Nỗi lo Thông tư 02 hết hạn: Nợ xấu lên gần 5%, ngân hàng 'đòi' kéo dài thêm
Thông tư 02 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đã phát huy được tác dụng trong năm qua, góp phần vào việc tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc gia hạn Thông tư 02 cần xem xét kỹ lưỡng để tránh những rủi ro tiềm ẩn.
NHNN nói gì về việc gia hạn Thông tư 02?
Theo số liệu chính thức của NHNN, kết thúc năm 2023, tăng trưởng tín dụng đạt 13,71%, tương đương với 1,5 triệu tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế.
Mặc dù chưa đạt được như kỳ vọng (14% - 15%) nhưng tăng trưởng tín dụng năm 2023 vẫn ở mức cao. Trên cơ sở đó, NHNN đã giao mức tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng trong năm nay là 15%, tương đương với gần 2 triệu tỷ sẽ được đưa thêm vào nền kinh tế trong năm 2024.
Tăng trưởng tín dụng năm 2024 có đạt được như kỳ vọng hay không, phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực của cả phía doanh nghiệp lẫn ngân hàng. Trong đó, theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc gia hạn Thông tư 02 là điều vô cùng cần thiết với doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.
Tại họp báo triển khai nhiệm vụ năm 2024 của NHNN, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, bà Hà Thu Giang cho biết, sau gần 8 tháng triển khai Thông tư 02 (lũy kế từ ngày 24/4/2023 đến 30/11/2023), tổng giá trị nợ gốc và lãi được tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 171.083 tỷ đồng, với 175.581 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.
Do điều kiện nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nên nợ xấu nội bảng ngân hàng tăng cao, hiện ở mức 4,95%, trong khi nợ bán cho VAMC (có nguy cơ trở thành nợ xấu) cũng không nhỏ.
Liên quan đến đề xuất tiếp tục gia hạn Thông tư 02, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết hiện NHNN đang tiến hành rà soát và sẽ có báo cáo cụ thể với Chính phủ về đề xuất kéo dài thời hạn Thông tư 02 để tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.
Trước khi Thông tư 02 hết hạn khoảng 3 tháng, NHNN sẽ có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ. Nếu nền kinh tế vẫn cần, doanh nghiệp vẫn cần, thì NHNN sẽ trình báo cáo để tiếp tục duy trì Thông tư 02. Tuy nhiên, phải đảm bảo nhìn nhận được thực chất các khoản nợ giãn, hoãn, tránh nợ xấu tiềm ẩn trong nền kinh tế, Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.
Đồng thời, trong định hướng điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, NHNN cam kết sẽ đẩy mạnh triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; phấn đấu năm 2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các NHTM yếu kém) dưới 3%.
Gia hạn Thông tư 02, nên hay không?
Thông tư 02 được NHNN chính thức ban hành vào cuối tháng 4/2023, quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Thông tư này sẽ hết hiệu lực vào tháng 6/2024.
Trong năm qua, Thông tư 02 đã góp phần không nhỏ vào việc tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế còn nhiều thách thức. Trong khi đó, các ngân hàng cũng giảm đi được áp lực hạch toán nợ xấu và trích lập dự phòng.
Mặc dù đã phát huy tác dụng đáng kể trong năm 2023 nhưng vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về việc gia hạn Thông tư 02.
Báo cáo ngành ngân hàng mới đây của Chứng khoán MB chỉ ra, việc gia hạn hiệu lực Thông tư 02 sẽ giúp giảm áp lực gia tăng nợ xấu đối với các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản cao như Techcombank, MB hay VPBank trong bối cảnh dòng tiền trả nợ của cả người đi vay và chủ đầu tư dự án đều đang ngưng trệ.
Bên cạnh đó, người đi vay cũng sẽ có thêm thời gian để thu xếp dòng tiền trả nợ, từ đó có thể giải quyết dứt điểm nợ xấu tiềm tàng của hệ thống ngân hàng. Đồng thời, việc gia hạn thêm hiệu lực của Thông tư sẽ giúp giảm dần áp lực trích lập của các ngân hàng thương mại khi kết quả kinh doanh năm 2024 được kỳ vọng khả quan hơn, nâng bộ đệm trích lập cho các ngân hàng.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định việc xem xét gia hạn Thông tư 02 sau tháng 6/2024 là cần thiết. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn, nếu không kéo dài thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để doanh nghiệp có thể tiếp tục vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh thì triển vọng phục hồi của nhiều doanh nghiệp rất nhỏ, TS Nguyễn Hữu Huân nhận định.
Trái lại, theo PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, “việc gia hạn Thông tư 02/2023 là một giải pháp cần được cân nhắc thận trọng. Trong ngắn hạn, thông tư rất có hiệu quả hỗ trợ ngân hàng và doanh nghiệp vượt qua suy thoái. Nhưng trong trung và dài hạn, Thông tư 02 sẽ để lại gánh nặng về an toàn, tài chính và an toàn cho các tổ chức tín dụng”.
Việc gia hạn nếu áp dụng cũng không nên kéo dài lâu mà chỉ nên trong khoảng thời gian 1 năm đến tháng 6/2025 khi mà thị trường bất động sản và trái phiếu được dự báo về cơ bản đã có sự phục hồi, ông nói.