Đất Củ Chi, Hóc Môn nhảy múa trước thông tin quy hoạch

Thời gian gần đây, khi có một vài đề xuất đưa 2 huyện Củ Chi, Hóc Môn lên thành phố và mời gọi đầu tư vào nhiều dự án đã khiến giá đất tại các khu vực nói trên đồng loạt nhảy múa.

Thông tin lên quận và mời gọi đầu tư đã ngay lập tức tác động đến thị trường bất động sản huyện Củ Chi, Hóc Môn.

Đất Hóc Môn, Củ Chi tăng giá ào ào

Thời gian qua, thông tin liên quan đến huyện Củ Chi, Hóc Môn tại TP.HCM xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông. Theo đó, địa phương định hướng phát triển theo hướng đô thị sinh thái, lên thẳng thành phố trực thuộc TP.HCM thay vì lên quận.

Cùng với đó, TP.HCM đã mời gọi đầu tư 55 dự án vào huyện Hóc Môn và Củ Chi với tổng vốn dự kiến hơn 12 tỷ USD (tương đương hơn 285.000 tỷ đồng). Trong đó, 18 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông - kỹ thuật; 1 dự án giảm ngập nước; 12 dự án chỉnh trang đô thị; 3 dự án công nghiệp; 16 dự án nông nghiệp; 2 dự án thương mại - dịch vụ và 4 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục - văn hóa - thể thao.

Các thông tin tích cực nêu trên đã ngay lập tức tác động đến thị trường bất động sản huyện Củ Chi, Hóc Môn.

Chị Lan Anh (Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, chị mua lô đất ở Củ Chi từ cuối năm 2021 với giá 750 triệu đồng, tới tháng 3 "lướt sóng" bán được 1,25 tỷ đồng. Giờ lô đất này được đẩy giá lên 1,4 tỷ đồng và chưa có dấu hiệu dừng lại vì các lô xung quanh đã bán giá 1,6 tỷ đồng.

Một người khác cho biết, hai tuần sau thông tin Củ Chi định hướng phát triển lên thành phố, mặt bằng giá nhiều nơi tăng đã hơn 100 triệu đồng/lô. 

Bà Nguyễn Thị Thu (Tân Bình - TP.HCM) trước đây có mua 1.000 m2 đất ở xã Tân Phú Trung, Củ Chi. Trong năm 2021, bà Thu gửi môi giới nhưng bán mãi không được. Nhưng từ đầu tháng 2, bên môi giới đã nhiều lần liên lạc với bà Thu để mua lô đất đó. Sau đó, bà Thu chốt bán và lời được 500 triệu.

Là người tìm mua đất ở Củ Chi, ông Đặng Văn An (quận 9, TP.HCM) cho biết, vừa qua ông cũng tìm mua được lô đất 500m2 ở An Nhơn Tây, Củ Chi với giá 1,75 tỷ đồng. Ông An đặt cọc 200 triệu đồng nhưng sau đó chủ đất đã được người khác trả giá cao hơn nên đã bán cho người khác.

Ông An cho biết: “Đất ở Củ Chi hiện rất sốt, muốn tìm được lô đất ưng ý nhưng giá đã cao hơn trước rất nhiều rồi. Hiện tôi vẫn chưa thể tìm được lô nào”.

Theo khảo sát, trên đường Bà Thiên ở xã Nhuận Đức, một lô đất 425m2 được rao bán với giá 2,15 tỷ đồng. Một lô đất 120m2 khác rao bán với giá 1,5 tỷ đồng. Dọc đường Nguyễn Thị Lắng, giá đất thổ cư được rao bán ở mức từ 13,5 triệu đồng/m2; trên đường Võ Văn Bích rao bán với giá khoảng từ 15 triệu đồng/m2.

Tương tự, trên các tuyến đường Võ Văn Bích (xã Bình Mỹ), đường Trần Thị Lan (xã Tân Thạnh Tây), đường Trần Văn Chẩm (xã Tân Thông Hội), giá rao bán đất nền tại các dự án, mỗi nền trên dưới 100m2 có mức giá từ 15 - 22 triệu đồng/m2.

