Nhân viên văn phòng săn nhà Hà Nội, khó hơn lên trời!
Thu nhập khoảng 9-12 triệu đồng/tháng, nhiều dân văn phòng thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu trước hụt sau. Không ít dân văn phòng sau nhiều năm tích góp vẫn khó mua được một căn hộ ở Hà Nội hay tại các thành phố lớn.
Chị Phạm Hồng Hải (29 tuổi) - nhân viên sale làm việc ở đường Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, gần 1 năm nay chị đã ròng rã tìm một căn hộ tại Thủ đô phù hợp với túi tiền và công việc của mình. Với mức thu nhập hiện tại của chị là 9 -15 triệu đồng/tháng (bao gồm cả lương và thưởng). Chị cần chuẩn bị số tiền tối thiểu 2 tỉ đồng mới có cơ hội sở hữu căn hộ từ 60 – 80m2 ở các quận nội đô.
Tuy nhiên, do thị trường khan hiếm, loại căn hộ chị tìm kiếm cũng chỉ thuộc phân khúc nhà giá rẻ là nhà tập thể, chung cư cũ đã quả sử dụng nhiều năm.
Chị Hải chia sẻ: “Khi chốt được mức giá với người bán thì mình lại đối diện với một vấn đề là phần diện tích không đúng so với sổ đỏ. Đa phần các căn hộ này đều đã cơi nới và không an toàn. Trong khi đó, kết cấu công trình và các hạng mục đa phần đều xuống cấp”.
Theo chị Hải, chị có nhu cầu tìm kiếm căn hộ có giá từ 1,7 - 1,8 tỉ đồng. Nếu giá cao hơn sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế của bản thân vì đến nay, chị vẫn đang phải đi thuê nhà và mất khoảng 8 - 10 triệu đồng/tháng để trang trải các chi phí sinh hoạt và nơi ở.
Với người trẻ làm công việc văn phòng, mua nhà ở Hà Nội là điều vô cùng khó khăn nếu chỉ dựa vào tiền lương.
Chị Bùi Ngọc Trà (trú tại quận Thanh Xuân, nhân viên văn phòng cho một công ty về lĩnh vực giáo dục) chia sẻ - thời điểm ra trường, thu nhập của chị khoảng 8 triệu đồng/tháng.
Mỗi ngày, chị Trà chi khoảng 80.000 - 150.000 đồng cho riêng tiền ăn; cộng thêm tiền trọ 2 triệu đồng mỗi tháng, như vậy, chỉ tính riêng các khoản cố định cần phải chi đã tốn gần 6 triệu đồng trong khoản tiền lương.
Hầu như tháng nào, cô gái trẻ cũng rơi vào cảnh thiếu trước, hụt sau. Đợt nào có đám cưới hay sinh nhật bạn y như rằng âm tiền. Nhiều lúc, tiền lương chưa về tài khoản nhưng trong đầu là bao nhiêu thứ trả nợ. "Tôi không nợ nhiều nhưng mỗi nơi vài trăm nghìn đồng. Nếu chịu khó nấu cơm mang đi làm thì tháng đó tôi để dư ra được hơn 1 triệu đồng. Do vậy, để mà tích góp đủ mua nhà thì đúng là khó hơn lên trời!" - chị Trà nói.
Thu nhập không dư dả, chị Trà cho biết - nếu 4 năm nữa (độ tuổi 30), chị vẫn làm công việc này và theo tiến độ tăng lương của công ty như hiện nay thì lương cũng chỉ tăng thêm 3 triệu đồng/tháng.
Với chị Trà, công việc hiện tại chỉ đủ trang trải cho cuộc sống, sau này lập gia đình, nếu chỉ dựa vào thu nhập của chị thì không có khả năng mua nhà. "Lương tăng chậm trong khi giá nhà thì tăng vọt theo thời gian. Tôi làm công việc văn phòng cũng không đủ khả năng để sở hữu căn hộ ở tầm trung" - chị Trà chia sẻ.
Theo báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) 10 tháng đầu năm 2023, theo Hiệp hội BĐS TPHCM, thị trường BĐS trên cả nước tiếp tục bị lệch pha cung – cầu, rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là phân khúc bình dân và nhà ở xã hội (dưới 25 triệu đồng/m2).
Từ năm 2020 đến nay, nhà ở cao cấp luôn chiếm tỷ lệ áp đảo lên đến 70 - 80% sản phẩm nhà ở trên thị trường, phần còn lại là nhà ở trung cấp và hầu như không còn nhà ở bình dân. Việc này dẫn đến tình trạng rất thiếu nhà ở giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội là loại nhà đáp ứng nhu cầu thực của đa số người dân.
Ngoài ra, từ năm 2017 đến nay giá nhà tăng liên tục và vẫn neo cao đã vượt ngoài khả năng tài chính của người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, công nhân lao động và người nhập cư… Trong khi mức lương người lao động nhận lại không tăng kịp so với mức tăng của giá nhà.
Như vậy, nếu người lao động có thu nhập trung bình thấp và để dành được khoảng 100 triệu đồng/năm, khi mua những căn hộ bình dân có giá 2 - 3 tỉ đồng, họ cũng phải mất khoảng 25 năm mới có thể mua được nhà.
Tương tự trường hợp của anh Nguyễn Hoàng Hiệp (29 tuổi - quê Tuyên Quang), hiện làm việc tại quận Cầu Giấy, Hà Nội có mức lương 12 triệu đồng/tháng.
Anh Hiệp tự nhận mình là dân văn phòng chính hiệu, công việc không có quá nhiều áp lực nên mức lương cũng chỉ ở mức trung bình. "Tôi vốn không phải là người chịu được cường độ công việc cao nên tự chọn cho mình việc làm phù hợp với năng lực" - anh Hiệp nói.
Có ý định lập gia đình vào đầu năm sau, anh Hiệp cho hay, muốn mua nhà cũng phải có hơn tỉ đồng trong tay, vay thêm ngân hàng vài trăm triệu đồng. Với thu nhập hiện tại, bố mẹ ở quê không mấy khá giả, mua nhà là điều quá xa vời với dân văn phòng như anh.
Theo ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội, nguyên nhân khiến giá nhà tăng cao trong những năm qua là do mức độ trượt giá hàng năm, giá nguyên vật liệu, nhân công tăng và tới đây, các phương án đến bù đất đai sẽ theo giá thị trường.
Ông Điệp phân tích: “Để giải quyết vấn đề này chỉ có thể điều tiết bằng cơ chế, chính sách. Có thể đưa ra ưu đãi thu hút các nhà đầu tư và phân khúc nhà giá rẻ, tính toán giải pháp cho người mua nhà như việc hạ lãi suất, kéo dài thời hạn cho vay. Qua đó giúp các đối tượng mua nhà có thu nhập từ 9 -10 triệu đồng/tháng cũng có thể tiếp cận nhà ở giá rẻ”.
Bài toán nhà ở cho những người có thu nhập trung bình nói chung, và những gia đình trẻ có thu nhập trung bình nói riêng không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà còn của nhiều quốc gia khác trong khu vực. Đơn cử, theo thông tin từ Bộ trưởng tài chính Indonesia trên thời báo Jakarta, năm 2017 chỉ có khoảng 40% người Indonesia có thể tự mua được nhà và 40% khác thì cần có trợ cấp một phần từ chính phủ do giá BĐS tăng cao. 20% còn lại gần như không thể mua được nhà nếu không có khoản trợ cấp phần lớn từ chính phủ.