Nhiều nhóm doanh nghiệp niêm yết về đích sớm, riêng nhóm ngành bất động sản, xây dựng đối diện thách thức lớn

Đến cuối quý III/2022, nhiều doanh nghiệp niêm yết đã hoàn thành, thậm chí vượt xa mục tiêu lợi nhuận cả năm, thậm chí có nhiều doanh nghiệp tăng tích trữ tiền mặt. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, nhóm doanh nghiệp thuộc nganh bất động sản, xây dựng lại gặp nhiều khó khăn, cần giải pháp thổi “ngạt” thị trường.

Nhóm hóa chất, phân bón có tốc độ tăng trưởng vượt trội về giá trị xuất khẩu

Theo số liệu của Bộ Công Thương về nhóm ngành có giá trị xuất khẩu cao nhất trong 10 tháng đầu năm cho thấy, ngành công nghiệp chế biến mang về 270 tỷ USD, đóng góp tới 86% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn này. Trong đó, nhóm hóa chất, phân bón có tốc độ tăng trưởng vượt trội về giá trị xuất khẩu, cụ thể, xuất khẩu phân bón các loại tăng 153% so với cùng kỳ; xuất khẩu hóa chất tăng 40,8%...

Bức tranh xuất khẩu tích cực đã phản ánh vào kết quả kinh doanh quý III cũng như 9 tháng đầu năm của các doanh nghiệp trong ngành. Trong đó phải kể đến Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) ghi nhận doanh thu hơn 3.695 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.513 tỷ đồng, lần lượt tăng 75% và hơn 300% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả kinh doanh quý III của Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang
Kết quả kinh doanh quý III của Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang

Còn tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) còn tích cực hơn nhiều. Cụ thể, trong quý III/2022, Vinachem ghi nhận doanh thu hợp nhất ước đạt gần 16.000 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ 2021 và lợi nhuận toàn tập đoàn ước tính gần 1.200 tỷ đồng, giảm mạnh so với quý I và quý II. Giá trị sản xuất theo giá thực tế trong quý cũng ước đạt hơn 15.500 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ 2021.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu toàn tập đoàn khoảng hơn 45.000 tỷ đồng, tương đương 86,5% kế hoạch năm. Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 5.400 tỷ đồng, gần gấp 3 lần kế hoạch năm 2022. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 1.535 tỷ đồng, bằng 93% kế hoạch năm.

Theo thông tin từ Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ, HOSE: DPM) cho biết quý III, doanh thu thuần đạt 3.885 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu tăng trưởng tốt là nhờ sản lượng tiêu thụ và giá bán phân bón tăng cao, giúp biên lợi nhuận gộp cũng được cải thiện, theo đó tăng từ 36,9% lên 38,3% trong quý vừa qua. Đặc biệt, Đạm Phú Mỹ cũng nhận về doanh thu tài chính khả quan, là tiền cổ tức lợi nhuận được chia và lãi tiền gửi, tiền cho vay. Kết quả, doanh nghiệp phân bón này báo lãi sau thuế 1.000 tỷ đồng trong quý III, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả kinh doanh của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP
Kết quả kinh doanh của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Đạm Phú Mỹ ghi nhận doanh thu đạt 14.730 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 4.460 tỷ đồng, lần lượt tăng 92% và 180% so với cùng kỳ. Tính ra, doanh nghiệp đã vượt 28% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Ngoài một số doanh nghiệp ngành phân bón, hóa chất, trong số doanh nghiệp đã về đích kế hoạch lợi nhuận năm ghi nhận tại thời điểm này còn có một số doanh nghiệp ngành dầu khí. Ba quý đầu năm, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) ghi nhận doanh thu 126.700 tỷ đồng, cao gấp 1,9 lần cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 12.899 tỷ đồng, cao gấp 3,2 lần so với cùng kỳ.

Năm nay, BSR đặt mục tiêu doanh thu đạt 91.678 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.295 tỷ đồng. Như vậy, BSR đã vượt kế hoạch lợi nhuận năm đến gần 10 lần.

BSR đã vượt kế hoạch lợi nhuận năm đến gần 10 lần
BSR đã vượt kế hoạch lợi nhuận năm đến gần 10 lần

Giá xăng dầu tăng cao, khoảng chênh lệch giá giữa giá nguyên liệu và thành phẩm nới rộng, cộng với nhu cầu xăng dầu phục hồi mạnh khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch đã giúp BSR hưởng lợi. Ông Bùi Ngọc Dương, Tổng giám đốc BSR cho biết, Nhà máy lọc dầu Dung Quất (đơn vị do BSR quản lý, vận hành) đạt công suất vận hành trung bình 105%, sản xuất được khoảng 5,18 triệu tấn xăng dầu, đạt 106% kế hoạch 9 tháng và đạt 80% kế hoạch cả năm. Tổng sản lượng tiêu thụ của nhà máy đạt hơn 5 triệu tấn, đạt 106% kế hoạch 9 tháng và đạt 78% kế hoạch năm.

Doanh nghiệp cùng ngành với BSR là Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PV OIL, UPCoM: OIL) ghi nhận kết quả kinh doanh 9 tháng tăng trưởng mạnh, với doanh thu đạt 79.617 tỷ đồng, lãi sau thuế hơn 431 tỷ đồng. Dù mới thực hiện được 93,5% kế hoạch doanh thu cả năm, nhưng PV OIL đã hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm 40%.

