Nỗi lo vỡ nợ, ồ ạt rao bán khách sạn biển Đà Nẵng

Kinh doanh ế ẩm, nhiều khách sạn ở Đà Nẵng phải rao bán để cắt lỗ, trả lãi ngân hàng. Có những khách sạn hạng sang 4 - 5 sao dòng tiền thu gần chục tỷ mỗi tháng vẫn phải rao bán với giá xấp xỉ 1.000 tỷ

Khách sạn 5 sao cũng rao bán

Sau đợt cao điểm mùa du lịch hè năm nay, các khách sạn trên địa bàn TP. Đà Nẵng tiếp tục rao bán khi thị trường du lịch quốc tế chưa thể phục hồi. Tình trạng rao bán khách sạn rầm rộ ở Đà Nẵng đã từng diễn ra khi dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài.

Hiện nay, trên các trang mua bán nhà đất, hàng chục bản tin rao bán khách sạn, nhà nghỉ… tại Đà Nẵng được đăng mỗi ngày. Tuy nhiên, thông tin rao bán cũng khá kín kẽ, không ghi rõ tên khách sạn, việc rao bán cũng chỉ qua môi giới chứ chủ khách sạn không ra mặt. Hầu hết các khách sạn được rao bán trên mạng chứ không treo biển công khai.

Các khách sạn rao bán chủ yếu nằm trên các tuyến đường ven biển quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và trung tâm thành phố.

Cụ thể, một khách sạn mặt tiền đường Chính Hữu, quận Sơn Trà (cách biển 500m) diện tích 76m2, gồm 7 tầng, có 12 phòng, trong đó 5 căn hộ, 6 phòng khách sạn và 1 phòng spa được rao bán với giá 14 tỷ đồng.

Một khách sạn khác trên đường Phước Trường 1, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà diện tích 240m2, gồm 5 tầng, có 21 phòng, được rao bán với giá 36 tỷ đồng.

Đáng chú ý, khách sạn 14 tầng có diện tích 460m2, 14 tầng, mặt tiền đường Phan Tôn (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) được rao bán với giá 170 tỷ đồng. Khách sạn này được giới thiệu nằm ở vị trí đắc địa, đi bộ ra biển Võ Nguyên Giáp 100m, nội thất cao cấp, công năng đầy đủ, hồ bơi, spa, cà phê, nhà hàng, phòng hội nghị khách hàng.

Không chỉ các khách sạn nhỏ mà các khách sạn 4-5 sao cũng được rao bán. Khách sạn 5 sao mặt trên đường Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà) có diện tích 18.000m2, 27 tầng, gồm 164 phòng được rao bán với giá 950 tỷ đồng. Khách sạn này mới xây 3 năm, doanh thu hiện tại 8 tỷ/ tháng, hiện tại giá phòng giảm 30% so với lúc chưa dịch và đang vay ngân hàng.

Một khách sạn 4 sao cũng trên đường Võ Nguyên Giáp được rao bán với giá với giá 450 tỷ đồng. Khách sạn này được giới thiệu gồm 110 phòng, tất cả các phòng đều view biển, 1 tầng buffet sức chứa 250 khách, 2 phòng hội nghị…

Bán để trả nợ

Ông Trịnh Bằng Có, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng, cho biết Đà Nẵng có khoảng 1.000 khách sạn lớn, nhỏ, trong đó hiện có khoảng 20-30% khách sạn rao bán. Nguyên nhân các khách sạn rao bán là vì nguồn khách không có, không đảm bảo trang trải các khoản vay và nợ ngân hàng lại đến hạn.

“Sau đại dịch, hoạt động du lịch đã quay trở lại nhưng khách đến Đà Nẵng chưa ổn định như các năm trước dịch. Du lịch Đà Nẵng chủ yếu phụ thuộc vào 3 thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, hiện 3 thị trường này vẫn chưa phục hồi”, ông Trịnh Bằng Có nói.

Mặc dù số lượng khách sạn rao bán nhiều nhưng số bán ra không được là bao. Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng tiết lộ: "Lâu lâu có đại gia nào đó có dòng tiền nhàn rỗi muốn đầu cơ vào bất động sản du lịch, họ mới mua".

Các khách sạn rao bán chủ yếu nằm trên các tuyến đường ven biển quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và trung tâm thành phố.
Các khách sạn rao bán chủ yếu nằm trên các tuyến đường ven biển quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và trung tâm thành phố.

Ông Nguyễn Đức Lập – Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạoChuyển động của ba dòng vốn chính trên thị trường bất động sản, cho biết thị trường bất động sản nói chung đang khó khăn, chủ các khách sạn cần tái cơ cấu vốn, vì vậy số lượng khách sạn được rao bán tăng mạnh so với dịp hè.

“Các chủ khách sạn cần bán để tái cấu trúc dòng vốn, đồng thời dòng tiền bất động sản thời gian qua có tăng lại nhưng chưa như kỳ vọng của giới hoạt động kinh doanh du lịch, lữ hành. Sau đợt dịch, khách nội địa đổ xô đi du lịch do bị nén lâu ngày nhưng nhìn chung kinh tế còn nhiều khó khăn nên người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu”, ông Nguyễn Đức Lập lý giải nguyên nhân nhiều khách sạn rao bán.

Thị trường bất động sản đang giai đoạn khó khăn nên các ông chủ bằng cách này cách khác đưa ra bán để tái cơ cấu lãi vay. Trong khi thị trường người bán nhiều hơn người mua nên giao dịch các khách sạn là không dễ dàng.

“Họ phải tái cơ cấu vốn, không bán cái này thì bán các khác. Sức ép lãi vay, các loại hình bất động sản đều có sự dịch chuyển chứ không riêng gì khách sạn”, ông Nguyễn Đức Lập nói.

Khải Nguyễn

Theo VietnamFinance