"Ông lớn" Vietcombank rao bán loạt tài sản bảo đảm cỡ "khủng" để xử lý nợ
Thời gian gần đây, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đồng loạt thông báo đấu giá nhiều tài sản đảm bảo để xử lý các khoản nợ từ vài chục tỷ đồng lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Hiện nay, việc đấu giá tài sản thế chấp của khách hàng vay để thu hồi nợ được nhiều ngân hàng thương mại thực hiện như một "xu hướng", đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó, phải tạm ngừng hoạt động hoặc rời thị trường.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc bán ào ạt nợ xấu cho thấy thị trường đang xuất hiện dấu hiệu suy giảm mạnh, quỹ đạo đang theo hướng đi xuống. Đây có thể coi là hiện tượng tiêu cực cho ngành bất động sản.
Nếu các ngân hàng bán ra càng nhiều khoản nợ xấu, càng đẩy giá bất động sản giảm sâu hơn. Hiện tượng này tạo ra vòng xoáy đi xuống trên thị trường bất động sản.
Điển hình trong tháng 8 và đầu tháng 9 năm nay, "ông lớn" Vietcombank đồng loạt rao bán đấu giá nhiều tài sản thế chấp khác gồm bất động sản, động sản và khoản nợ của khách hàng để xử lý nợ xấu từ vài chục tỷ đồng lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Đầu tháng 9/2020, Vietcombank chi nhánh Thăng Long lại tiếp tục thông báo phát mại hệ thống nhà xưởng, máy móc thiết bị của Nhà máy Vinaxuki Thanh Hóa thuộc Công ty TNHH Ôtô Vinaxuki Thanh Hóa. Đây lần thứ 5 ngân hàng rao bán các tài sản nói trên để thu hồi nợ.
Cụ thể, Vietcombank chi nhánh Thăng Long rao bán đấu giá tài sản trên đất được hình thành thuộc dự án xây dựng cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, máy xây dựng Vinaxuki Song Lộc. Diện tích sử dụng 456.344m2 và diện tích nhà xưởng xây dựng khoảng 36.000m2. Các máy móc thiết bị để sản xuất ôtô tải…
Hệ thống nhà xưởng, máy móc thiết bị này được rao bán đấu giá với giá khởi điểm hơn 33,4 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 44,2 tỷ đồng được đưa ra hồi tháng 4/2020.
Ngày 11/9, Vietcombank chi nhánh Châu Đốc vừa thông báo bán phát mãi tài sản đảm bảo là hàng chục nghìn m2 đất và nhà xưởng, cùng dây chuyền sản xuất gạo tại khóm Long Thạnh, phường Long Châu, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang.
Cụ thể, tài sản đảm bảo gồm có 52.850 m2 đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, 64.430 m2 đất cơ sở sản xuất kinh doanh, các tài sản gắn liền với đất như nhà ở công nhân, nhà kho, cylô chứa lúa, gạo, văn phòng làm việc...
Bên cạnh đó, Vietcombank còn phát mại hệ thống nhà máy sản xuất gạo với công suất chế biến từ 90.000 - 170.000 tấn/năm.
Vietcombank cho biết, tài sản là quyền sử dụng đất được hình thành năm 2014, máy móc thiết bị được hình thành từ năm 2013 đền năm 2018. Loạt tài sản có giá khởi điểm hơn 220,6 tỷ đồng, dự kiến được đấu giá vào ngày 24/9.
Ngoài ra, Vietcombank Châu Đốc phát mại tài sản bảo đảm là bất động sản tại quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh với giá khởi điểm hơn 54 tỷ đồng; Vietcombank Thủ Đức phát mại tài sản bảo đảm là 3 bất động sản có giá khởi điểm 20,6 tỷ đồng,...
Trước đó, vào tháng 8/2020, Vietcombank thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất tại địa chỉ 543 quốc lộ 62, khu phố 5, phường 2, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An có diện tích sử dụng hơn 143,178 m2 cùng với máy móc thiết bị của công ty Ngọc Mekong. Tổng giá khởi điểm hơn 78 tỷ đồng.
Ngày 18/08/2020, Vietcombank thông báo phát mại các tài sản gắn liền với đất của Công ty Bao bì Xi măng Tam Điệp với tổng diện tích là 19,800 m2 tại xã Quang Sơn, thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Trong đó bao gồm nhà bảo vệ, nhà văn phòng, nhà xưởng chính, kho thành phẩm, nhà nghỉ công nhân, nhà ăn ca và toàn bộ máy móc thiết bị phục vụ sản xuất vỏ bao xi măng. Tổng giá khởi điểm gần 22 tỷ đồng.
Vietcombank chi nhánh Hải Dương thông báo phát mại tài sản gắn liền với đất thuộc Nhà máy luyện Feromangan Chiêm Hóa tại Cụm Công nghiệp An Thịnh, tỉnh Tuyên Quang. Các tài sản được xây dựng và sử dụng từ tháng 7-2008. Giá khởi điểm 199,6 tỷ đồng.
Ngoài những bất động sản nhà xưởng có giá trị hàng chục tỷ như trên, các chi nhánh của Vietcombank cũng đang rao bán các thửa đất là đất ở với giá từ vài trăm triệu đồng đến dưới 10 tỷ.
Đáng chú ý, hiện một số tàu cá vỏ gỗ ở TP Đà Nẵng, Nghệ An, Bình Định… cũng được Vietcombank phát mại để thu hồi nợ theo hình thức bán đấu giá hoặc giá thỏa thuận. Tuy nhiên, giá khởi điểm không được ngân hàng đề cập.
Tại ngày 30/06/2020, cho vay khách hàng của Vietcombank đạt hơn 770.744 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Tuy nhiên, tổng nợ xấu của Vietcombank tăng đến 11%, chiếm hơn 6.433 tỷ đồng khiến tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của Vietcombank tăng lên mức 0,83% so với mức 0,79% của hồi đầu năm.
Đáng chú ý, nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) của ngân hàng tăng mạnh lên gần 7.725 tỷ đồng, gấp 3 lần con số cuối năm trước, tức tăng tới 4.686 tỷ đồng. Nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) cũng tăng 58% so với đầu năm, lên mức hơn 1.086 tỷ đồng. Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 56%, lên mức gần 919 tỷ đồng.
Theo Hà Phương/ Sở hữu trí tuệ
Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/ong-lon-vietcombank-rao-ban-loat-tai-san-bao-dam-co-khung-de-xu-ly-no-d82459.html