Nhà thầu xây dựng kêu cứu: Giá nhà vẫn tăng...

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thám, nếu việc đình đốn của các công trình xây dựng không ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế thì nên giải quyết về sau.

Hàng loạt nhà thầu xây dựng lớn như Delta, Vinaconex, Cienco 4, Eurowindow, Thành An, Phục Hưng Holdings... vừa có văn bản gửi Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) để kiến nghị với Thủ tướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp do ảnh hưởng kép từ giá nguyên vật liệu tăng cao và đại dịch Covid-19. 

Các doanh nghiệp đề nghị được gia hạn thời gian trả nợ/cơ cấu nợ ngân hàng, giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm và gia hạn tiền nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm tiền thuê đất, giảm tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động...

Chia sẻ với khó khăn của các doanh nghiệp trong mùa dịch, song PGS.TS Nguyễn Đình Thám, nguyên Trưởng Bộ môn Công nghệ và Xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội cũng thẳng thắn cho rằng, đây là tình trạng chung ở Việt Nam - thấy người khác xin được thì mình cũng xin. Vấn đề ở chỗ, các đại gia xây dựng mà cũng đi "xin" thì Nhà nước lấy tiền đâu để hỗ trợ?

"Tại sao những "ông lớn" xây dựng này không nhìn các tập đoàn khác bỏ hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng hỗ trợ Nhà nước phòng chống dịch? Ngân sách của Nhà nước là tiền thuế của người dân và doanh nghiệp, không lẽ bây giờ Nhà nước lấy của các doanh nghiệp khác để hỗ trợ cho những "ông lớn" này?", PGS.TS Nguyễn Đình Thám đặt câu hỏi.

Nhiều "ông lớn" xây dựng kêu cứu do ảnh hưởng kép từ giá nguyên vật liệu tăng cao và đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa  
Nhiều "ông lớn" xây dựng kêu cứu do ảnh hưởng kép từ giá nguyên vật liệu tăng cao và đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa  
 

Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý, giá nhà đất thời gian qua vẫn không có dấu hiệu giảm. Báo cáo về nhà ở và thị trường bất động sản quý II/2021 Bộ Xây dựng vừa công bố đã khẳng định điều này, trong đó, giá giao dịch căn hộ chung cư bình quân, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM vẫn tăng khoảng 5-7% so với Quý I. Bản thân nhiều doanh nghiệp vẫn nộp đơn xin mở dự án nọ dự án kia.

"Bất động sản không tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, thậm chí đó là nơi chôn tiền, tiền ấy không quay vòng trở lại sản xuất, kinh doanh.

Chưa kể, những sản phẩm làm ra, trừ những công trình phục vụ sản xuất kinh doanh, như nhà máy, nhà xưởng..., chưa phải là cấp bách, thiết yếu.

Những doanh nghiệp cần hỗ trợ phải là những doanh nghiệp trong các ngành, lĩnh vực không có không được, và nếu không có sự hỗ trợ thì không sản xuất, kinh doanh được, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội, như giao thông, sản xuất nhu yếu phẩm, hàng xuất khẩu...

Hỗ trợ những doanh nghiệp ấy để họ duy trì chuỗi sản xuất, kinh doanh là đúng vì mang lại lợi ích thiết thực cho toàn dân, còn những doanh nghiệp chưa đến mức đình đốn sản xuất, hoặc nếu bị đình đốn mà không ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế, hoặc nó gây ảnh hưởng về lâu dài thì nên giải quyết về sau. Nếu doanh nghiệp nào, ngành nào cũng nhận mình là "nóng", "cấp bách" thì Nhà nước không đủ sức giải quyết được", PGS.TS Nguyễn Đình Thám nói.

Một điểm khác được vị chuyên gia chỉ ra, đó là thị trường bất động sản hiện nay, nguồn cung nhà ở xã hội và giá thấp rất hạn chế, các dự án nhà ở thương mại tại khu vực trung tâm của các đô thị hầu như không có căn hộ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2. 

Thay vào đó, nguồn cung vẫn tập trung chủ yếu là nhà ở trung cấp và cao cấp, thậm chí siêu cao cấp (có dự án căn hộ cao cấp được chào bán với mức giá ngất ngưởng 800 triệu đồng/m2). Người mùa những sản phẩm này, theo ông Thám, chủ yếu là người có tiền, mua để đấy hoặc mang tính chất đầu cơ, còn đa số người dân có nhu cầu nhà ở thực sự, người thu nhập thấp thì không thể với tới và cơ hội sở hữu nhà ở vẫn còn rất xa vời.

"Nếu là nhà ở xã hội, hoặc căn hộ bình dân thì Nhà nước có thể hỗ trợ, còn dự án căn hộ trung cấp, cao cấp hoặc siêu cao cấp, hay những dự án du lịch nghỉ dưỡng mà đòi hỗ trợ thì xét về quan điểm nhân sinh, là không công bằng.

Hơn nữa, nguyên tắc của kinh doanh là đầu vào tăng thì đầu ra cũng phải tăng, không phải đầu vào tăng thì Nhà nước chịu chi phí ấy cho doanh nghiệp. Những người hưởng thụ sản phẩm này cũng không phải là đối tượng Nhà nước cần trợ cấp", PGS.TS Nguyễn Đình Thám khẳng định quan điểm.

Thay mặt cho các nhà thầu, Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đề nghị Thủ tướng giao Bộ Xây dựng hướng dẫn việc áp dụng quy định về điều kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng giao nhận thầu thực hiện trong thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Thứ hai, bổ sung các chi phí phòng dịch bắt buộc, các chi phí tạm dừng thi công chờ việc, các chi phí kiểm tra nhanh dịch bệnh cho cán bộ, công nhân... vào chi phí đầu tư xây dựng công trình.

Thứ ba, đề nghị Thủ tướng giao Bộ Xây dựng có quy định hướng dẫn cụ thể về điều kiện để công trình được tiếp tục thi công trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, công trình nào phải tạm dừng.

Thứ tư, xin Thủ tướng hỗ trợ dừng thu BHXH 6 tháng cuối năm cho tất cả lao động thời vụ ký hợp đồng lao động từ dưới 6 tháng tại các doanh nghiệp xây dựng.

Về tài chính doanh nghiệp, VACC đề nghị giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng từ quý II/2021 sang đầu năm 2022 (các khối lượng nghiệm thu hoàn thành đến quý II/2021 đã xuất hóa đơn nhưng chưa được thanh toán); giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp thời điểm từ tháng 4/2021 đến tháng 12/2021 cho tất cả doanh nghiệp xây dựng.

Với các khoản vay ngân hàng phục vụ cho công trường, dự án nhưng phải dừng thi công do giãn cách chống dịch được tính lãi suất 0%. Cho hoãn nộp tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp đến hết năm 2021, đồng thời có phương án giảm giá thuê đất đặc biệt đối với các diện tích đất làm nhà kho, xưởng phục vụ thi công, sản xuất.

Ngoài ra, Hiệp hội yêu cầu các sở xây dựng địa phương cập nhật kịp thời, chính xác đơn giá các vật liệu xây dựng để áp dụng cho các công trình dùng vốn ngân sách, có được đơn giá chính xác, phù hợp tránh làm thiệt thòi cho các nhà thầu xây dựng.

Thành Luân

Theo Đất Việt