Những “điểm nhấn” của ngành Ngân hàng trong năm 2020

Năm 2020 là một năm đặc biệt khó khăn đối với nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Cùng điểm lại những điểm nhấn nổi bật trong bức tranh toàn cảnh ngân hàng năm 2020.

Ngân hàng Nhà nước có Thống đốc mới

Những “điểm nhấn” của ngành Ngân hàng trong năm 2020 - Ảnh 1

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng.

Ngày 12/11/2020, sau khi tiến hành bỏ phiếu kín, Quốc hội đã thông qua nghị quyết với đa số phiếu tán thành, phê chuẩn bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Hồng làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sau khi chính thức miễn nhiệm chức vụ này đối với ông Lê Minh Hưng.

Theo kết quả bỏ phiếu kín được công bố, bà Nguyễn Thị Hồng nhận được 467 phiếu đồng ý (bằng 97,08% tổng số ĐBQH). Theo đó, bà Nguyễn Thị Hồng đã trở thành nữ thống đốc đầu tiên trong lịch sử ngành ngân hàng nước ta. Bà Hồng cũng là thành viên nữ duy nhất trong Chính phủ hiện nay.

Hàng loạt ngân hàng lên HoSE

Những “điểm nhấn” của ngành Ngân hàng trong năm 2020 - Ảnh 2

Năm 2020 có thể coi là năm khá bùng nổ và sôi động với hàng loạt ngân hàng chuyển sàn, đăng ký niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE).

ACB, LienVietPostBank, VIB, SHB, Nam A Bank cùng có mục đích chuyển sàn từ HNX hoặc UPCoM lên HOSE, sàn chứng khoán có tiêu chuẩn niêm yết cao nhất Việt Nam. Việc chuyển niêm yết cổ phiếu trên HOSE được đánh giá là bước tiến với cổ phiếu các ngân hàng cho thấy sự minh bạch và lành mạnh về tài chính, tăng tiềm năng của cổ phiếu.

Cùng với việc chuyển sàn, nhiều ngân hàng cũng có kế hoạch niêm yết trực tiếp lên HOSE như OCB, MSB, SeABank.

Điều đặc biệt là những kế hoạch này không chỉ dừng lại ở bước trên giấy như các năm trước mà đang được các ngân hàng tiến hành các bước để biến thành sự thật. Các ngân hàng kể trên đều đã nộp hồ sơ niêm yết và nhiều tổ chức đã được chấp thuận.

Tính tới 25/12, ACB, VIB và MSB đều đã chính thức niêm yết trên HOSE; OCB công bố thông tin nhận được chấp thuận niêm yết từ HOSE. Cùng với đó, ABBank và PG Bank cũng đã chính thức giao dịch trên UPCoM.

Tăng trưởng tín dụng thấp kỷ lục, thanh khoản hệ thống dư thừa

Theo số liệu thống kê của TCTK quý 3/2020, hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19.

Tính đến thời điểm 22/9/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 7,74% so với cuối năm 2019 (cùng thời điểm năm 2019 tăng 8,41%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 7,7% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 8,79%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5,12% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 8,51%).

Theo đó, tổng phương tiện thanh toán tăng cao hơn tín dụng, Ngân hàng Nhà nước liên tục hút ròng tiền khỏi thị trường là những dấu hiệu cho thấy hệ thống ngân hàng đang thừa tiền.

Tăng trưởng tín dụng thấp trong năm 2020 là biểu hiện của sự sụt giảm nhu cầu vay vốn hay sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, đây cũng là điều dễ hiểu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp gặp khó về thanh khoản, đầu vào và đầu ra của sản xuất. Những khó khăn và nhiều rủi ro đã khiến họ trở nên e dè hơn trong việc mở rộng đầu tư hay phát triển sản xuất.

Lãi suất điều hành liên tục giảm

Ông Đào Minh Tú – phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) cho rằng, NHNN Việt Nam là một trong những ngân hàng trung ương có mức cắt giảm lãi suất điều hành lớn nhất trong khu vực.

Ngay trong thời gian đầu chịu tác động của dịch Covid-19, NHNN đã thực hiện theo định hướng của Chính phủ cắt giảm lãi suất để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp khó khăn do dịch bệnh.