Các doanh nghiệp bất động sản đang cần “thổi ngạt”

Báo cáo tại Hội nghị, Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết thị trường bất động sản trong 9 tháng đầu năm 2022 tiếp tục gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp gặp khó trong việc triển khai thực hiện dự án do có vướng mắc trong thủ tục đầu tư, pháp lý của dự án đặc biệt là việc chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục giao đất, tính tiền sử dụng đất.

Cùng với đó, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để triển khai dự án. Rồi lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng..., dẫn đến chi phí đầu vào tăng cao, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhóm doanh nghiệp bất động sản, câu chuyện gia tăng tiền mặt càng đặt ra trong bối cảnh dòng tiền kinh doanh đang âm nặng, tín dụng bất động sản bị siết chặt và áp lực đáo hạn trái phiếu nóng dần.

Thống kê 9 doanh nghiệp bất động sản, gồm KDH, NLG, SCR, NTL, PDR, DIG, HDC, LDG và DXG, cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, tổng lượng tiền và tương đương tiền đã giảm 2.513,6 tỷ đồng so với đầu năm, về 10.702,8 tỷ đồng. Đà giảm tập trung ở các DXG (giảm 1.774 tỷ đồng, về 1.249,8 tỷ đồng), DIG (giảm 1.674,5 tỷ đồng, về 2.063,7 tỷ đồng).

Ngoài ra, cả 9 doanh nghiệp bất động sản nói trên đều ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm 11.543,2 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 3.014,5 tỷ đồng. Trong đó, DXG ghi nhận âm 3.775,8 tỷ đồng; DIG ghi nhận âm 2.380,3 tỷ đồng; KDH ghi nhận dòng tiền âm 2.315,5 tỷ đồng; SCR ghi nhận âm 637,6 tỷ đồng…

Tại Tập đoàn Đất Xanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022, doanh thu thuần đạt 1.255 tỷ đồng, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu doanh thu ghi nhận sự suy giảm của mảng bán căn hộ và đất nền khi chỉ đạt 692 tỷ đồng (giảm 35%) và sự tăng lên của mảng dịch vụ môi giới (đạt 362 tỷ đồng, tăng 73%) cũng như mảng xây dựng (đạt 123 tỷ đồng, tăng 47 lần).

Kết quả kinh doanh của Tập đoàn Đất Xanh
Kết quả kinh doanh của Tập đoàn Đất Xanh

Sự suy giảm của doanh thu đã khiến lợi nhuận gộp 9 tháng chỉ đạt 2.511 tỷ đồng, giảm 44%. Biên lợi nhuận gộp đạt 54,6%, suy giảm so với cùng kỳ (57,2%).

Còn tại Nhà Khang Điền, doanh thu ghi nhận hơn 805 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ 2021. Đóng góp chính trong đó là từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, đạt 789 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 1.191 tỷ đồng.

Việc gia tăng mạnh tồn kho là nguyên nhân chính khiến dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Nhà Khang Điền trong 9 tháng đầu năm âm đến 2.315 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 845 tỷ đồng. Để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh chính, Nhà Khang Điền tiếp tục tăng vay nợ. Tại thời điểm cuối quý III/2022, tổng nợ phải trả của doanh ghiệp tăng 2,3 lần lên 9.786 tỷ đồng. Dư nợ vay ở mức 7.206 tỷ đồng (gấp 2,8 lần đầu năm), trong đó, nợ tài chính dài hạn ghi nhận 6.176 tỷ đồng (gấp 3,6 lần so với đầu năm).

Nhiều nhóm doanh nghiệp niêm yết về đích sớm, riêng nhóm ngành bất động sản, xây dựng đối diện thách thức lớn - Ảnh 1
Các khoản vay của Nhà Khang Điền
Các khoản vay của Nhà Khang Điền

Trước thực trang đó, việc giải quyết bài toán dòng tiền trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp khó, sức cầu suy yếu mạnh, nhiều chủ đầu tư bất động sản đã công bố hạ giá bán 30 - 50% so với hồi đầu năm để thu tiền về.

Nhiều vấn đề vướng mắc của thị trường cần được tháo gỡ như vấn đề về nguồn vốn, pháp lý dự án… Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), bày tỏ rằng hiện nay thị trường bất động sản đang đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái. Nếu Nhà nước không sớm ban hành các giải pháp điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả, nhưng phải đi đôi với nỗ lực tái cấu trúc, tái cơ cấu của từng doanh nghiệp bất động sản về đầu tư, sản phẩm hướng đến nhu cầu thực của thị trường bất động sản.

“Bởi lẽ đã có một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn; lợi nhuận sụt giảm mạnh, thậm chí bị lỗ; một số cổ phiếu bất động sản “nằm sàn”, đặc biệt là “rủi ro” bị sụt giảm sâu thanh khoản, có thể bị mất thanh khoản, thể hiện qua việc một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang phải thực hiện các biện pháp “đau đớn” để “tồn tại trước đã”. Trong đó có biện pháp thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, công trình; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO…), mà điều này sẽ tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước", ông Châu phân tích.

Còn về vấn đề pháp lý, nhiều đại biểu cho rằng trong bối cảnh hiện nay, giải pháp lớn nhất, bao quát nhất và có tính quyết định nhất là thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất” nhằm “phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững”, góp phần thực hiện mục tiêu đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Việc hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và “một số luật liên quan” trong năm 2023 gồm Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Phòng, chống rửa tiền, các doanh nghiệp đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đồng thời xem xét sửa đổi Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Đấu giá tài sản, Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TNDN, Luật Đầu tư, Bộ Luật Dân sự… để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất về Luật.

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống