'Nóng' cuộc đua thâu tóm các dự án năng lượng tái tạo của BB Group
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội thông tin, ngày 30/12/2020, CTCP BB Sunrise Power (BBSP) đã huy động thành công 500 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn ba năm. Mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu.
Toàn bộ trái phiếu sẽ đáo hạn và được thanh toán bằng mệnh giá vào ngày đáo hạn (22/12/2023) theo phương thức thanh toán gốc, trừ khi mua lại hoặc hủy bỏ trước hạn theo các điều kiện. Lãi suất được trả định kỳ mỗi ba tháng.
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, công ty có vốn điều lệ ban đầu là 500 tỷ đồng, gồm ba cổ đông là CTCP BB Power Holdings nắm 90%, ông Phạm Văn Toán và ông Đặng Thanh Bình mỗi người sở hữu 5%.
Theo tìm hiểu, BB Sunrise Power được thành lập từ tháng 9/2019, với hoạt động kinh doanh chính là truyền tải và phân phối điện. Gần đây, BB Sunrise Power đã thay đổi người đại diện pháp luật và Chủ tịch Hội đồng quản trị từ ông Đặng Thanh Bình sang ông Vũ Quang Bảo (Ông Bảo là con trai ông Vũ Quang Huy và là em trai của ông Vũ Quang Hội – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco (Bitexco Group).
Ông Vũ Quang Bảo hiện cũng đang là cổ đông sáng lập, Tổng Giám đốc của Bitexco Group. Đồng thời, ông Vũ Quang Bảo là một trong những người thành lập CTCP BB Group vào năm 2017 với tỷ lệ sở hữu của ông Bảo là 65%. Phần còn lại được nắm giữ bởi ông Nguyễn Tự Huy và bà Vũ Thị Thu Hằng với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 20% và 15% vốn.
Thực tế, BB Power Holdings là một trong những mắt xích quan trọng thuộc hệ sinh thái BB Group của doanh nhân Vũ Quang Bảo. Vì vậy, dòng vốn nửa nghìn tỷ đổ vào BBSP không phải là động thái quá bất ngờ. Điều đáng quan tâm chính là BB Group đang ngày càng tham vọng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng giống như “người anh em” Bitexco Group.
Tham vọng năng lượng tái tạo của BB Group - người anh em của Bitexco Group
Tương tự như Bitexco Group, BB Group cũng có mối quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực năng lượng thông qua pháp nhân là CTCP BB Power Holdings (BB Power Holdings).
Cụ thể, tháng 10/2020, BB Power Holdings hoàn tất mua lại cổ phần chi phối tại CTCP Đầu tư và Phát triển Phong điện Gia Lai, qua đó bắt tay với Hưng Hải Group để thực hiện dự án Nhà máy điện gió Hưng Hải (Gia Lai).
Công ty Phong điện Gia Lai được thành lập vào ngày 16/7/2020 với vốn điều lệ ban đầu là 800 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông là Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Hải (Hưng Hải Group) nắm 29,5% vốn điều lệ, ông Nguyễn Xuân Kiên 21% và ông Nguyễn Văn Tuyền 49,5%. Đến ngày 5/10/2020, Phong Điện Gia Lai đổi chủ, trong đó 2 cổ đông lớn làCông ty cổ phần BB Power Holdingsnắm 51% và ông Nguyễn Tiến Lực nắm 19,5%. Nhóm Hưng Hải Group hiện vẫn nắm giữ 29,5% vốn điều lệ.
Dự án Nhà máy điện gió Hưng Hải có tổng diện tích 47 ha với công suất lắp đặt dự kiến là 100 MW, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 3.706 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp các nhà đầu tư là 800 tỷ đồng, phần còn lại là đi vay. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm, dự kiến khởi công vào tháng 4 năm 2021 và sẽ đi vào vận hành khoảng từ tháng 11/2021 đến 5/2022.
Trước đó, BB Power Holdings cũng mua lại cổ phần tại hai dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời tại Mỹ Sơn 1 và Mỹ Sơn 2 (Ninh Thuận) của Hoàng Sơn Group.
