Ông lớn ngoại xâm nhập vay tiêu dùng Việt: Nhìn thấy gì?

Nếu ngân hàng không cải tiến cách cho vay , đặc biệt là cho vay tiêu dùng, thị trường béo bở này có thể rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài.

Đây là nhận định của Ths Nguyễn Bình Minh, giảng viên Đại học Thương mại, khi chứng kiến hàng loạt thương vụ M&A công ty tài chính tiêu dùng trên thị trường trong thời gian.

Trong số này phải kể đến thương vụ VPBank ký hợp đồng bán 49% vốn Công ty tài chính tiêu dùng FE Credit cho đối tác ngoại là SMBC, với trị giá gần 1,4 tỷ USD.

Tiếp đó là việc Ngân hàng SHB ký kết các thỏa  thuận chuyển nhượng vốn điều lệ tại SHB Finance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan - thành viên Tập đoàn MUFG (Nhật Bản). Theo thỏa thuận, SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri và sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm.

Nhiều ngân hàng bán "con gà đẻ trứng vàng" là các công ty tài chính  
Nhiều ngân hàng bán "con gà đẻ trứng vàng" là các công ty tài chính  

Nhà đầu tư ngoại hứng thú với thị trường Việt Nam

Ths Nguyễn Bình Minh, giảng viên Đại học Thương mại cho hay, việc các nhà đầu  tư nước ngoài muốn đầu  tư hoặc mua lại các công ty tài chính ở Việt Nam là điều dễ hiểu bởi tiềm năng phát triển của thị trường này còn rất lớn.

Ở phương Tây cho vay tiêu dùng nhiều, gần như 100% người dân trả góp, hệ thống thẻ tín dụng rất phổ biến. Trong khi đó, ở Việt Nam, văn hóa thẻ tín dụng chưa được thích nghi vì mức phí thẻ tín dụng tương đối cao, bên cạnh đó còn xuất phát từ điều kiện mở thẻ tín chấp.

Theo ông Minh, mở thẻ ở Việt Nam hiện nay có 2 xu hướng: mở thế chấp và mở tín chấp, trong đó mở tín chấp nhiều hơn, nhưng cũng chỉ dành cho người có thu nhập cao. Chính vì vậy, số lượng thẻ tín dụng bị hạn chế nhiều.

Điều này làm cho người dân có xu hướng sử dụng các dịch vụ cho vay tiêu dùng có điều kiện dễ dãi hơn, thị trường mở. Tuy nhiên, dịch vụ này cũng có nhiều nguy cơ, như lãi suất có thể rất cao, dễ rơi vào tình trạng vay nặng lãi.

Vì thế, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này nếu không xử lý, kiểm soát tốt quy trình của mình thì có thể bị lệch hướng sang cho vay trong xã hội - thuận mua vừa bán, nhưng lại trái với quy định về lãi suất của NHNN, biến thành cho vay nặng lãi.  Đây là vấn đề khiến nhiều ngân hàng cảnh giác, lo lắng.

Đối với các doanh nghiệp nước ngoài, điều hấp dẫn của thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam chính là dân số trẻ, nhu cầu tiêu dùng lớn, nên trong tương lai không xa, cho vay tiêu dùng ngày càng trở nên phổ biến. Đặc biệt, khi nền kinh tế và thu nhập tăng trưởng lên, người dân Việt Nam có xu hướng mua nhiều sản phẩm, nhất là các sản phẩm công nghệ, theo xu hướng mua trả dần hay trả góp.

"Thị trường này ở Việt Nam rất tiềm năng do nhiều người sử dụng dịch vụ cho vay tiêu dùng. Trong khi thế giới đang biến đổi nhanh, thu nhập của người dân lại bị giới hạn, không thể đáp ứng hết mọi nhu cầu nên vay tiêu dùng là một cứu cánh, nhất là đối với nền kinh tế tăng trưởng. Chỉ có điều làm thế nào kiểm soát để nó không bị biến tướng.

Văn hóa tiêu dùng cũng là một nguy cơ, vì khi sống cuộc sống công nghiệp, con người có xu hướng tiêu dùng rất nhiều, thậm chí tiêu dùng lãng phí. Họ mua nhiều không hẳn vì nhu cầu tiêu dùng mà là để chạy đua, muốn thời thượng, thời trang và bị người bán dẫn dắt. Chính các doanh nghiệp tạo ra thị hiếu làm cho người dân, đôi khi dù không có nhu cầu nhưng bị tác động bởi truyền thông mà cảm thấy thích thú và tiêu dùng tăng lên, lãng phí hơn.