Thậm chí, giá nhà đất ở Củ Chi thuộc khu vực giáp ranh với quận 12, huyện Hóc Môn, Bình Dương và gần các tuyến đường huyết mạch như quốc lộ 22 (đường Xuyên Á), trung tâm hành chính huyện, hoặc dọc bờ sông Sài Gòn… tăng nhanh với biên độ lớn.

Theo Công ty CP DKRA, ở huyện Củ Chi, đất thổ cư tại một số trục đường lớn ở Thị trấn Củ Chi và xã Tân Phú Trung có giá 17 - 56 triệu đồng/m2, tăng 3% so với cuối năm trước.

Giá bán bất động sản tại huyện Hóc Môn cũng tăng nhanh. Đất thổ cư một số trục đường lớn ở hai xã Xuân Thới Thượng và Đông Thạnh được rao bán ở mức 20 - 45 triệu đồng/m2, tăng 2 - 5% so với cuối năm ngoái.

Cẩn trọng với cơn sốt đất

Đánh giá về cơn sốt đất, ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc Nghiên cứu & Phát triển DKRA cho rằng đó là tín hiệu khá tích cực. Củ Chi có nhiều tiềm năng và dư địa phát triển trong tương lai. Dù vậy, ông Thắng cũng khuyến cáo các nhà đầu tư cẩn trọng.

“Trước hết là việc nâng cấp huyện Củ Chi lên thành phố là định hướng dài hạn mang tính chiến lược chứ không phải một sớm một chiều. Đặc biệt, phải tìm hiểu rõ về pháp lý bất động sản hoặc dự án, hiểu rõ quy hoạch của khu vực. Nhà đầu tư cần tỉnh táo để tránh tâm lý đầu tư theo đám đông trước các hiện tượng “sốt ảo” trên thị trường”, ông Thắng khuyến cáo.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, nhiều người đã lợi dụng thông tin từ các cuộc họp để trục lợi, nhất là các đầu nậu, cò đất, hay các doanh nghiệp bất lương đã làm cho giá đất ở huyện Củ Chi, Hóc Môn "loạn lên".

Thực tế, giá đất tăng phi mã, người dân bán đất và giới "cò" kiếm bộn. Tuy nhiên, người được cho là hưởng lợi nhiều có lẽ là một số đại gia bất động sản, những đơn vị vừa mới được chấp nhận đầu tư tại hai khu vực này.

 “Chúng tôi đã cảnh báo nhưng nhiều người vẫn "liều", nhắm mắt mua đất giá cao rồi không bán được. Trước đây, đã có nhiều doanh nghiệp làm đầu nậu, thổi giá đất đã bị xử lý, người mua chịu thiệt hại. Vì thế, những người có ý định mua đất lúc này phải tỉnh táo, phải tìm hiểu kỹ, đừng để tiền mất tật mang" - ông Châu cảnh báo.

Cũng theo các chuyên gia, các dự án ở huyện Hóc Môn, Củ Chi chỉ là mới kêu gọi, chưa có nhà đầu tư nào chính thức tham gia vào, cũng chưa có quy hoạch cụ thể nên chưa ai biết được khu vực nào sẽ được hưởng lợi. Chính vì thế, nếu mua đất lúc này có thể sẽ gặp rủi ro, nhất là những người đầu cơ, lướt sóng hay dùng tiền vay, mua xong mà không bán được hoặc bị vướng quy hoạch sẽ rất khó khăn.

Đất nền Củ Chi chưa hội đủ các yếu tố để giá gia tăng bền vững nên việc giá đất tăng nóng rồi chững lại đi xuống là điều có thể xảy ra. Do đó, khách hàng cần tỉnh táo trước khi quyết định đầu tư. Còn với những nhà đầu tư trường vốn thì đây là cơ hội tốt để đầu tư nhằm hướng đến khu đô thị Tây Bắc TP.HCM những năm tới.

Minh Vân

Theo Chất lượng và cuộc sống