NHNN dừng đấu thầu, 4 ngân hàng thương mại trực tiếp bán vàng cho dân
Sau thông tin hủy đấu thầu vàng miếng, NHNN đã quyết định thực hiện bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước để các ngân hàng này bán vàng trực tiếp tới người dân.
Vì sao dừng đấu thầu?
Sau hơn 1 tháng triển khai đấu thầu vàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã quyết định dừng đấu thầu để tìm biện pháp bình ổn mới.
Trước đó tại phiên họp kinh tế xã hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13/5/2024, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà còn khẳng định sẽ tăng phiên đấu thầu vàng miếng nhằm tăng cung và giảm chênh lệch với giá vàng thế giới.
Như vậy, chỉ sau gần 2 tuần, NHNN đã thay đổi chiến lược điều hành của mình. Trong thông báo của NHNN ghi rõ: “Nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới, NHNN sẽ điều chỉnh phương án bình ổn thị trường vàng. Theo đó, NHNN dừng đấu thầu bán vàng miếng và sẽ triển khai phương án bình ổn thay thế trong thời gian sớm nhất, dự kiến bắt đầu từ ngày 3/6/2024”.
Từ thông báo này có thể nhìn ra nguyên nhân khiến NHNN dừng đấu thầu vàng miếng. Sau 9 phiên đấu thầu với hơn 48.500 lượng, tương đương hơn 1,8 tấn vàng, được bơm ra thị trường, giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới khoảng 17 - 20 triệu đồng/lượng.
Tình trạng chênh cao giữa giá vàng SJC và giá vàng thế giới rõ ràng vẫn chưa được giải quyết, mục đích liên thông với giá vàng thế giới của các phiên đấu thầu vàng miếng thất bại. Đây được cho là nguyên nhân khiến NHNN phải dừng đấu thầu.
TS Ngô Trí Long nhận định, việc NHNN dừng đấu thầu vàng miếng là “một biện pháp khôn ngoan và kịp thời” bởi nếu sử dụng giải pháp này lâu dài sẽ có tác động rất xấu tới nền kinh tế.
Theo ông Long, mục tiêu của các phiên đấu thầu vàng là tăng cung ra thị trường nhưng NHNN lại không xác định được nhu cầu của người dân là bao nhiêu. Nếu NHNN cứ tiếp tục bơm vàng ra thị trường, điều này sẽ khiến người dân đổ xô đi mua để đầu cơ, dẫn đến hiện tượng “vàng hóa nền kinh tế”, ông Long nhận định.
Sau đấu thầu là gì?
Trả lời báo chí ngày 29/5, Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng cho biết, sau 9 phiên đấu thầu, mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới vẫn ở mức cao.
“Điều này cho thấy, bên cạnh các yếu tố mang tính thị trường như quan hệ cung - cầu, không loại trừ khả năng có các hành vi phạm pháp, thao túng, làm giá, gây mất ổn định thị trường vàng”, ông nói.
Chính vì thế, thay vì đấu thầu vàng, NHNN cho biết sẽ thực hiện bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước để các ngân hàng này bán vàng trực tiếp tới người dân với mục tiêu là sớm thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng ở trong nước với thế giới về mức phù hợp và bền vững.
Theo Phó thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng, ngay trong ngày 3/6 tới, NHNN sẽ thực hiện bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank) theo mức giá do NHNN xác định căn cứ theo giá thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc giá bán vàng cho 4 ngân hàng này có thể sẽ thấp hơn với giá vàng SJC trên thị trường hiện nay.
"Các ngân hàng thương mại nhà nước với mạng lưới rộng khắp của mình đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để tổ chức bán vàng trực tiếp tới người dân có nhu cầu", Phó thống đốc cho biết.
NHNN đã yêu cầu 4 ngân hàng thương mại nhà nước khẩn trương ban hành các văn bản liên quan đến Quy trình giao nhận, mua, bán vàng miếng; Hoàn thành thủ tục thiết lập quan hệ giao dịch mua, bán vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước; thiết lập mạng lưới phân phối ở các địa bản chính về kinh doanh vàng (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà nẵng, Cần Thơ, Bà Rịa -Vũng Tàu...).
Ngoài ra, các ngân hàng tham gia bán vàng phải công bố công khai giá bán vàng trên website và chỉ bán trực tiếp cho người dân, không bán cho các tổ chức và các doanh nghiệp kinh doanh vàng.
Đồng thời, các ngân hàng cũng được yêu cầu báo cáo hàng ngày về lượng vàng đã bán ra, lượng vàng tồn kho, giá bán tới NHNN; cử cán bộ đầu mối tham gia Tổ điều hành can thiệp thị trường của NHNN nhằm thống nhất trong việc phối hợp can thiệp thị trường vàng; thực hiện chế độ hóa đơn điện tử; báo cáo về công tác phòng chống rửa tiền.
“Với nguồn lực dồi dào và các công cụ hiện có, NHNN có đủ khả năng và quyết tâm để bình ổn thị trường, đạt được mục tiêu như đã nêu trên. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới sẽ nhanh chóng được thu hẹp một cách bền vững”, Phó Thống đốc khẳng định.