn 875 tỷ đồng, chiếm gần 62% tổng tài sản, trong đó, hơn 398 tỷ đồng tiền chứng khoán kinh doanh. Hàng tồn kho là hơn 291 tỷ đồng.

Nợ phải trả của doanh nghiệp tính đến ngày 30/9 là hơn 616 tỷ đồng, giảm 6,7% so với đầu năm, trong đó, chủ yếu là nợ ngắn hạn với 614 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đạt hơn 796 tỷ đồng, giảm 25% so với hồi đầu năm.

Ngoài ra, tính đến cuối quý III, Nhà Đà Nẵng đang đầu tư 398.5 tỷ đồng vào chứng khoán và đã trích lập dự phòng 123 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 30,9% tổng danh mục đầu tư.

Trong đó, khoản trích lập lớn là vào cổ phiếu SHB (đầu tư 128 tỷ đồng, trích lập dự phòng 52,6 tỷ đồng); kế đến là cổ phiếu VHM (đầu tư 185,6 tỷ đồng, trích lập 45,1 tỷ đồng); tiếp theo là cổ phiếu TCB (đầu tư 43,7 tỷ đồng, trích lập 16,1 tỷ đồng); và cổ phiếu ABB (đầu tư 21,36 tỷ đồng, trích lập 6,2 tỷ đồng) cùng một số khoản đầu tư khác.

Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, công ty cũng đã “cắt lỗ” 24,6 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu EIB; 22,4 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu VNM; 6,8 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu DGC; 3,1 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu FLC; 3,1 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu KBC…

 

Từ năm 2021 đến nay, ở lĩnh vực kinh doanh chính là bất động sản, NDN không ghi nhận triển khai thêm dự án mới nào. Trong báo cáo tài chính quý III của Công ty cũng chỉ ghi nhận hơn 16 tỷ đồng giá trị dở dang dài hạn tại Dự án A2.2 Phan Đăng Lưu, con số này vẫn giữ nguyên trong cả năm 2021 và đến tận thời điểm cuối quý III vừa qua. Điều này cho thấy, NDN đã dồn lực vào kinh doanh chứng khoán và rời xa mảng kinh doanh cốt lõi là bất động sản.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống