Nhận diện loạt cổ phiếu tăng 15-25% trong 1 tuần: Bán lẻ, thép và hóa chất gây chú ý

Việc thị trường chứng khoán hồi phục đáng kể trong tuần qua đã kéo theo nhiều cổ phiếu tăng giá, trong đó không ít cổ phiếu tăng giá rất mạnh.

Ngành bán lẻ gây chú ý với FRT tăng 23%, DWG tăng 22%

Tuần vừa qua ghi nhận nhiều mã cổ phiếu thuộc nhóm ngành bán lẻ đạt được mức tăng ấn tượng.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/10, giá cổ phiếu FRT của Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT đạt 78.000 đồng/cổ phiếu. Chỉ trong vòng một tuần, cổ phiếu này đã ghi nhận 3 phiên tăng trần với mức thanh khoản đạt đỉnh điểm vào phiên cuối với gần 3 triệu cổ phiếu được giao dịch. So với mức giá 63.500 đồng/cổ phiếu hồi đầu tuần, giá FRT đã tăng mạnh 22,83%.

Mức tăng trần của FRT có thể coi là ví dụ điển hình cho diễn biến của các cổ phiếu ngành bán lẻ trong phiên giao dịch cuối tuần, rất nhiều các cổ phiếu khác cũng tăng mạnh trong phiên cuối như DGW (tăng 7%), MWG (tăng 4%), PET (tăng 6,9%) hay CMV tăng (7%). 

Trong quý II, FRT đã ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng. Cụ thể, FRT công bố doanh thu quý II đạt 6.213 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 59 tỷ đồng, lần lượt tăng 43% và tăng 59% so với cùng kỳ. Với việc FRT đang liên tục thực hiện chiến dịch đẩy mạnh số lượng cửa hàng và nâng cao thị phần, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá khả quan đối với tình hình kinh doanh của công ty bán lẻ này trong thời gian tới.

Ở một diễn biến khác, giá đóng cửa cổ phiếu DWG của Công ty Cổ phần Thế Giới Số đã tăng trần và đạt 68.800 đồng/cổ phiếu trong phiên cuối tuần, tăng mạnh 22% so với mức giá 56.400 đồng/cổ phiếu hồi đầu tuần.

BAF tăng mạnh 22%

Trong tuần vừa qua, cổ phiếu BAF của Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam trở thành một trong những cổ phiếu hiếm hoi ghi nhận 5 phiên tăng liên tục, trong đó có 2 phiên tăng trần vào ngày 10/10 và 12/10. Tăng mạnh 4.500 đồng trong tuần, giá của cổ phiếu này đã đạt mức 25.000 đồng/cổ phiếu vào cuối phiên 14/10, tương đương mức tăng 21,95%.

Tuy nhiên, trong 2 tuần đầu tháng 10, một số lãnh đạo của công ty này liên tiếp thực hiện những lệch bán cổ phiếu với số lượng lớn ra thị trường. Cụ thể, ông Phan Ngọc Ân, thành viên HĐQT, đã thực hiện bán 6.593.700 cổ phiếu từ ngày 7/10 đến 11/10. Trước đó, ông Lê Xuân Thọ, thành viên HĐQT, cũng đã bán ra 2.075.400 cổ phiếu vào ngày 4/10.

Trái với màn trình diễn ấn tượng trong tuần vừa qua, tình hình hoạt động kinh doanh của BAF đã trở khá ảm đạm. Cụ thể, doanh thu của BAF trong quý II/2022 đạt 1.625,24 tỷ đồng, giảm 41,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 40,42 tỷ đồng, giảm 62,6% so với cùng kỳ.

Ngành thép tăng ấn tượng, HSG có thêm 20% giá trị

Cổ phiếu HSG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận mức giá đóng cửa phiên 14/10 đạt 14.200 đồng/cổ phiếu, tăng 19,95% so với đầu tuần. Đây cũng là một cổ phiếu ghi nhận 5 phiên tăng liên tiếp với 2 phiên tăng trần trong tuần vừa qua.

Không chỉ HSG tăng ấn tượng, một số cổ phiếu ngành thép khác như HPG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát hay NKG của Công ty Cổ phần Thép Nam Kim cũng nhận được nhiều sự quan tâm với mức tăng lần lượt 10,5% và 14,9% trong tuần.

Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành, tình hình kinh doanh của HSG có phần hụt hơi so với kế hoạch đề ra. Công ty đã đặt kế hoạch doanh thu 46.399 tỷ đồng trong năm tài chính 2021-2022, nhưng thực tế, trong 9 tháng qua, công ty mới chỉ thực hiện được 45,5% kế hoạch lợi nhuận.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đánh giá không mấy khả quan về lợi nhuận năm nay của ngành thép khi mà lượng hàng tồn kho trong các doanh nghiệp còn khá cao. Thời điểm cuối quý II, lượng tồn kho của 15 doanh nghiệp dẫn đầu chiếm đến 95% tổng lượng tồn kho của toàn ngành thép, trong đó có 10 doanh nghiệp ghi nhận giá trị hàng tồn kho trên 1.000 tỷ đồng. Đặc biệt, tồn kho của Hoa Sen Group cũng chạm ngưỡng hàng chục nghìn tỷ đồng.

Ngành hoá chất nổi bật với DGC tăng 19%, DPM tăng 16% và DCM tăng 15%

Với một phiên tăng trần và ba phiên tăng liên tiếp trong tuần, cổ phiếu DGC của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoá chất Đức Giang ghi nhận giá chốt đạt 79.800 đồng/cổ phiếu. Đây là sự hồi phục ấn tượng của giá cổ phiếu này sau khi duy trì đà giảm sâu từ giữa tháng 6 với mức đỉnh 132.000 đồng/cổ phiếu.

Về hoạt động kinh doanh, 6 tháng đầu năm nay chứng kiến mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng của công ty. Với việc ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.637 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 3.401 tỷ đồng, cao gấp 5 lần cùng kỳ năm ngoái, DGC đã hoàn thành 91% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm chỉ sau 6 tháng.

Một cổ phiếu ngành hoá chất khác là DPM của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí cũng ghi nhận 2 phiên tăng trần trong tuần vừa qua và đã có giá chốt tuần đạt 47.500 đồng/cổ phiếu, tăng mạnh 16% trong tuần. 

Thời gian qua, DPM được hưởng lợi từ việc giá phân bón trên thế giới tăng cao. Công ty cũng đã đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu ra thị trường quốc tế sau khi đáp ứng đủ nguồn nhu cầu trong nước. Lượng xuất khẩu 3 quý đầu năm đạt khoảng 155 nghìn tấn, gấp 3 lần so kế hoạch xuất khẩu cả năm.

Về cổ phiếu DCM của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau, với mức giá chốt tuần đạt 32.250 đồng/cổ phiếu, giá DCM đã tăng 15,2% trong tuần vừa qua với 2 phiên tăng trần.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, Đạm Cà Mau ước đạt doanh thu 11.494,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.012 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận theo quý giảm dần đáng kể khi lợi nhuận các quý lần lượt 1.515,5 tỷ đồng, 1.039 tỷ đồng, và ước tính 458,5 tỷ đồng.

NHH tăng 16,4%

Với 4 phiên tăng trong tuần vừa qua, giá cổ phiếu đóng cửa NHH của Công ty Cổ phần Nhựa Hà Nội trong phiên 14/10 đạt 12.400 đồng/cổ phiếu. So với mức giá 10.700 đồng/cổ phiếu hồi đầu tuần, giá cổ phiếu NHH đã tăng mạnh 16,43%. Tuy có một tuần hồi phục đáng kể, cổ phiếu NHH vẫn đang ở trong vùng giá thấp nhất trong vòng 10 năm qua.

Về hoạt động kinh doanh của Nhựa Hà Nội, lợi nhuận sau thuế luỹ kế bán niên của công ty trong năm nay đạt khoảng 40 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Lý do cho mức tăng này được công ty đưa ra là do công ty đã tiến hành tăng cường hoạt động sản xuất và hoạt động đầu tư vào các công ty con cũng đang mang lại dòng tiền khả quan.

Cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán dần hồi phục

Cổ phiếu CTG của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) là cổ phiếu ngân hàng có giá tăng mạnh nhất trong tuần với 14%. Xếp sau là cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với mức tăng 13,1%.

Công ty chứng khoán BSC cho rằng, định giá nhiều cổ phiếu ngân hàng vẫn rất hấp dẫn ở thời điểm hiện tại, sức tăng của các cổ phiếu ngành này sẽ ít nhiều gây ra đà tâm lý tích cực trong ngắn hạn. Về trung hạn, BSC vẫn đánh giá cao triển vọng ngành này trong cả năm 2022 nhờ kinh tế phục hồi sau dịch và mức nền lợi nhuận thấp hơn trong năm ngoái.

Ở nhóm chứng khoán, cổ phiếu VCI của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) là cổ phiếu có mức tăng mạnh nhất với giá chốt phiên 14/10 đạt 27.600 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng 13,58% trong tuần, trong đó có 2 phiên tăng trần.

Huy Hoàng

Theo VietnamFinance