Nhận diện những 'chiêu' đẩy lãi suất vượt đỉnh để hút tiền trong dân
Bên cạnh việc tăng mạnh lãi suất huy động, nhiều ngân hàng còn tung ra các hình thức gửi tiết kiệm với khuyến mại hấp dẫn, lãi suất cao để thu hút khách hàng gửi tiền.
Chứng chỉ tiền gửi
Vài năm trước, nhiều ngân hàng đã tung ra sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với lãi suất tới hơn 9%/năm. Gần đây, sản phẩm huy động vốn này được các nhà băng phát hành rầm rộ trở lại. Lãi suất của loại hình chứng chỉ tiền gửi cao hơn khá nhiều so với gửi tiết kiệm thông thường.
Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) đang áp dụng lãi suất chứng chỉ tiền gửi 8,4%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 18 tháng, 6 tháng là 7,5%/năm, 9 tháng là 7,8%/năm, 12 tháng là 8%/năm và 15 tháng là 8,2%/năm. SeABank cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn với lãi suất 7,85% cho kỳ hạn 36 tháng và 7,7%/năm với kỳ hạn 24 tháng.
Tương tự, Techcombank cũng đang có sản phẩm chứng chỉ tiền gửi Bảo Lộc, áp dụng cho kỳ hạn 6 tháng với lãi suất 6,5%/năm, dành cho khoản tiền từ 100 triệu đồng trở lên. Sacombank cũng có sản phẩm chứng chỉ tiền gửi dài hạn với số tiền gửi tối thiểu 1 triệu đồng, kỳ hạn 7 năm lãi suất tới 7,33% trong năm đầu tiên.
Về bản chất, chứng chỉ tiền gửi là một loại giấy tờ có giá tương tự như sổ tiết kiệm, được ngân hàng phát hành để chứng nhận quyền sở hữu của khách hàng đối với một khoản tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng. Nhưng chứng chỉ tiền gửi không được phát hành thường xuyên quanh năm mà chỉ được đưa ra thành từng đợt tùy thuộc mỗi ngân hàng. Chứng chỉ tiền gửi cũng chỉ có được phát hành với một số kỳ hạn nhất định.
Khách hàng tham gia chứng chỉ tiền gửi sẽ được hưởng mức lãi suất cạnh tranh nhưng phải tuân thủ một số điều kiện chặt chẽ về số tiền tham gia chứng chỉ tiền gửi tối thiểu hay việc tất toán, rút tiền trước hạn đối với sản phẩm này cũng có những quy định cụ thể.
Gửi tiết kiệm qua fintech
Các ứng dụng fintech như Finhay, MoMo, ZaloPay, Infina... cung cấp "sản phẩm tích lũy" với lãi suất cao hơn ngân hàng đang thu hút hàng triệu người gửi tiền có kỳ hạn hoặc không kỳ hạn.
Theo đó, nếu gửi không kỳ hạn trên các ứng dụng fintech, mức lãi cam kết lên tới 5-6%/năm, trong khi gửi ở ngân hàng chỉ 0,1-0,2%/năm. Ở các kỳ hạn 3, 6, 9 và 12 tháng, lãi suất mà các ứng dụng này cam kết từ 6-9%, cao hơn 1-2% so với gửi tại ngân hàng.
Tuy nhiên, gửi tiết kiệm qua fintech có nhiều rủi ro, pháp lý lại chưa rõ ràng và có khả năng không được chi trả đúng như cam kết. Bởi các sản phẩm "tích lũy" mà nhiều fintech quảng bá thực chất là hình thức đầu tư vào các sản phẩm có cam kết lợi nhuận hoặc có lợi nhuận kỳ vọng ở mức ổn định. Các fintech chỉ là trung gian, phân phối lại sản phẩm hoặc kết hợp các sản phẩm thành từng "gói" có lợi nhuận khác nhau tùy thời gian gửi tiền.
Tiền từ sản phẩm "tích luỹ" được các đơn vị mua và đứng tên sở hữu sản phẩm tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi, hợp đồng tiền gửi, chứng chỉ quỹ hay trái phiếu. Các đơn vị sau đó "bán lẻ" lại cho khách hàng với số tiền nhỏ hơn, ràng buộc bằng hợp đồng hợp tác kinh doanh. Các fintech sẽ thu phí quản lý hoặc phí dịch vụ khoảng 0-1,5% giá trị tài khoản, phí nạp tiền và phí rút tiền với mức 0-1,4% giá trị giao dịch. Kết quả hoạt động của việc đầu tư cũng không phải do các đơn vị này quản lý và kiểm soát.
Gửi tiết kiệm online
Gửi tiết kiệm online hay gửi tiết kiệm trực tuyến là phương thức gửi tiền qua ứng dụng Mobile banking/Internet banking thay vì phải đến trực tiếp quầy giao dịch của ngân hàng để mở sổ. Chỉ cần một thiết bị điện tử có kết nối mạng và có đăng ký dịch vụ Mobile banking/Internet banking, khách hàng có thể thực hiện các giao dịch mọi lúc mọi nơi..
Hơn nữa, hình thức gửi tiền online còn giúp khách hàng được hưởng lãi suất cao. Theo khảo sát và đánh giá thực tế, lãi suất gửi tiền tiết kiệm online thường cao hơn so với hình thức mở sổ truyền thống.
Hiện nay, lãi suất gửi tiền online tại một số ngân hàng đang cao hơn từ 0,1-0,4 điểm % so với khi gửi tại quầy.
Cộng lãi suất hay tặng quà hấp dẫn
Cùng với việc tăng mạnh lãi suất huy động, một số ngân hàng còn tung thêm các ưu đãi về cộng lãi suất hay tặng quà hấp dẫn để thu hút khách hàng.
Đơn cử, tại Ngân hàng Bản Việt, khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 6 tháng, mức gửi từ 50 triệu đồng và tham gia thêm bảo hiểm nhân thọ được cộng lãi suất tới 1%.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB) cũng cộng 0,4 điểm % lãi suất cho khách hàng gửi tiết kiệm và sử dụng các gói sản phẩm của ngân hàng này.
Còn tại ABBank, khách hàng mở mới tài khoản tiết kiệm từ 100 triệu đồng trở lên với kỳ hạn 6 tháng được tặng quà bằng tiền mặt tương đương 0,3 điểm % lãi suất huy động và một tài khoản số đẹp trị giá 2 triệu đồng; với tiền gửi kỳ hạn 12 tháng, khách được nhận quà bằng tiền mặt tương đương tới 0,8 điểm % lãi suất huy động
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh cuộc đua lãi suất huy động đang ngày càng "nóng", các chiêu khuyến mại, cộng thêm lãi suất, tăng lãi suất của các ngân hàng sẽ thu hút khách hàng, đồng thời giúp người gửi tiền có thêm nhiều lựa chọn hấp dẫn cho các khoản tiền nhàn rỗi.