‘Ông lớn’ Vinaconex chính thức ‘từ mặt’ cảng quốc tế nghìn tỷ tại Quảng Ninh
Cảng quốc tế này được xác định là đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa đường biển tại khu vực cửa khẩu Móng Cái, tạo động lực tăng trưởng dài hạn cho khu vực Móng Cái nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã: VCG) đã có thông báo Quyết định của HĐQT về việc chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại cảng quốc tế Vạn Ninh.
Theo đó, Vinaconex đã hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp đầu tư của Tổng công ty tại CTCP Cảng quốc tế Vạn Ninh và không còn vốn góp tại cảng Vạn Ninh, từ ngày 21/6. Hiện tại, Vinaconex chưa cho biết lý do thoái vốn khỏi cảng Vạn Ninh.
Doanh nghiệp này, bắt đầu góp vốn vào cảng Vạn Ninh từ tháng 9/2021. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 của Vinaconex, tại ngày 31/3/2024, công ty sở hữu 40% cổ phần của cảng Vạn Ninh.
Cảng Vạn Ninh được xác định là đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa đường biển tại khu vực cửa khẩu Móng Cái, tạo động lực tăng trưởng dài hạn cho khu vực Móng Cái nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Theo tìm hiểu, ngày 24/10/2021, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức khởi công cảng Vạn Ninh (giai đoạn 1). Dự án cảng Vạn Ninh được đầu tư xây dựng trên diện tích 82,79ha, tại xã Vạn Ninh, TP. Móng Cái, có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 trên 2.248 tỷ đồng, do CTCP Cảng quốc tế Vạn Ninh làm chủ đầu tư.
Thời gian xây dựng dự kiến trong 3 năm, hoàn thành và đưa vào khai thác trong quý IV/2024.
Bến cảng được thiết kế có hạng mục bến cầu chính dài 500m, có thể đậu đồng thời 2 tàu trọng tải lên đến 20.000 DWT hoặc 3 tàu trọng tải 10.000 DWT và đậu các sà lan ở mặt sau; xây dựng 180m bến sà lan ở phía trong, tiếp giáp bờ; xây dựng 3 cầu dẫn…
Riêng khu kho bãi sẽ được đầu tư đồng bộ, trang bị hạ tầng hiện đại đáp ứng tốt nhất yêu cầu làm hàng tổng hợp và container. Ngoài ra, dự án còn có kho CFS, nhà điều hành cảng...