NOXH liên tục tăng giá, giấc mơ an cư của người lao động thấp có dễ tiếp cận?
Nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ của người dân có thu nhập thấp là rất lớn, đặc biệt, nhu cầu này có xu hướng tăng dần vào cuối năm, nhất là thời điểm giáp Tết Nguyên Đán. Nhu cầu tăng khiến giá nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cũng bật tăng, thậm chí, có nhà đã tăng gấp đôi, gấp ba lần so với thời điểm đầu mở bán.
Giá nhà ở xã hội liên tục tăng
Khảo sát của Batdongsan.com.vn thời điểm đầu năm 2024 ghi nhận, một loạt dự án nhà ở xã hội ở Hà Nội đã thiết lập mặt bằng giá mới so với hai tháng trước đó.
Ví dụ như, nhà ở xã hội Rice City ở Long Biên, tháng 11/2023, giá chào bán căn 2 ngủ ở mức 2,1-2,2 tỷ đồng/căn thì từ cuối tháng 12 đến nay, giá chào bán là 2,3-2,4 tỷ đồng/căn. Đáng nói số lượng căn chào bán trên thị trường chuyển nhượng rất ít, người mua gần như không có nhiều lựa chọn về giá nếu tìm mua căn hộ tại dự án này.
Hay tại dự án nhà ở xã hội Hope Residence (Long Biên) cũng tăng từ mức 1,9-2 tỷ đồng/căn 2 ngủ tháng 11/2023 lên mức 2,1-2,3 tỷ đồng/căn. Cũng chưa đầy 2 tháng cuối năm, dự án nhà ở xã hội Thạch Bàn (Long Biên) tăng từ mức 1,8-1,9 tỷ đồng/căn 2 ngủ lên mức 2,1-2,2 tỷ đồng/căn.
Tương tự tại quận Hoàng Mai, dự án nhà ở xã hội @Homes cũng ghi nhận mức tăng trung bình 150 triệu đồng/căn trong hai tháng cuối năm. Cùng biên độ thời gian, dự án nhà ở xã hội Rice City Linh Đàm tăng từ 2,1-2,3 tỷ đồng/căn 2 ngủ lên mức 2,3-2,5 tỷ đồng/căn.
Nhà ở xã hội Đồng Mô Đại Kim tăng lên mức 2,2-2,3 tỷ đồng/căn 2 ngủ so với mức giá 1,9-2 tỷ đồng phổ biến vào tháng 10/2023. Mức tăng giá tương tự, dao động từ 150-300 triệu đồng/căn chỉ trong vòng hơn 2 tháng cuối năm cũng được ghi nhận tại nhiều dự án nhà ở xã hội khác thuộc Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hoài Đức.
Trên các kênh giao dịch bất động sản trực tuyến, phân khúc nhà ở giá rẻ vô cùng khan hiếm. Nguồn cung chủ yếu là các dự án nhà ở xã hội cũ, đã qua sử dụng.
Cụ thể, dự án nhà ở Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) được mở bán từ 2016 với giá 14 triệu đồng/m2. Tới nay, giá bán thứ cấp hiện tại ở mức giá từ 32 - 35 triệu đồng/m2.
Dự án nhà ở xã hội Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội) là một trong những dự án nhà ở xã hội lần đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội với giá hơn 8 triệu đồng/m2 (cách đây hơn 10 năm). Nhưng hiện tại, giá bán căn hộ tại đây dao động từ 29 - 33 triệu đồng/m2, tăng gấp 4 lần so với trước.
Vì sao giá nhà ở xã hội liên tục tăng cao?
Hiện trạng giá nhà ở xã hội tăng cao dù đã qua sử dụng đang là vấn đề nhức nhối khiến cho nhiều gia đình có nguồn tài chính hạn hẹp mong muốn mua nhà cảm thấy rất khó khăn. Trong vài năm gần đây, khi nguồn cung về nhà ở giá rẻ và nhà ở xã hội khan hiếm thì việc chọn lựa, lùng mua những căn hộ nhà ở xã hội đã được sử dụng trên 5 năm và đầy đủ điều kiện giao dịch trên thị trường cũng đang được nhiều gia đình hướng đến, dẫn tới giá bán các căn hộ này tăng giá chóng mặt, gấp đôi, gấp ba so với lúc mới mở bán.
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết nguồn cung phân khúc nhà ở bình dân liên tục sụt giảm mạnh. Tỷ trọng nguồn cung căn hộ thuộc phân khúc bình dân (dưới 25 triệu đồng/m2) trên tổng nguồn cung nhà ở liên tục tụt giảm, từ mức 30% vào năm 2019 còn 7% năm 2022 và 6% vào năm 2023. Sản phẩm chính của thị trường là nhà ở trung cấp và cao cấp. Trong khi đó, nhu cầu mua nhà ở thực tập trung ở phân khúc bình dân và luôn dẫn đầu trong cơ cấu nhu cầu nhà ở với tỷ trọng 80%.
Ông Đính cho rằng trước thực trạng nhà bình dân đang dần biến mất, giá căn hộ không ngừng leo thang, để giải quyết bài toán nhà ở cho người thu nhập thấp, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, cần đẩy mạnh phát triển nhà ở vừa túi tiền. Bởi nhà ở xã hội do tính chất của loại hình và các quy định của luật, không phải ai cũng đủ điều kiện để mua. Khác với nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền là nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, phù hợp với khả năng tài chính của đại đa số người dân, hướng tới nhóm đối tượng có mức thu nhập trung bình và cận trung bình, có tích lũy ở mức nhất định, ở các đô thị lớn.
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA) có văn bản kiến nghị các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cơ cấu lại phân khúc thị trường và giảm giá bán sản phẩm nhà ở. VnREA cũng đề nghị các doanh nghiệp cần chuyển hướng đầu tư về phân khúc nhà ở bình dân giá vừa túi tiền phù hợp với thu nhập của người dân.