Nhiều triển vọng của thị trường bất động sản Việt Nam
Với việc đang nỗ lực hoàn thiện các chính sách gỡ vướng cho thị trường bất động sản cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, việc đầu tư vào bất động sản tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này cho thấy nhiều triển vọng của ngành bất động sản Việt Nam trong thời gian tới.
Hiện nay, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và những nỗ lực của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, tình hình kinh tế - xã hội cả nước đã có sự chuyển biến tích cực trong những tháng cuối năm.
Theo dự báo cho giai đoạn 2024 - 2025, các vấn đề liên quan đến việc phê duyệt các dự án khu dân cư mới sẽ được giải quyết và thị trường bất động sản sẽ hồi phục nhờ vào việc Luật Đất đai 2023 sẽ hoàn thành và có hiệu lực từ nửa cuối năm 2024. Do đó, nguồn cung bất động sản đang tăng lên.
Đáng chú ý, 3 luật có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất tới thị trường BĐS là Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh BĐS 2023 đã được thông qua và dự kiến sẽ có hiệu lực vào 1/8/2024. Đây được coi là những căn cứ bản lề góp phần giúp thị trường phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh. Khi chính thức có hiệu lực, 3 luật mới này sẽ có những tác động tích cực đối với thị trường BĐS.
Về Luật Đất đai, một số điểm mới có thể kể đến như, quy định cụ thể các trường hợp giao đất trực tiếp không qua đấu giá, đấu thầu như: nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, giao đất ở cho giáo viên, nhân viên y tế công tác tại các xã biên giới, hải đảo thuộc vùng có điều kiện khó khăn.
Quy định trên giúp thị trường phát triển thuận lợi hơn, giảm thiểu tối đa các khiếu kiện liên quan đến đất đai; giúp các chủ đầu tư rút ngắn thời gian và chi phí trong quá trình tiếp cận đất đai, đầu tư phát triển dự án; hỗ trợ tăng nguồn cung nhà ở cho người thu nhập thấp, đảm bảo nhà ở cho người dân, phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng.
Về Luật Kinh doanh BĐS đã quy định một số điểm mới như môi giới không được hoạt động tự do mà phải tham gia sàn giao dịch hoặc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản; phải công khai thông tin BĐS trước khi đưa vào kinh doanh; cấm phân lô bán nền đô thị loại đặc biệt, loại I, II, III; quy định trước khi bàn giao nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư chỉ được phép thu tối đa 50% giá trị hợp đồng mua bán. thay vì 70% như hiện tại.
Về Luật Nhà ở, quy định chung cư mini trong Luật Nhà ở 2023 được xem xét cấp sổ hồng nếu đáp ứng đủ điều kiện, tạo cơ hội tiếp cận nhà ở đối với người dân, đặc biệt là nhóm người có thu nhập thấp vẫn có thể sở hữu nhà. Ngoài ra, Luật Nhà ở 2023 cũng quy định không quy định thời hạn sở hữu chung cư, qua đó góp phần thúc đẩy việc phát triển phân khúc này, trước bối cảnh quỹ đất ngày càng khan hiếm, đặc biệt trong trung tâm các thành phố lớn, nơi mật độ dân cư đông đúc.
Bên cạnh những điểm tích cực từ chính sách, các doanh nghiệp bất động sản cũng cần điều chỉnh lại cơ cấu phân khúc và giá thành sản phẩm, tiếp tục nâng cao chất lượng dự án và tăng cường niềm tin của nhà đầu tư. Họ cũng cần tăng cường huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.
Trong đó, sự đô thị hóa tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong năm 2024. Các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM và các khu vực lân cận đang chứng kiến sự gia tăng về nhu cầu nhà ở và dịch vụ. Điều này tạo ra nhiều cơ hội cho các dự án bất động sản ở khu vực ngoại ô, nơi có tiềm năng phát triển lớn và giá trị tăng cao. Các khu đô thị mới và khu dân cư phức hợp đang được xây dựng để đáp ứng nhu cầu của cư dân đô thị ngày càng tăng.
Ngoài ra, thị trường bất động sản công nghiệp cũng đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài và định cư của các doanh nghiệp đa quốc gia đã tạo ra nhu cầu tăng cao về kho bãi, nhà xưởng và khu công nghiệp. Chính phủ Việt Nam cũng đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, như cải tạo cảng biển và cải thiện hệ thống giao thông, để thu hút thêm các dự án bất động sản công nghiệp.
Ngành du lịch và nghỉ dưỡng đang trở thành một yếu tố quan trọng trong phát triển bất động sản. Với vẻ đẹp thiên nhiên và di sản văn hóa độc đáo, Việt Nam thu hút một lượng lớn khách du lịch quốc tế và trong nước. Điều này tạo ra nhu cầu tăng cao về các khu nghỉ dưỡng, căn hộ biển và các dự án bất động sản liên quan đến du lịch.
Mặc dù có triển vọng tích cực, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn đối mặt với một số thách thức. Các vấn đề như thiếu hạ tầng, quy hoạch không đồng bộ và rủi ro về sự biến đổi khí hậu vẫn cần được giải quyết để phát triển bền vững của thị trường.