Tình trạng này dẫn tới nguy cơ nhiều người có thể lạm chi, vỡ nợ, kể cả vỡ nợ thẻ tín dụng. Nó cũng sẽ khiến nhà cung cấp dịch vụ có nguy cơ đổ vỡ bởi khách hàng vay mà không trả được. Đặc biệt, nếu xảy ra sự cố về lãi suất cao, tức vay nặng lãi thì nguy cơ vay mà không trả được càng cao hơn", Ths Nguyễn Bình Minh phân tích.

Theo vị chuyên gia, các tổ chức tài chính nước ngoài có trình độ quản trị tốt hơn, quen với việc xử lý các vấn đề có thể gây rắc rối cho khoản nợ của họ. Trong khi đó, với các ngân hàng Việt Nam, đây có thể là khoảng trống vì không kiểm soát hết được các khoản vay, nhất là vay tiêu dùng có số lượng chủ thể vay nợ đông đúc, các khoản nợ nhỏ, dễ mất kiểm soát. Nếu hệ thống công nghệ, cảnh báo sớm của ngân hàng không đủ tốt thì rất dễ xảy ra biến cố trong xã hội.

"Doanh nghiệp nước ngoài hứng thú hơn với thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam vì họ tự tin ở năng lực của mình, còn các doanh nghiệp trong nước cảm thấy tiềm ẩn rủi ro trong đó nên việc chuyển giao xảy ra", Ths Nguyễn Bình Minh nói.

Ông lý giải, bởi quy trình thủ tục, giấy tờ để xin phép làm các lĩnh vực tài chính ở Việt Nam không mấy dễ dàng nên các doanh nghiệp nước ngoài có xu hướng tận dụng các tổ chức ở trong nước đã có sẵn giấy phép, họ sẵn sàng trả  giá cao để chuyển nhượng, sáp nhập, thu mua lại các công ty tài chính có sẵn giấy phép và đội ngũ nhân lực đang hoạt động ổn định tại thị trường. Theo ông Minh, đây cũng là bước thăm dò thị trường thuận lợi nhất đối với doanh nghiệp nước ngoài, đỡ hao tổn chi phí và họ chỉ cần phải ứng dụng trình độ quản trị để mở rộng hệ thống.

"Đây là xu hướng đang diễn ra và trong tương lai, khi thị trường cho vay tiêu dùng càng ngày càng phát triển mà các ngân hàng lại rời bỏ thì dễ bị đi sau một bước. Lúc đó việc cho vay sẽ khó khăn hơn, dù nhiều ngân hàng có cải tiến, như cho các khoản thấu chi - nhưng đó là phương thức tài chính cũ. Nếu không có giải pháp cải tiến cách cho vay hiện nay, đặc biệt là cho vay tiêu dùng, cho vay cá nhân thì trong tương lai thị trường béo bở này có thể rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài", Ths Nguyễn Bình Minh nhận xét.

Cho vay tiêu dùng kích thích bán lẻ

Theo vị chuyên gia, sự kết hợp giữa cho vay tiêu dùng và bán lẻ có tác dụng kích thích bán lẻ. Ở các nước đang phát triển như Việt Nam, dân số trẻ, nhu cầu tiêu dùng cao nhưng không đủ  tiền nên ngày càng nhiều người có nhu cầu tiêu trước trả sau.

"Việt Nam là thị trường tiềm năng cho các khoản cho vay tiêu dùng. Nhu cầu tiêu dùng sẽ kích thích bán lẻ nhưng bị giới hạn bởi vấn đề tài chính, cho nên nếu có cho vay tiêu dùng kích thích thì bán lẻ sẽ tăng trưởng, hàng hóa tiêu dùng nhiều hơn. Nhưng như vậy cũng đồng nghĩa với việc gánh nặng nợ sẽ tăng lên, bởi nếu người dân không được giáo dục về tài chính tốt thì họ sẽ lạm chi, dần dần dẫn đến bị vỡ nợ", Ths Nguyễn Bình Minh cảnh báo.

Ông cũng cho rằng, việc kết nối vay tiêu dùng với bán lẻ không làm giảm chi phí cho người tiêu dùng vì lãi suất cho vay trả góp không hề thấp. Tuy nhiên, nó là giải pháp rất hữu ích để người tiêu dùng có thể tham gia mua hàng, kích thích tiêu dùng.

Một nguy cơ khác được ông cảnh báo, đó là nếu không kiểm soát tốt các đơn vị cho vay tiêu dùng thì có khả năng họ sẽ rơi vào cho vay lãi cao, vì người tiêu dùng sẵn sàng trả mức phí cao hơn để có thể mua được sản phẩm.

Thành Luân

Theo Đất Việt