Nhiều động lực đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội

Theo báo cáo thị trường bất động sản quý I/2025, Bộ Xây dựng cho biết, trong quý I, cả nước có 11 dự án nhà ở xã hội quy mô 4.155 căn đã hoàn thành.

 

Tính đến hết quý I/2025, cả nước đã quy hoạch 1.309 vị trí với 9.737 ha đất để làm nhà ở xã hội. Ảnh: VGP
Tính đến hết quý I/2025, cả nước đã quy hoạch 1.309 vị trí với 9.737 ha đất để làm nhà ở xã hội. Ảnh: VGP

Tính đến hết quý I/2025, cả nước đã quy hoạch 1.309 vị trí với 9.737 ha đất để làm nhà ở xã hội. Hiện có 152 dự án đã khởi công, tương ứng với khoảng 131.000 căn. Ngoài ra, 419 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với 419.000 căn.

Lũy kế thực hiện Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030, cả nước có 657 dự án được triển khai với quy mô 597.152 căn. Trong đó, 103 dự án đã hoàn thành, 140 dự án đã khởi công xây dựng, 414 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Về triển khai thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, đến nay mới có 38/63 UBND tỉnh công bố danh mục dự án tham gia chương trình, với tổng số 97 dự án. Doanh số giải ngân của chương trình đạt hơn 3.402 tỷ đồng, bao gồm: hơn 2.944 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 21 dự án; hơn 458 tỷ đồng cho người mua nhà tại 19 dự án.

Báo cáo cũng cho biết, giá căn hộ chung cư tại các đô thị lớn như: TP Hà Nội, TP.HCM không có nhiều biến động so với quý liền kề trước đó. Phân khúc bình dân dưới 45 triệu đồng/m 2; trung cấp khoảng từ 45 - 70 triệu đồng/m 2; cao cấp từ 70 đến trên 100 triệu đồng/m 2; phân khúc siêu sang đã xuất hiện ở một vài dự án có giá xấp xỉ 200 triệu đồng/m 2. Nhìn chung, giá căn hộ chung cư đã chững lại.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh nhấn mạnh, trong phiên trình bày trước Quốc hội rằng, phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong bối cảnh các thủ tục đầu tư, pháp lý còn chồng chéo và kéo dài, việc ban hành một nghị quyết mang tính đột phá được kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian thực hiện dự án, gỡ bỏ các rào cản pháp lý và tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Ngoài ra, để cắt giảm thời gian triển khai, dự thảo đề xuất rút ngắn hàng loạt thủ tục như bỏ bước lập, thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết; bỏ thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi; miễn giấy phép xây dựng đối với thiết kế mẫu đã được công bố.

Đồng thời, Chính phủ đề xuất áp dụng chỉ định thầu rút gọn trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, công trình nhà ở xã hội bằng nguồn vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn, vốn của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

Thời gian thực hiện thủ tục giao chủ đầu tư dự kiến tối đa 75 ngày, giảm khoảng 200 ngày, tương đương 70% so với quy trình hiện hành.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Minh, một điểm nổi bật trong dự thảo là đề xuất thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia với chức năng đầu tư và tạo lập quỹ nhà ở xã hội cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuê mua, thuê.

Quỹ sẽ hoạt động ngoài ngân sách, được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, từ vốn ngân sách đến đóng góp tự nguyện và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Để tăng tốc phát triển nhà ở xã hội, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, ban hành các mẫu thiết kế tiêu chuẩn cho phân khúc này. Theo đó, các thông tin liên quan tới thiết kế cơ sở, kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy, môi trường… sẽ được tích hợp chung vào một giấy phép xây dựng để rút ngắn thời gian và thủ tục.

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phải chủ động chuẩn bị quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, không chỉ trông chờ vào 20% diện tích đất dành cho nhà ở xã hội từ các dự án nhà ở thương mại.

"Nhiều dự án nhà ở tái định cư, nhà ở thương mại xây xong nhưng không có người ở, dẫn đến lãng phí. Chúng ta cần nghiên cứu để cho phép chuyển đổi các dự án này thành nhà ở xã hội, đặc biệt là những khu tái định cư đang bỏ hoang", Phó thủ tướng chỉ đạo.

Để tăng khả năng tiếp cận nhà ở xã hội, Phó thủ tướng cũng đã yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu, mở rộng tiêu chí và đối tượng được hưởng chính sách. Đồng thời, nguồn tín dụng cũng cần được cải thiện theo hướng tăng ưu đãi cho nhà đầu tư và người dân.

Minh Vân

Theo Chất lượng và cuộc sống