Nợ cần chú ý tại Vietcombank, Techcombank và loạt ngân hàng bất ngờ tăng mạnh!

Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 bùng phát đang khiến khách hàng ngày càng khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng. Điều này chứng minh ở những khoản vay quá hạn 10-90 ngày (nợ cần chú ý) tại nhiều ngân hàng bất ngờ tăng vọt.

Tại thời điểm 30/6/2021, nợ cần chú ý (nợ nhóm 2 - với khoản vay quá hạn 10-90 ngày) lại bất ngờ tăng vọt so với đầu năm.

Nợ cần chú ý dù chưa được xếp vào nợ xấu nhưng tình trạng dư nợ khoản vay quá hạn nhảy vọt bất thường cho thấy nhiều người đi vay không có khả năng trả nợ đúng hạn vì Covid-19, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu trong tương lai của ngân hàng.

Hơn nữa, khi nợ nhảy sang nhóm 2, ngân hàng sẽ không được hạch toán khoản lãi dự thu vào thu nhập kèm theo tín dụng tăng trưởng thấp hoặc không tăng trưởng.

Nợ cần chú ý tại Vietcombank, Techcombank và loạt ngân hàng bất ngờ tăng mạnh! - Ảnh 1

Nợ xấu và nợ cần chú ý tại Vietcombank, TPBank, VIB,... tăng nhanh

Đến cuối quý 2/2021, tổng nợ xấu của Vietcombank tăng 31% so với đầu năm, chiếm gần 6.865 tỷ đồng.

Tất cả các nhóm nợ xấu đều tăng mạnh, tăng cao nhất là nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) gấp 3,4 lần, lên mức hơn 757 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 37% và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) cũng tăng 20% lên mức gần 5.190 tỷ đồng. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 0,62% lên 0,74%.

Không những nợ xấu tăng, nợ cần chú ý tại Vietcombank cũng bất ngờ vọt 102% so với đầu năm, ghi nhận hơn 5.630 tỷ đồng.

Cùng hoàn cảnh như Vietcombank là ngân hàng ACB.

Cụ thể, nếu không tính gần 3.745 tỷ đồng từ cho vay giao dịch ký quỹ của ACBS, tổng nợ xấu của ACB tính đến cuối quý 2/2021 tăng 27% so với đầu năm, lên mức gần 2.330 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng vọt 164% lên mức 560 tỷ đồng; nợ nhóm 4 cũng tăng 29% lên gần 529 tỷ đồng; nợ nhóm 5 tăng nhẹ 2% ở mức gần 1.241 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay nhích nhẹ từ 0,6% hồi đầu năm lên 0,69%.

Ngoài nợ xấu tăng 27%, nợ cần chú ý tại ACB cũng tăng 50% so với đầu năm, lên gần 865 tỷ đồng.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2021 tại ACB.  
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2021 tại ACB.  
Đáng chú ý tại TPBank, tính đến ngày 30/06/2021, tổng nợ xấu tăng nhẹ 7% so với đầu năm, lên mức 1.519 tỷ đồng. Bao gồm, nợ có khả năng mất vốn giảm 30% về mức 300 tỷ đồng song nợ dưới tiêu chuẩn lại tăng 32% lên mức 871 tỷ đồng và nợ nghi ngờ cũng tăng nhẹ 5% lên mức gần 348 tỷ đồng. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay chỉ giảm nhẹ từ 1,18% xuống còn 1,15%.

Tương tự như ACB và Vietcombank, trong khi tổng nợ xấu tại TPBank lên mức 1.519 tỷ đồng thì nợ cần chú ý bất ngờ tăng 19% so với đầu năm, lên gần 1.938 tỷ đồng, cao hơn cả nợ xấu.

Ngân hàng VIB cũng là trường hợp tương tự, tổng nợ xấu tại ngày 30/06/2021 tăng nhẹ 5%, ghi nhận gần 3.094 tỷ đồng. Trong đó, tăng mạnh nhất là nợ nhóm 3 với 809 tỷ đồng, tương đương tăng 43%; còn nợ nhóm 4 và 5 ghi nhận giảm. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm từ 1,74% xuống còn 1,69%.

Thế nhưng, nợ cần chú ý tại VIB bất ngờ tăng 73% so với đầu năm, lên hơn 4.379 tỷ đồng, cao hơn cả con số nợ xấu 3.094 tỷ đồng.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2021 tại VIB.  
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2021 tại VIB.  
Nợ xấu lại BIDV, Techcombank giảm nhưng nợ cần chú ý lại tăng 

Tại Techcombank, tính đến 30/06/2021, tổng nợ xấu giảm đến 14% so với đầu năm, chỉ còn hơn 1.118 tỷ đồng.

Trong đó, nợ có khả năng mất vốn giảm 38% xuống còn gần 215 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ cùng giảm nhẹ 5%, xuống còn gần 398 tỷ đồng và gần 506 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm từ mức 0,47% hồi đầu năm xuống còn 0,36%.

Trong khi nợ xấu giảm còn hơn 1.118 tỷ đồng thì nợ cần chú ý tại Techcombank lại bất ngờ tăng 18% so với đầu năm, lên mức hơn 2.131 tỷ đồng, cao hơn cả nợ xấu.

Tình hình nợ xấu tại Techcombank (nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2021)  
Tình hình nợ xấu tại Techcombank (nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2021)  
Cùng hoàn cảnh, tuy tổng nợ xấu tại BIDV giảm nhẹ 1% so với đầu năm, còn 21.140 tỷ đồng, trong đó chỉ có nợ nhóm 3 tăng 40% lên gần 3.330 tỷ đồng. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm nhẹ từ mức 1,76% xuống còn 1,63%. Thế nhưng nợ cần chú ý tại BIDV lại có dấu hiệu tăng nhẹ 3% lên hơn 14.112 tỷ đồng.

Trong bối cảnh nợ xấu và nợ cần chú ý tăng do ảnh hưởng của Covid-19, một số nhà băng mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro tín dụng như tấm đệm chống đỡ.

Chẳng hạn, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 6 tháng đầu năm tại Techcombank tăng 20%, hơn 1.448 tỷ đồng; tại BIDV tăng 49% với hơn 15.423 tỷ đồng; tại TPBank tăng 31% lên 1.003 tỷ đồng; VIB tăng 54% lên gần 648 tỷ đồng;...

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