Nhà đất tại Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh lại lên ‘cơn sốt’?

Kể từ thời điểm có đề xuất lên quận/thành phố đối với các huyện vùng ven như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh… cùng kế hoạch thu hút đầu tư nhiều dự án lớn đã khiến giá đất tại những huyện vùng ven này một lần nữa lại lên cơn sốt.

Sôi động đề án lên quận và thành phố

Theo Kế hoạch xây dựng đề án đầu tư các huyện thành quận hoặc TP thuộc TP HCM giai đoạn 2021-2030 do UBND TP HCM ban hành, các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè sẽ thành quận hoặc TP thuộc TP trước năm 2025. Riêng huyện Củ Chi và Cần Giờ sẽ thành quận hoặc TP thuộc TP giai đoạn 2025-2030.

Trong đó, Bình Chánh nằm ở vị trí cửa ngõ, diện tích rộng thứ 3 thành phố (sau Cần Giờ và Củ Chi). Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa không đều, trong khi xã Bình Hưng phát triển nhà cửa rất nhanh thì xã Bình Lợi thuần nông. Điều này phù hợp tiêu chí của thành phố là vừa có phường, vừa có xã, còn quận thì toàn bộ đơn vị hành chính là phường.

Đồng thời, địa phương sẽ tập trung giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp, các vấn đề bức xúc của người dân, đặc biệt lĩnh vực nhà đất…

Về kế hoạch đầu tư hạ tầng tại Bình Chánh, theo ước tính kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản như giao thông, trường học… khoảng 44.000 tỷ đồng. Để huy động nguồn lực này, địa phương cần điều chỉnh quy hoạch phù hợp và tạo ra cơ chế thu hút đầu tư xã hội hóa, khai thác nguồn lực quỹ đất nông nghiệp.

Bình Chánh đang chiếm ưu thế về các tiêu chí lên quận trong thời gian tới.  
Bình Chánh đang chiếm ưu thế về các tiêu chí lên quận trong thời gian tới.  

Trong khi đó, theo đề án, huyện Củ chi sẽ phát triển theo hướng đô thị sinh thái, là thành phố trực thuộc TP Hồ Chí Minh chứ không lên quận. Củ Chi sẽ đối trọng với Cần Giờ là hai đô thị sinh thái.

Khác với Bình Chánh, Củ Chi có nguồn lực đất đai kết hợp nguồn lực huy động bên ngoài để phát triển theo hướng đô thị thông minh, sinh thái, phát triển công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao.

Trong khi đó, huyện Hóc Môn đạt 22/30 tiêu chí để lên quận. Địa phương này nằm ở vị trí cửa ngõ thành phố, kết nối các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ. Những năm qua, Hóc Môn có tốc độ đô thị hoá nhanh, nhiều khu đô thị, hạ tầng, tuyến cao tốc đã và đang hình thành. Trình độ dân trí, lối sống đô thị ở huyện này không khác nhiều các quận nội thành.

Nếu tính chung, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi có tổng diện tích khoảng 544 ha, chiếm gần trọn phần diện tích phía Bắc – Tây Bắc. Kết nối TPHCM với các đô thị Đức Hòa (Long An), Trảng Bàng (Tây Ninh), Thủ Dầu Một (Bình Dương) của các tỉnh cả miền Tây và Đông Nam Bộ.

Đất Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh lại bị ‘thổi giá’?

Trước những thông tin định hướng quy hoạch lên quận/thành phố của các huyện vùng ven như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh… đã tác động lên giá chào bán thứ cấp ở các dự án.

Riêng trong tháng 4 vừa qua, theo số liệu thống kê của DKRA, giá đất tại các địa phương này tăng khoảng 10 – 18% so với thời điểm trước Tết. Tuy nhiên thanh khoản thị trường ở mức thấp, hầu như rất ít giao dịch phát sinh trong tháng.

Giá đất Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh tăng mạnh nhờ đề án lên quận/thành phố.  
Giá đất Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh tăng mạnh nhờ đề án lên quận/thành phố.  

Thực tế, nếu so với nhiều khu vực khác của TP Hồ Chí Minh thì 2 huyện Củ Chi và Hóc Môn vẫn “chậm nhịp” hơn rất nhiều về phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên thông tin về hội nghị xúc tiến đầu tư vẫn là một tin vui thúc đẩy thị trường bất động sản Củ Chi và Hóc Môn sôi động hơn nữa.

Riêng tại Củ Chi, đề xuất đưa huyện này lên thẳng thành phố, không lên quận đã khiến thị trường bất động sản nơi này trở nên nhộn nhịp hơn thời gian im ắng vì dịch. Thậm trí, nhiều chủ đất tại huyện Củ Chi gỡ bảng rao bán cũ để cập nhật giá mới.

