Nhiều người lo mất nhà nếu PVC Land phá sản
- TAND TP.HCM đã ban hành quyết định mở thủ tục phá sản đối với chủ đầu tư dự án PetroVietnam Landmark (Q.2, TP.HCM) dựa trên yêu cầu của một khách hàng khiến 400 khách hàng của dự án này như ngồi trên lửa.
>>> Dự án Gamuda: Nhà giàu ngăn đường, chặn chung cư đi chung đường, vì sao?
Hàng trăm khách hàng mua nhà tại dự án PetroVietnam
Landmark 'choáng' vì quyết định của tòa
1 khách hàng trên 400 khách hàng
Chiều 1.3, TAND TP.HCM xác nhận đã ra quyết định mở thủ tục thông báo phá sản đối với Công ty PVC Land, chủ đầu tư dự án PetroVietnam Landmark theo đơn yêu cầu của bà Trần Thị Châu Giang (ngụ Q.3, TP.HCM), một trong số hơn 400 khách hàng mua căn hộ tại dự án, và có đơn kiện đòi bồi thường do bàn giao nhà chậm trễ.
Trước đó, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự Q.2 Tạ Đức Ngăn cũng cho biết để đảm bảo thi hành án cho khoản nợ của bà Châu Giang được thi hành, Chi cục Thi hành án dân sự Q.2 đã ra quyết định phong tỏa hơn 15.000 m2 dự án.
Quyết định nêu rõ tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của PVC Land đối với quyền sử dụng diện tích này.
Theo đại diện Công ty PVC Land, căn hộ của bà Châu Giang vẫn đang trong quá trình hoàn thiện để giao nhà. Công ty thuyết phục bà Châu Giang nhận nhà
nhưng bà không chịu nên công ty cũng đang đàm phán với bà Châu Giang để trả lại số tiền 1,6 tỉ đồng mua căn hộ 1,9 tỉ đồng (trước đó đã trả 300 triệu đồng). Hiện công ty đã bàn giao được khoảng 70 căn nhà cho khách sau một thời gian đóng băng.
Theo kế hoạch cuối năm 2017 sẽ bàn giao hết, còn chính thức vào ở là khoảng tháng 6.2018. Song, quyết định mở thủ tục phá sản của tòa án đã làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án và khiến 400 khách hàng đã đóng đến 80%, thậm chí 100% giá trị căn hộ phấp phỏng, lo sợ.
Ông Trần Việt Huy, một khách hàng đã nhận nhà và đang hoàn thiện căn hộ để vào ở, cho biết: “Hơn 5 năm nay tôi chờ để được giao nhà. Khi chúng tôi đang được giao nhà thì lại có quyết định mở thủ tục phá sản đối với chủ đầu tư.
Vậy hơn 400 hộ dân chúng tôi phải đi đâu nếu chủ đầu tư tuyên bố phá sản thật theo quyết định của tòa? Quyết định của tòa không đứng trên quyền lợi của hơn 400 khách hàng khác mà chỉ lo bảo vệ quyền lợi của 1 cá nhân.
Như vậy liệu có công bằng”, ông Huy đặt vấn đề. Bà Thùy Mị, đại diện cho nhóm khoảng 200 khách hàng tại dự án, cũng bức xúc: “Chúng tôi không hiểu tòa đang bảo vệ cho ai đây, vì lý do gì? Bởi với quyết định như vậy nguy cơ chúng tôi mất nhà là rất lớn”.
>>> PetroVietnam Landmark phá sản, 400 khách hàng về đâu? |
Đình chỉ quyết định nếu trả được nợ
Thẩm phán Nguyễn Hồng Ân (TAND TP.HCM), người ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với PVC Land, khẳng định quyết định dựa trên quy định pháp luật. Luật Phá sản quy định doanh nghiệp (DN) mất khả năng thanh toán là DN không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
“Sau khi thụ lý đơn, tòa có gửi thông báo đến công ty nhưng hai bên không thỏa thuận được nên tôi buộc phải ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với công ty", ông Ân cho hay và nói thêm nếu sau khi ra quyết định mở thủ tục phá sản, PVC Land trả được nợ cho bà Châu Giang thì TAND TP.HCM sẽ ra quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản với công ty.
Tuy nhiên, Phó chánh tòa kinh tế TAND TP.HCM Nguyễn Công Phú cho biết vì quy định chưa rõ này mà nhiều thẩm phán hiểu chưa đúng. “Khoản 1 điều 4 luật Phá sản định nghĩa DN mất khả năng thanh toán là DN không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
Song, lý do không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ để dẫn đến mất khả năng thanh toán thì TAND tối cao lại không hướng dẫn rõ nên có nhiều cách hiểu khác nhau.
Với thẩm phán kinh nghiệm, trước khi ra quyết định mở thủ tục phá sản cần triệu tập phiên họp với sự tham gia của người nộp đơn yêu cầu, chủ DN hoặc đại diện hợp pháp của DN bị yêu cầu mở thủ tục phá sản để xem xét, kiểm tra các căn cứ chứng minh DN có thật sự mất khả năng thanh toán hay không.
Có DN khả năng tài chính họ dư để trả một khoản nợ đó nhưng vì lý do tranh chấp, đang chiếm dụng vốn mà chưa thể trả nợ nhưng khả năng trả nợ là có thì không thể nói rằng DN họ mất khả năng thanh toán”, ông Phú chia sẻ.
Về thủ tục, quy trình ban hành quyết định mở thủ tục phá sản đối với PVC Land, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết trong thời hạn 30 ngày thụ lý đơn của người yêu cầu, nếu tòa án gửi thư mời,
thông báo cho PVC Land nhưng công ty không cung cấp chứng cứ chứng minh được tài chính của mình có khả năng trả nợ, không lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán thì thẩm phán ra quyết định mở thủ tục phá sản là phù hợp.
Bởi đây chỉ mới là giai đoạn mở thủ tục phá sản và để đi đến giai đoạn tòa án ra quyết định công ty phá sản hay không là cả một quy trình khác, chứ không phải mở thủ tục phá sản đồng nghĩa với tuyên bố công ty phá sản.
Trường hợp thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của DN được phân chia theo thứ tự: chi phí phá sản; khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, các loại bảo hiểm đối với người lao động,quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết; khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của DN; nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước,khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ... |
Theo Phan Thương - Đình Sơn
Báo Thanh Niên
Link Nguồn: http://thanhnien.vn/kinh-doanh/nhieu-nguoi-lo-mat-nha-neu-pvc-land-pha-san-799098.html