Ngoài ra, một thành viên khác của BB Group là Công ty TNHH MTV Sunrise Power Đăk PSI đã hoàn tất thương vụ mua lại cổ phần chi phối tại CTCP Năng lượng Thiên Niên Kỷ (Thiên Niên Kỷ) – chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 5.2 (Bình Thuận) quy mô 48MW. Sau khi về tay BB Group, Thiên niên kỷ đã phát hành thành công lô trái phiếu 250 tỷ đồng kỳ hạn 6 năm.
BB Group cũng đã tiếp tục M&A thành công dự án CTCP Năng lượng Gio Thành – chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời Gio Thành 1 với quy mô 50MW.
Nhìn lại kết quả kinh doanh, năm 2019, BB Power Holdings chưa phát sinh doanh thu, trong khi lỗ sau thuế ở mức 22,7 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của BB Power Holdings đạt 4.269 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 1.922 tỷ.
Theo tìm hiểu, ông Vũ Quang Bảo còn đại diện cho một số công ty khác như CTCP BB Land Holdings, CTCP TNHH Thủy điện sông Lô 2, CT TNHH Năng Lượng Landville, CT TNHH tập đoàn Bitexco,…
Tại Bitexco Group, bất động sản vẫn là lĩnh vực cốt lõi với hàng loạt dự án trải dài từ Bắc vào Nam. Ngoài ra, Bitexco đang ngày càng chứng tỏ vị thế của mình khi thâu tóm nhiều dự án thủy điện lớn nhỏ. Tính đến nay, Bitexco đang sở hữu 21 dự án năng lượng điện.
Đáng chú ý, một số dự án thủy điện của Bitexco hiện đang trong tầm ngắm thanh tra 2021.
Cụ thể, thuỷ điện Đăk Mi 1 (84 MW) và Đăk Mi 1A (11 MW) do CTCP Quang Đức Kon Tum làm chủ đầu tư và liên quan tới Tập đoàn Bitexco. CTCP Quang Đức Kon Tum là công ty con do Công ty TNHH MTV Sunrise Đăk Mi nắm toàn bộ vốn. Sunrise Đăk Mi lại thuộc sở hữu của Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng - CTCP. Trong đó, ông Vũ Quang Bảo sở hữu 94,61% vốn tại Xây dựng Bạch Đằng.
Phát triển ồ ạt năng lượng tái tạo và những cảnh báo nguy hại
Năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời chính là lời giải cho bài toán an ninh năng lượng quốc gia phát triển bền vững. Bởi các nguồn năng lượng như nhiệt điện, thủy điện đang bộc lộ những bất cập về môi trường, an sinh xã hội. Do đó, Việt Nam đang ra sức phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu về điện trong thời gian tới.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thời gian qua, các dự án điện mặt trời, điện gió phát triển “nóng” tại một số địa phương lại đang bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là sự tác động xấu đến môi trường và khiến diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp dần.
Sự cố cháy nổ 60 tấm pin mặt trời tại nhà sản xuất của Công ty Cổ phần Điện Gia Lai mới đây là một minh chứng cho thấy rõ những nguy cơ tiềm ẩn từ sự phát triển ồ ạt này. Thực tế, nguy cơ cháy nổ các dự án điện mặt trời đã được giới chuyên gia trong ngành cảnh báo lâu nay.
Theo các nhà khoa học, các tấm năng lượng mặt trời sử dụng kim loại nặng, bao gồm chì, crom (Chromium) và cadimi (Cadmium) là những thứ rất có nguy cơ gây hại tới môi trường. Những rủi ro của chất thải hạt nhân là không phải bàn cãi và hoàn toàn có thể được chuẩn bị trước, nhưng đến nay hầu như vẫn chưa có phương pháp nào để giảm thiểu những vấn đề về chất thải độc của pin mặt trời.
Vì vậy, phát triển ồ ạt thường sẽ kèm theo nhiều hệ lụy. Hệ lụy trước mắt là lưới điện đã và đang quá tải chưa thể giải quyết một sớm một chiều, còn lâu dài đó là vấn đề xử lý chất thải, về sức khỏe và ô nhiễm môi trường.