Nhiều môi giới tại khu vực này cho biết, lượng khách hàng quan tâm đến bất động sản ở Củ Chi có tăng sau những thông tin tích cực về quy hoạch và kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, những người thực sự xuống tiền không nhiều. Theo đó, số ít F0 đang tìm kiếm nơi đầu tư thì giá đất nền ở đây đã tăng cao khá cao, đất nông nghiệp ở vùng xa cũng đã 5-7 triệu/m2 cho mảnh lớn, còn đất thổ cư thì đã hàng chục triệu đồng tùy theo vị trí.

Một thông tin đáng chú ý, Mới đây, xuất hiện thông tin dòng vốn lên đến 285.000 tỷ đồng (tương đương 12,4 tỷ USD) sắp đổ về Củ Chi, Hóc Môn từ việc kêu gọi đầu tư 55 dự án đã khiến giá đất Củ Chi lại được dịp ‘nhảy múa’.

“Hiện tại, giá đất Củ Chi đang tăng nhẹ. Cụ thể, đất thổ cư có mức giá từ 15 – 32 triệu/m2. Một số khu vực ở Tỉnh Lộ 9 giá đất thổ cư lên đến 40 triệu/m2. Đất mặt tiền giá dao động từ 20 – 30 triệu/m2 tùy khu vực. Giá đất trong hẻm rẻ hơn khoảng 10 – 15 triệu/m2. Giá đất vườn có giá dưới 10 triệu/m2”, một môi giới đất tại Củ Chi chia sẻ.

Khác với Củ Chi, tại Hóc Môn, đất đai có phần hiếm hơn và giá đã cao chót vót. Kể từ thời điểm có thông tin lên quận giá đất tại đây đã nhảy múa theo từng ngày. Thời điểm đầu năm 2021, một số người dân sinh sống tại xã Tân Hiệp huyện Hóc Môn cho biết, giá đất nơi này tăng cao đến khó tin. Tại những mảnh đất từ ngày mở con đường đi ngang cùng với thông tin huyện Hóc Môn sẽ lên quận, đất khu vực này bỗng nhảy vọt lên hơn 40 triệu đồng/m2, trong khi cách đây 2 năm giá đất chỉ dao động chưa tới 20 triệu đồng/m2.

Thậm trí, nhiều người dân tại Hóc Môn quanh năm chỉ biết trồng rau, nuôi bò, nuôi heo thì nay cũng “chuyển nghề” sang làm cò đất.

Một cò đất tại Hóc Môn cho biết “Ở Hóc Môn giờ muốn mua nhà đất ở được với diện tích khoảng 50-80m2, có đường bê tông từ 2m trở lên, có sổ riêng và xây dựng được thì phải có trong tay ít nhất 3 tỉ đồng. 2 tỉ đồng thì không thể mua nhà đất Hóc Môn lúc này, trừ khi mua nhà giấy tay, nhà nằm trong quy hoạch.”

Còn Bình Chánh, địa phương sở hữu quỹ đất lớn còn lại của thị trường bất động sản sôi động nhất cả nước. Với việc nâng cấp hành chính huyện Bình Chánh lên thành phố vào năm 2025, giới đầu tư kỳ vọng, nơi này sẽ trở thành trung tâm hành chính của thành phố vào năm 2025, tương tự mô hình trung tâm hành chính TP Thủ Đức cho khu tây TP.HCM.

Thực tế, kể từ khi xuất hiện đề án, giá đất tại Bình Chánh đã rục rich tăng giá, tùy vị trí. Đơn cử như tại Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B, các lô đất từ 80-90 m2 đang có giá trung bình khoảng 3,2-4 tỷ đồng. Chỉ trong một thời gian ngắn, giá đất trung bình tại đây đã tăng từ hơn 20 triệu đồng/m2 lên mức khoảng 40 triệu đồng/m2.

Biến động mạnh nhất có lẽ là khu vưc trên trục Nguyễn Văn Linh với giá đất thổ cư tăng từ khoảng 21-35 triệu đồng/m2 lên 27-48 triệu đồng/m2.

Ông David Jackson Tổng giám đốc Colliers Việt Nam khẳng định Bình Chánh đóng vai trò quan trọng như là đầu mối giao thông và logistics, kho bãi của TP.HCM và vùng Tây Nam bộ. Đặc biệt, nhu cầu nhà ở tại Bình Chánh là rất cao với nền kinh tế năng động, đô thị hóa nhanh.

“Mỗi năm, dân số Bình Chánh tăng thêm khoảng 30.000 người, do đó nhu cầu về nhà ở cao, hạ tầng giao thông được đầu tư bài bản, dân số cơ học đông là lý do bất động sản Bình Chánh có biên độ tăng giá tốt. Nhu cầu tìm mua bất động sản tại Bình Chánh hiện rất cao, gấp khoảng 2 lần giai đoạn giãn cách xã hội”, CEO Colliers Việt Nam đánh giá.

Bảo Châu

Theo Kinh doanh & Phát triển