Nhiều ngân hàng lo ngại lợi nhuận âm trong năm 2025

Theo Báo cáo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD quý I/2025 của NHNN, các TCTD dự báo tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý I/2025 và cả năm 2025. Song, vẫn có những ngân hàng lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm.

Báo cáo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD quý I/2025 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý IV/2024 có sự cải thiện tốt hơn so với quý III/2024.

Các tổ chức tín dụng (TCTD) nhận định tình hình kinh doanh chưa đạt được như kỳ vọng tuy nhiên vẫn cải thiện hơn so với năm 2023. Trong đó, có 78,9% TCTD ước tính lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương trong năm 2024 so với năm 2023, bên cạnh đó, vẫn có 15,8% TCTD ước tính lợi nhuận tăng trưởng âm và 5,3% ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Tính đến nay, mới chỉ có hai ngân hàng là Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển Nông Thôn Việt Nam (Agribank) và Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2024.

Theo đó, tại Agribank, lợi nhuận trước thuế cả năm 2024 của ngân hàng tăng trên 8% so với năm trước, ước đạt khoảng 27.927 tỷ đồng. Ngoài ra, tính đến 31/12/2024, tổng tài sản của Agribank đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Những chỉ số khác cũng tăng trưởng tích cực như huy động vốn vượt 2 triệu tỷ đồng (tăng 7,5%), dư nợ tín dụng đạt trên 1,72 triệu tỷ đồng (tăng 11%).

Cùng với đó, tỷ lệ nợ xấu của Agribank được kiểm soát ở mức 1,56%. Vốn chủ sở hữu đạt 126.000 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ đạt 51.600 tỷ đồng.

Ngân hàng NCB cũng ghi nhận kết quả tích cực trong năm 2024. Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản đạt 118.562 tỷ đồng, tăng 23,2% so với 2023 và vượt 12% so với kế hoạch. Tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt 71.175 tỷ đồng, tổng huy động vốn thị trường 1 đạt 100.491 tỷ đồng, vượt lần lượt 10,6% và 16,8% so với kế hoạch. Quy mô khách hàng của ngân hàng tính đến 31/12/2024 đạt hơn 1,346 triệu khách, bằng 117,05% so với kế hoạch cả năm và tăng trưởng 34,6% so với cuối 2023.

Các TCTD dự báo tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý I/2025 và cả năm 2025.
Các TCTD dự báo tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý I/2025 và cả năm 2025.

Trước đó, một số đơn vị phân tích cũng đã đưa ra dự báo về lợi nhuận của các ngân hàng trong quý IV/2024. Theo ước tính của Công ty Chứng khoán MB (MBS Research), lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng niêm yết trong quý IV/2024 sẽ tăng trưởng 14,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 11,1% so với quý III/2024. Điều này đồng nghĩa với tổng lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng niêm yết đến cho cả năm 2024 có thể lên tới 62,1 nghìn tỷ đồng.

Từ mức nền của năm 2024, các TCTD dự báo tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý I/2025 và cả năm 2025. Cụ thể, 85,1% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2024. Song vẫn có 9,6% TCTD lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2025 và 5,3% kỳ vọng lợi nhuận không thay đổi.

Trong năm 2025, các TCTD dự kiến có thể điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động và cho vay khoảng 0,2 - 0,3 điểm phần trăm. Dư nợ tín dụng tổng thể của hệ thống ngân hàng được các TCTD dự báo tăng 3,4% trong quý I/2025 và tăng 14,2% trong năm 2025. Tốc độ tăng trưởng tín dụng ngắn hạn được dự báo “tăng” cao hơn trung dài hạn ở hầu hết các nhóm TCTD trong quý I/2025 và cả năm 2025.

Tuy nhiên, nếu như trong năm 2024, chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá của NHNN là các nhân tố được các TCTD đánh giá là quan trọng nhất ảnh hưởng tích cực đến tình hình kinh doanh thì sang năm 2025, “Điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng” mới là nhân tố khách quan quan trọng nhất ảnh hưởng tích cực đến tình hình kinh doanh của TCTD. Theo sau là những yếu tố như “Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị” và “Chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá của NHNN”.

Minh Nhật

Theo VietnamFinance