Nhà siêu mỏng siêu méo giữa phố Thủ đô: Lỗi tại quy hoạch hay thực thi?
Tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo là một thực tế tồn tại phổ biến tại Hà Nội và nhiều đô thị lớn ở Việt Nam. Dù đã có quy định rõ ràng nhưng ngay tại Hà Nội, sau mỗi dự án mở rộng đường giao thông hoặc cải tạo đô thị lại xuất hiện hàng loạt nhà siêu mỏng, siêu méo.
Nhà siêu mỏng siêu méo là những ngôi nhà được xây dựng trên các thửa đất có diện tích quá nhỏ (thường dưới 15m2), hoặc có hình dáng bất thường như tam giác, hình thang nhọn, dải dài và hẹp, không đảm bảo về kiến trúc, an toàn và mỹ quan đô thị.
Để xóa bỏ tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, UBND thành phố Hà Nội đã ra Quyết định 61. Theo đó, từ ngày 7/10/2024, mảnh đất sau thu hồi có diện tích dưới 15m2, mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng là 3m sẽ không được phép tồn tại mà phải hợp thửa, hợp khối với các diện tích liền kề - hoặc giao lại cho địa phương quản lý.

Tuy nhiên, việc triển khai quy định này trên thực tế gần như bị bở quên, chủ yếu do người dân không đạt được sự đồng thuận khi thương lượng để hợp thửa còn chính quyền địa phương cũng bỏ qua hoặc bất lực.
Trên tuyến đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân), nơi đang triển khai dự án mở rộng, nhiều thửa đất sau thu hồi chỉ còn lại vài mét vuông. Có trường hợp diện tích đất chỉ còn khoảng 4 – 5m2 nhưng chủ sở hữu vẫn dựng tôn bao quanh để giữ đất. Một số hộ dân khác lại tiến hành sửa chữa, cơi nới phần còn lại, bất chấp việc công trình trở nên méo mó, thiếu đồng bộ về kiến trúc và thẩm mỹ đô thị. Thậm chí, có căn nhà còn xây lên 2 tầng như 1 sự thách thức mọi quy định về quản lý đô thị.
Anh Xuân Quang, hiện đang sinh sống tại Gold Season, 47 Nguyễn Tuân, phường Thanh Xuân Trung bày tỏ, con đường được quy hoạch nhằm cải thiện hạ tầng giao thông, nhưng việc xuất hiện những ngôi nhà méo mó, hình thù kỳ dị lại khiến toàn bộ cảnh quan đô thị trở nên nhếch nhác, mất tính thẩm mỹ.
"Quy định xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo không phải là mới, nhưng không hiểu vì sao tình trạng này vẫn tồn tại. Vậy ai là người phải chịu trách nhiệm?. Tôi không thể hiểu chính quyền địa phương từ quận xuống phường vài sao bỏ qua việc này?", anh Quang bày tỏ thắc mắc.
Trả lời VietnamFinance về vấn đề này, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, chủ trương xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo đã có từ lâu. Theo đó, với những thửa đất dưới 15m2 hoặc có hình dạng không phù hợp, có hai phương án chính.
Trong đó, phương án một là hợp khối. Các hộ dân tự thỏa thuận để hợp thửa, hợp khối, tạo thành công trình thống nhất về không gian và kiến trúc. Phương án hai là thu hồi, nếu không thể hợp khối, Nhà nước sẽ tiến hành thu hồi phần đất để sử dụng vào mục đích công cộng như trồng cây xanh, đặt biển báo, hạ tầng kỹ thuật…

Tuy nhiên, theo ông Nghiêm, vấn đề nằm ở khâu thực thi chưa đủ kiên quyết, trách nhiệm thực hiện thuộc cả phía chính quyền và người dân. ông cũng lưu ý rằng, nếu phần đất còn lại sau giải phóng mặt bằng không nằm trong chỉ giới đường đỏ thì không áp dụng cơ chế đền bù theo giá Nhà nước, mà phải thương lượng với chủ đất theo giá thị trường, đây là điểm mấu chốt cần được xem xét kỹ trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, ông Nghiêm cũng nhấn mạnh muốn giải pháp hợp khối phát huy hiệu quả, cần có sự tham gia tích cực của đội ngũ kiến trúc sư, người thiết kế. "Trước đây, các quận huyện từng có lực lượng kiến trúc sư hỗ trợ miễn phí để tư vấn và đảm bảo tính đồng bộ trong thiết kế, tuy nhiên mô hình này đã không được duy trì do thiếu nguồn lực", ông nói.
Ngoài ra, ông Nghiêm cho biết tại một số địa phương nơi chính quyền chủ động phối hợp và đạt được sự đồng thuận cao từ người dân, việc xử lý nhà siêu mỏng đã đạt hiệu quả rõ rệt.
Theo ông, xử lý nhà siêu mỏng siêu méo trước hết là trách nhiệm chính quyền địa phương quận và phường. Đây là kinh nghiệm cần được nhân rộng để đảm bảo bộ mặt đô thị văn minh, đồng thời giải quyết dứt điểm tình trạng nhà méo mó, kém an toàn tồn tại sau mỗi đợt giải phóng mặt bằng.
Đồng tình với quan điểm của KTS Đào Ngọc Nghiêm, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLAW, nhấn mạnh cần thiết phải thiết lập một cơ chế rõ ràng cho việc xử lý các thửa đất siêu mỏng, siêu méo thông qua hai bước. "Trước hết, nên khuyến khích người dân thực hiện việc hợp thửa bằng cách chuyển nhượng phần đất không đủ điều kiện xây dựng cho hộ liền kề. Trường hợp hai bên không đạt được thỏa thuận, cơ quan nhà nước sẽ can thiệp bằng cách thu hồi phần đất đó với mức giá đền bù hợp lý", vị luật sư cho hay.