Ninh Bình ‘chơi lớn’, đầu tư cả nghìn tỷ đồng cho khúc sông dài 1km
Con sông này chạy qua TP. Ninh Bình và hiện nay đang có 3 dự án với tổng vốn 1.000 tỷ đồng được đang thực hiện.
Sông Vân chảy qua trung tâm TP. Ninh Bình, đoạn từ cầu Vân Giang đến cầu Lim dài khoảng 1km. Đây là khu vực trung tâm của thành phố, một bên là phường Vân Giang, một bên là phường Thanh Bình với những khu phố buôn bán, đông dân sầm uất bậc nhất tỉnh Ninh Bình.
Từ năm 2023 đến nay, khúc sông Vân này liên tục có các dự án lớn được triển khai, biến khu vực này thành một đại công trường "khổng lồ" ngay giữa trung tâm TP. Ninh Bình.
Các dự án được triển khai trên khúc sông này bao gồm: Dự án xây dựng cụm công trình thủy lợi Nam sông Vân (Sở NN&PTNT Ninh Bình làm chủ đầu tư); dự án đầu tư xây dựng cầu Chà Là (Ban QLDA ĐTXD công trình giao thông làm chủ đầu tư) và dự án cải tạo cảnh quan, chỉnh trang đô thị 2 bờ sông Vân (HĐND TP. Ninh Bình chủ trương đầu tư).
Dự án xây dựng cụm công trình thủy lợi Nam sông Vân được đầu tư tổng số vốn 600 tỷ đồng trong đó, hợp phần nạo vét, kè chống sạt lở hai bờ sông Vân (đoạn từ cầu Vân Giang đến cầu Lim) được đầu tư số tiền khoảng 300 tỷ đồng.
Sau nhiều tháng thi công, nhà thầu đã triển khai kè được hàng trăm mét hai bên bờ sông Vân. Nhiều hạng mục chưa thể triển khai do công tác giải phóng mặt bằng chậm.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Chà Là bắc qua sông Vân (nằm đoạn giữa cầu Lim và cầu Vân Giang) với tổng số vốn 133 tỷ đồng cũng đang được triển khai. Cầu Chà Là được khởi công xây dựng từ tháng 10/2023, có chiều dài 46m, bề rộng cầu 26m.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Chà Là được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt chủ trương đầu tư với mục đích từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, đảm bảo giao thông thông suốt, giảm tải cho các cầu bắc qua sông Vân hiện tại, tạo điểm nhấn về kiến trúc sông Vân và khu vực nội đô thành phố, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Để thực hiện các dự án, hàng chục hộ dân, nhiều cơ quan công sở, các ki ốt chợ 2 bên bờ sông Vân bị giải tỏa, phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, di chuyển khu chợ Rồng nằm trong phạm vi thực hiện dự án; khu vực dân cư giáp khách sạn Hoàng Gia; một số hộ dân phố 4 phường Vân Giang (xóm Bún); khu tập thể đầu máy đường sắt... phải di dời.
Có thể thấy, một khúc sông dài khoảng 1km nhưng liên tiếp có đến 3 dự án với tổng số vốn đầu tư vào khoảng 1.000 tỷ đồng và nhiều người dân ví von đây là khúc sông được dát vàng.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình, các dự án trên lớn không phải bởi tổng số vốn đầu tư mà vì quyết tâm chính trị và ý nghĩa của công trình.
Các dự án nằm giữa trung tâm thành phố với mong muốn khi làm quy hoạch, tổ chức thực hiện để làm sao dòng sông Vân sống động, giữ được nét cổ kính, trở thành vùng lõi của thành phố Ninh Bình cổ.
Ngoài 2 dự án với số vốn hàng trăm tỷ đồng nói trên, trên khúc sông Vân dài 1km từ cầu Vân Giang đến cầu Lim này, mới đây HĐND TP. Ninh Bình cũng đã có quyết nghị phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo cảnh quan, chỉnh trang đô thị 2 bờ sông Vân với số vốn 710 tỷ đồng.
Mục đích của dự án được nêu rõ là góp phần tạo cảnh quan không gian đẹp, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển du lịch và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cả về vật chất lẫn tinh thần.
Ninh Bình nằm ở vị trí ranh giới 3 khu vực địa lý: Tây Bắc, châu thổ sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Tỉnh cũng nằm giữa 3 vùng kinh tế: vùng Hà Nội, vùng duyên hải Bắc Bộ và vùng duyên hải miền Trung.
Ninh Bình nằm ở trọng tâm của nửa phía Bắc Việt Nam, khu vực các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở ra, phía Bắc giáp tỉnh Hà Nam, phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Nam Định qua sông Đáy, phía Tây Bắc giáp tỉnh Hòa Bình, phía Nam giáp tỉnh Thanh Hóa và Biển Đông (Vịnh Bắc Bộ) với đường bờ biển dài 18km (Ninh Bình là tỉnh có bờ biển ngắn nhất Việt Nam).
Ninh Bình hiện là một trung tâm du lịch có tiềm năng phong phú và đa dạng. Đây là tỉnh đầu tiên ở đồng bằng sông Hồng có 2 thành phố trực thuộc (Ninh Bình, Tam Điệp).