Kể từ đầu năm đến nay, NHNN đã ba lần ra quyết định giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm tới 1,5 – 2 điểm %/năm.

Mức trần lãi suất tiền gửi kì hạn tiền gửi dưới 6 tháng đã xuống 4%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên cũng giảm về 4,5%/năm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số công ty chứng khoán, động thái cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN trong bối cảnh dư thừa thanh khoản của hệ thống ngân hàng và nhu cầu tín dụng ở mức thấp sẽ không có tác động lớn tới thị trường.

Lãi suất liên ngân hàng trong thời gian qua cũng liên tục giảm và chạm đáy trong vòng hai năm qua vào cuối tháng 10. Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng tại thời điểm ngày 1/12 ở các kì hạn 1 tuần và 2 tuần duy trì ở mức thấp 0,14%/năm và 0,2%/năm. Trong khi đó, lãi suất kì hạn qua đêm tiếp tục được duy trì ở mức 0,1%/năm.

Nợ xấu ngân hàng tăng mạnh

Những “điểm nhấn” của ngành Ngân hàng trong năm 2020 - Ảnh 3

Trước tác động của Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều cá nhân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn đến khả năng trả nợ giảm sút và khiến các khoản nợ xấu phát sinh.

Theo đánh giá của NHNN cũng như nhiều chuyên gia, nợ xấu của ngân hàng có chiều hướng gia tăng nhất là vào các quí cuối năm. Trong ba quí đầu năm, chất lượng tài sản của nhiều ngân hàng đang tiếp tục dấu hiệu đi xuống khi nợ xấu tăng trưởng hai con số so với thời điểm đầu năm.

Theo số liệu từ các ngân hàng niêm yết, nợ xấu đã tăng khoảng 30%, tỉ lệ nợ xấu nội bảng có thể ở mức 3% cuối năm 2020, có thể tăng thêm trong năm 2021 do tác động của nền kinh tế tới ngành ngân hàng có độ trễ.

Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh được hết thực trạng nợ xấu tại các ngân hàng do qui định cơ cấu lại và được phép giữ nguyên nhóm nợ của Thông tư 01 của NHNN. Theo số liệu mới nhất vào cuối tháng 12, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với dư nợ gần 355.000 tỉ đồng.

Tỷ giá được giữ ổn định

Những “điểm nhấn” của ngành Ngân hàng trong năm 2020 - Ảnh 4

Trong năm 2020, tỷ giá đồng VND được giữ ở mức ổn định so với USD. Tinh tới sáng 23/12, tỷ giá trung tâm ở mức 23.167 VND/USD, tăng 0,05% so với cuối năm 2019. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng giảm 0,16% so với cuối năm 2019.

So với các đồng tiền khác trong khu vực, VND vẫn tiếp tục được đánh giá là đồng tiền ổn định trong 9 tháng đầu năm nay.

Theo nhận định của các công ty chứng khoán, hai nhân tố giúp cho VND ổn định là nguồn cung ngoại tệ dồi dào (nhờ dự trữ ngoại hối đạt mức kỉ lục và lượng kiều hối tăng mạnh vào cuối năm) và Fed tiếp tục duy trì quan điểm nới lỏng tiền tệ cho đến năm 2021.

Thanh toán không dùng tiền mặt tăng cao

Những “điểm nhấn” của ngành Ngân hàng trong năm 2020 - Ảnh 5

Đến cuối tháng 10, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt hơn 918,8 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng (tăng 123,9% về số lượng và 125,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019).

Số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt gần 374 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 22,2 triệu tỷ đồng (tăng 8,3% về số lượng và 25,5% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019).

Tổng số lượng giao dịch qua hệ thống Trung tâm Điện tử Liên Ngân hàng đạt hơn 119 triệu món, giá trị đạt gần 84,3 triệu tỷ đồng (tăng 7,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019). Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử đã xử lý 960,95 triệu món với gần 8 triệu tỷ đồng (tăng 75,19% về số lượng và tăng 110,92% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019).

Kiệt Anh (TH)

Theo Kinh doanh và Phát triển