Phân khúc thị trường bất động sản nào dự đoán sẽ 'tạo sóng' năm 2022?

Thời gian gần đây, nhiều người đổ xô mua đất khiến thị trường đất nền trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Do vậy, nhiều dự đoán phân khúc này sẽ tiếp tục “chiếm sóng” năm 2022.

Ảnh minh họa.   
Ảnh minh họa.   
Mới đây, theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, nếu lấy ba thị trường lớn đại diện cho khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam lần lượt là Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM, lượng quan tâm đến đất nền vào cuối năm 2021 cao gần bằng thời điểm tháng 5, tức thời điểm trước khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh.

Điều này cho thấy phân khúc này đã có sự phục hồi và tăng trưởng rất tốt ngay khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát.

Cụ thể hơn, so với năm 2020, mức độ quan tâm tới phân khúc đất nền tăng mạnh trên diện rộng như Thái Nguyên tăng 123%, Lào Cai tăng 94%, Hòa Bình tăng 53%, Hưng Yên tăng 45%, Bắc Ninh tăng 41%, Quảng Ninh tăng 40%,... Tại các thị trường lớn, Hà Nội ghi nhận tăng 19%, Đà Nẵng tăng 9%, riêng chỉ có TP HCM giảm 8%. Kéo theo đó, thị trường đất nền năm 2021 đã thiết lập mặt bằng giá mới. Nhiều nơi ghi nhận mức giá tăng chóng mặt như Hòa Bình, Thái Nguyên, Huế, Cần Giờ,...

Những ngày qua, một số khu vực ghi nhận giá đất tăng “chóng mặt”. Để khắc phục tình trạng trên, chính quyền nhiều địa phương cũng đã ban hành các văn bản tạm dừng tiếp nhận hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, chấn chỉnh tình trạng phân lô, bán nền trái phép,... Đây là những dấu hiệu cho thấy đất nền có thể sẽ tiếp tục là phân khúc tạo sóng trong năm 2022.

Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển (R&D) DKRA Vietnam nhận định, trong năm 2022, rất có thể sẽ có cơn sốt đất cục bộ xảy ra ở vài địa phương có dự án, công trình giao thông, định hướng phát triển kinh tế - xã hội (như nâng cấp đô thị) hoặc cả thông tin giả mạo, mơ hồ để tạo ra những cơn sốt ảo cục bộ.

“Tuy nhiên, sẽ khó có sốt đất hoặc sốt bất động sản trên diện rộng. Bởi hiện tại, Nhà nước đang kiểm soát tốt những yếu tố gây sốt hoặc bong bóng bất động sản như: Chính sách tài chính (ngân hàng cho vay và các biện pháp về thuế), kiềm chế lạm phát, lãi suất và giá trị đồng nội tệ ổn định trong mấy năm qua, kênh đầu tư thay thế bất động sản cũng đa dạng hơn,…

Mặc dù vậy, rủi ro sốt đất vẫn luôn chực chờ nếu có những yếu tố tác động lên thị trường không được kiểm soát tốt", ông Hoàng phân tích.

Mới đây, tại Hội nghị bất động sản Việt Nam – VRES 2021, ông Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập Toàn Cầu (GIBC) đánh giá, các đợt tạm gọi là "sốt giá" đầu năm 2021 là do các thông tin về thị trường, nguồn cung, quy hoạch, sự thay đổi của điều kiện hạ tầng,…

"Năm 2022 chủ yếu có vấn để nổi cộm là gỡ vướng pháp lý cho các chủ đầu tư. Tín hiệu để tạo ra một cơn sốt ở góc độ đầu tư vào năm sau tôi thấy không rõ ràng. Do đó sẽ khó xảy ra những cơn sốt do đầu cơ thổi giá, bơm giá,...", ông Nghĩa cho hay.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, sóng bất động sản không bao giờ yên lặng mà chỉ biến động mạnh hay nhẹ ở mỗi năm. Năm ngoái, biên độ nhấp nhô của sóng tương đối lớn do thông tin quy hoạch, đầu cơ thổi giá,...

“Tuy nhiên, theo vị này, giai đoạn 2022 – 2023, Chính phủ và các địa phương đã có nhiều kinh nghiệm hơn để kiểm soát tốt hơn việc này. Bản thân người dân và các nhà đầu tư cũng đã ý thức được những rủi ro mang lại, thực tế không ít người đã mất tiền trong đợt sốt vừa qua.

Bên cạnh đó, những thông tin liên quan đến quy hoạch hiện nay cũng được công khai minh bạch hơn. Do đó, khả năng làm giá của giới đầu cơ sẽ ít hơn rất nhiều”, ông Lực cho biết thêm.

Quang Duy

Theo SHTT