Nhiều ngân hàng mạnh tay chi cổ tức “khủng”
Năm 2025, làn sóng chia cổ tức tiền mặt tại các ngân hàng diễn ra sôi động, với 9 nhà băng tham gia vào “cuộc đua” này.

Cổ đông ngân hàng nhận cổ tức cao
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB - Mã: ACB) vừa thông báo ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền trả cổ tức năm 2024 bằng tiền và cổ phiếu là ngày 26/5/2025. Theo đó, cổ đông ACB sẽ được trả cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 10% (một cổ phiếu được nhận 1.000 đồng) vào ngày 5/6. Số tiền mà ACB dự kiến dùng để chia cổ tức là 4.467 tỷ đồng.
Ngoài ra, ACB còn dự kiến trả cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 15% (người sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu mới). Tuy nhiên, thời điểm thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu chưa được công bố.
Ngoài ACB, sau mùa đại hội đồng cổ đông, nhiều ngân hàng đã thông qua chính sách cổ tức cho cổ đông. Cụ thể, cổ đông LPBank chuẩn bị nhận cổ tức bằng tiền tỷ lệ 25, theo đó, ngày đăng ký cuối cùng để trả cổ tức bằng tiền mặt là ngày 20/5/2025. Tỷ lệ chi trả cổ tức là 25%, tương đương cổ đông sở hữu một cổ phiếu sẽ nhận được 2.500 đồng. Đây là mức cổ tức tiền mặt cao nhất trong các ngân hàng hiện nay và sẽ được thanh toán vào ngày 28/5. Số tiền mà LPBank dự kiến dùng để chia cổ tức là hơn 7.468 tỷ đồng.
Hay như VIB sẽ chi trả cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 7% (một cổ phiếu nhận 700 đồng). Ngày chốt danh sách cổ đông để nhận cổ tức là 23/4/2025. Thời gian thực hiện vào 23/5. Tổng số tiền mà VIB dự kiến bỏ ra là 2.085 tỷ đồng.
Trong khi đó cổ đông VPBank sắp nhận được cổ tức tiền mặt với tỷ lệ chi trả cổ tức là 5% (một cổ phiếu nhân được 500 đồng). Số tiền mà VPBank dự kiến dùng để chia cổ tức là 3.967 tỷ đồng.
Còn với TPBank, đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp nhà băng chia cổ tức bằng cả tiền và cổ phiếu cho cổ đông. Trong đó, năm nay họ dự chi hơn 2.600 tỷ đồng để trả tỷ lệ 10% và phát hành cổ phiếu tối đa 5%.
ĐHĐCĐ thường niên 2025 của Techcombank diễn ra ngày 26/4 đã thông qua phương án chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2024 với tỷ lệ 10% mệnh giá (tương đương 1.000 đồng/cổ phiếu). Với hơn 7.06 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, tổng số tiền chi trả cổ tức dự kiến hơn 7.060 tỷ đồng.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp Techcombank chia cổ tức bằng tiền mặt, sau mức 1.500 đồng/cổ phiếu trong năm 2023. Nguồn chi trả lấy từ lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ đến hết năm 2024, căn cứ BCTC đã kiểm toán. Thời gian chi trả hoàn tất trước 31/12/2025, thời điểm cụ thể do HĐQT quyết định.
Đặc biệt, OCB lần đầu chia cổ tức tiền mặt sau khi niêm yết. OCB thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt với 700 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 7%. Đây là lần đầu tiên ngân hàng công bố kế hoạch chia cổ tức tiền mặt kể từ khi niêm yết, với tỷ lệ 7% tương ứng hơn 1.726 tỷ đồng, thay vì chia bằng cổ phiếu như các năm trước.
Hay như MB cũng tham gia vào làn sóng chia cổ tức tiền mặt, dự kiến chi 1.831 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 3%.
Hướng đến lợi ích của cổ đông
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết năm vừa rồi ngân hàng đã cam kết chia cổ tức không dưới 18%. Đồng thời, Hội đồng quản trị cũng mong muốn chia cổ tức càng cao càng tốt trong những năm tới.
Với sự đồng hành trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn sang năm và năm tiếp theo chia 20% bằng tiền 5-7% bằng cổ phiếu. Mong muốn cổ đông của LPBank đóng góp, sử dụng nhiều hơn các sản phẩm dịch vụ của LPBank", ông Thụy nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo TPBank, chính sách cổ tức, dựa trên cơ sở hoạt động kinh doanh ổn định, lành mạnh cũng như để gia tăng lợi ích cho các cổ đông đã đồng hành cùng nhà băng.
Chia sẻ về vấn đề trả cổ tức, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank chia sẻ việc chia cổ tức tiền mặt sẽ làm giảm nguồn vốn của ngân hàng. Tuy nhiên, nhà băng vẫn thực hiện do hướng đến mục tiêu tăng trưởng dài hạn và lợi ích của các cổ đông.
Chủ tịch VPBank, ông Ngô Chí Dũng cũng khẳng định nhà băng này duy trì chia cổ tức bằng tiền trong 2 năm tới. Điều này nằm trong lộ trình và chiến lược trả cổ tức bằng tiền 5 năm liên tiếp của nhà băng này, tính từ 2022.
Tại ĐHĐCĐ năm 2025, ban lãnh đao Techcombank cho biết, với kết quả kinh doanh khả quan ngay cả trong tình hình kinh tế nhiều biến động, Ngân hàng tin tưởng rằng, việc duy trì chính sách chỉ trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận giữ lại, trong khi vẫn tiếp tục đã tăng trưởng kinh doanh cao trên mức trung bình ngành và đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 từ 14-15% là hoàn toàn khả thi.
"Chính sách cổ tức là cam kết của Ngân hàng nhằm mang lại giá trị vượt trội và sự gắn kết với cổ đông. Với việc đầu tư vào Techcombank, cổ đông vừa có thu nhập trực tiếp đến từ cổ tức tiền mặt, trong khi vẫn tối ưu hóa lợi ích từ tiềm năng tăng giá dựa trên vị thế dẫn đầu của Ngân hàng tại thị trường tài chính Việt Nam và trong khu vực", đại diện Techcombank cho hay.