Ngân hàng rót vốn chục nghìn tỷ vào hạ tầng, công nghệ số

Hai ngân hàng ACB và HDBank đã lần lượt tung ra các gói tín dụng hàng chục nghìn tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng và công nghệ số.

Chia sẻ tại một sự kiện mới đây, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết, ngân hàng đã triển khai gói hỗ trợ tổng quy mô 40.000 tỷ đồng, trong đó 20.000 tỷ dành riêng cho DNVVN, 20.000 tỷ dành cho các doanh nghiệp lớn đầu tư hạ tầng, công nghệ số để thúc đẩy tín dụng theo chuỗi. Lãi suất của gói tín dụng này thấp hơn lãi suất thông thường từ 2% trở lên.

Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank) cũng đã tung ra gói tín dụng 20.000 tỷ đồng với lãi suất từ 6%/năm dành cho khách hàng doanh nghiệp hiện hữu và khách hàng mới. Trong đó, ưu tiên dành cho các doanh nghiệp thuộc danh sách do Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố - những đơn vị có chiến lược phát triển bền vững và tiềm năng dẫn dắt thị trường trong thời gian tới.

HDBank cho biết, mục tiêu của gói tín dụng này là giúp doanh nghiệp chủ động triển khai kế hoạch sản xuất - kinh doanh, đầu tư trang thiết bị, nâng cấp hạ tầng và đẩy mạnh chuyển đổi số. Từ đó, thúc đẩy đầu tư hạ tầng và công nghệ số - 2 động lực tăng trưởng chiến lược của giai đoạn 2025 - 2030.

ACB và HDBank đã lần lượt tung ra các gói tín dụng dành cho DN đầu tư vào hạ tầng và công nghệ số.  
ACB và HDBank đã lần lượt tung ra các gói tín dụng dành cho DN đầu tư vào hạ tầng và công nghệ số.  

Trước đó, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, đến nay đã có 21 ngân hàng đăng ký tham gia gói tín dụng 500.000 tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng và công nghệ số.

Trong đó, bốn ngân hàng thương mại nhà nước lớn (Big4) gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank đóng vai trò nòng cốt, mỗi ngân hàng đăng ký mức tham gia khoảng 60.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có 12 ngân hàng thương mại tư nhân quy mô lớn đăng ký mỗi đơn vị khoảng 20.000 tỷ đồng, trong khi 5 ngân hàng thương mại quy mô nhỏ hơn đăng ký mức tham gia khoảng 4.000 tỷ đồng/ngân hàng.

Theo đại diện NHNN, gói tín dụng 500.000 tỷ đồng sẽ hoàn toàn không sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước hay vốn vay nước ngoài. Việc để các ngân hàng thương mại sử dụng nguồn vốn huy động của mình để cấp tín dụng, kết hợp với việc cơ cấu lại khoản vay, kéo dài thời hạn cho vay và tham gia đồng tài trợ các dự án lớn, không chỉ giúp nâng cao tính linh hoạt trong cung ứng vốn mà còn góp phần giảm áp lực lên ngân sách nhà nước. Đồng thời, cách làm này vẫn đảm bảo hỗ trợ hiệu quả cho các lĩnh vực đang có nhu cầu vốn trung và dài hạn.

Dù gói tín dụng 500.000 tỷ đồng đã thu hút sự tham gia của nhiều ngân hàng, vẫn còn hai vấn đề mấu chốt cần tháo gỡ trước khi đi vào giải ngân.

Vấn đề thứ nhất, theo NHNN, là việc lựa chọn đúng nhóm đối tượng ưu tiên vay vốn. Dù lĩnh vực hạ tầng và công nghệ có nhu cầu vốn rất lớn, không phải dự án nào cũng thực sự cần thiết hay phù hợp để nhận hỗ trợ. Việc phân bổ nguồn vốn đòi hỏi phải bám sát định hướng của Chính phủ và các nghị quyết liên quan, tránh dàn trải hoặc chồng chéo, đồng thời đảm bảo hiệu quả tối đa trong sử dụng vốn.

Vấn đề thứ hai liên quan đến cấu trúc nguồn vốn. Phần lớn vốn huy động trên thị trường hiện nay là ngắn hạn, trong khi nhu cầu cho vay trung và dài hạn lại ngày càng tăng. Đây chính là thách thức lớn đối với các ngân hàng thương mại, buộc họ phải tính toán kỹ lưỡng nhằm duy trì thanh khoản và đảm bảo an toàn hệ thống khi triển khai gói tín dụng quy mô lớn này.

Khánh Tú

Theo VietnamFinance