5 xu hướng dòng tiền sẽ chảy vào bất động sản năm 2022

Theo TS Võ Thị Vân Khánh (Học viện Tài chính), năm 2022 có 5 xu hướng dòng tiền sẽ chảy vào bất động sản (BĐS) và tâm lý chờ đợi sẽ vẫn khá đậm trong cộng đồng nhà đầu tư.

Vốn vay ngân hàng là dòng chính cùng với sự gia tăng đột biến dòng FDI

TS Võ Thị Vân Khánh dự báo 2022, thị trường BĐS sẽ nhận được nhiều tín hiệu và xung lực tích cực cho sự hồi phục và tăng trưởng hơn năm 2020 và 2021, cả về tổng cung, tổng cầu và giá cả, cũng như quy mô và cơ cấu dòng tiền chảy vào thị trường này.

Về quy mô, dòng tiền chảy vào thị trường BĐS sẽ được cải thiện cùng chiều với với quá trình phục hồi chung của nền kinh tế, với quy mô và sự tăng tốc giải ngân đầu tư công và với sự cải thiện năng lực, kết quả kiểm soát dịch bệnh ở Việt Nam và các nước khu vực, trên thế giới.

Về cơ cấu dòng tiền, có 5 xu hướng dòng tiền sẽ chảy vào BĐS năm 2022.

Theo đó, vốn vay ngân hàng vẫn là dòng tiền chính chảy vào thị trường. Đó là nhờ chủ trương chung của NHNN tiếp tục ổn định lãi suất huy động và cho vay thấp; chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên cả nước tiếp tục hỗ trợ cho các khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay phù hợp quy định NHNN và xem xét cho khách hàng vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

5 xu hướng dòng tiền sẽ chảy vào bất động sản năm 2022 - Ảnh 1


Tiếp theo, vốn do doanh nghiệp huy động trực tiếp trên thị trường vốn thông qua trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng. Đây là kết quả kỳ vọng của việc ban hành Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Nghị định 68/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã cho phép bù trừ số tiền thuế thu nhập mà các doanh nghiệp đã nộp thừa (tổng giá trị khoảng 4.875 tỷ đồng) vào số thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2020 đến hết năm 2024.

Cùng với đó, trong năm 2022, dòng vốn tự thân doanh nghiệp cũng được cải thiện. Đây là kết quả tổng hợp từ hỗ trợ nhà nước và sự hồi phục thị trường, cùng với sự nỗ lực chủ quan và năng động của mỗi doanh nghiệp. Trong đó, sự hỗ trợ từ chính sách tài chính-thuế của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng. Việc kéo dài thời gian nộp thuế và giảm bớt gánh nặng các nghĩa vụ tài chính gắn với dịch COVID-19 đang được thực hiện cho cả năm 2020-2021-2022 giúp ngân hàng cũng như doanh nghiệp có thêm nguồn lực giá rẻ cho hỗ trợ tài chính trong kinh doanh BĐS.

Dòng vốn tiếp theo đổ vào thị trường BĐS là vốn đầu tư công. Vốn đầu tư công sẽ tạo xung lực tích cực trực tiếp và gián tiếp làm tăng quy mô và định hướng dòng tiền đổ vào thị trường BĐS.

Năm 2022, Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp sẽ có thêm nhiều áp lực và quyết tâm chính trị trong triển khai các dạng đề án, dự án xây dựng hạ tầng cơ bản và phát triển BĐS đa dạng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng và mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 mới của quốc gia và mỗi địa hương, lĩnh vực, ngành trên cả nước.

Đồng thời, khuyến khích nâng cấp cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp thực hiện thí điểm một số cụm liên kết ngành nhằm hình thành mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu tại một số địa phương.

Một xu hướng dòng vốn nữa cần kể đến là FDI chảy vào thị trường BĐS sẽ tiếp tục đứng thứ hai về quy mô trong tổng vốn thu hút được cả năm như thông lệ mọi năm.

Thậm chí, TS Võ Thị Vân Khánh dự báo, có thể năm 2022 sẽ có sự gia tăng đột biến dòng FDI đổ vào thị trường BĐS, gắn với sự phục hồi của du lịch, gia tăng xu hướng tái cơ cấu các chuỗi cung ứng công nghiệp trong khu vực, cùng với kế hoạch triển khai các dự án xây dựng các thành phố thông minh và các dự án lớn khác trên phạm vi cả nước.

Dòng tiền FDI đầu tư trên TTBĐS sẽ hội tụ và gia tăng cho phân khúc BĐS công nghiệp. Đặc biệt, đầu tư BĐS phục vụ hoạt động logicstics (hậu cần và kho bãi) sẽ ngày càng trở thành động lực lớn cho thị trường.

Vốn FDI vào lĩnh vực BĐS được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới bởi lượng vốn lớn từ các quỹ đầu tư BĐS mới lập đã sẵn sàng đổ bộ vào Việt Nam. Nhất là vốn trong và ngoài nước sẽ đổ vào những khu công nghiệp đã được quy hoạch sẽ có cải thiện nhiều, nhờ chủ trương “xây tổ đón đại bàng” của Chính phủ, cũng như các địa phương có tiềm năng thu hút FDI.

Cần giữ vững lòng tin của chủ nợ, thị trường và đối tác

Bàn về giải pháp thúc đẩy nguồn vốn cho thị trường BĐS năm 2022, TS Võ Thị Vân Khánh nhận định, việc Việt Nam đang và sẽ triển khai quyết liệt và thành công chiến lược bao phủ diện rộng tiêm vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng vào đầu năm 2022 chính là điều kiện quan trọng nhất để giúp nhiều hoạt động kinh tế nói chung, sự cải thiện dòng vốn cho thị trường BĐS.

Tuy nhiên, tâm lý chờ đợi sẽ vẫn khá đậm trong cộng đồng nhà đầu tư. Khách hàng sẽ kỳ vọng và gửi niềm tin vào các dự án được quản lý bởi các thương hiệu vận hành quốc tế có uy tín cao hơn là những chương trình cam kết lợi nhuận cao mà thiếu điều kiện bảo đảm tin cậy.

Bởi vậy, doanh nghiệp và các nhà đầu tư sẽ chịu nhiều áp lực để chủ động và tích cực hơn trong thay đổi tư duy, mô thức kinh doanh phù hợp, an toàn và hiệu quả hơn; tránh dùng đòn bẩy qua lớn, nhất là kinh doanh kiểu “tay không bắt giặc” hoặc “mượn đầu heo nấu cháo”.

“Để duy trì và cải thiện dòng tiền cho thị trường BĐS từ nguồn tín dụng ngân hàng trong năm 2022, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS cần tiếp tục giữ vững lòng tin của các chủ nợ, của thị trường và đối tác. Đồng thời, bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án và mục đich sử dụng vốn vay, thường xuyên cập nhật quy định mới của pháp luật có liên quan đến lĩnh vực BĐS. Đặc biệt, để duy trì độ nóng và lợi ích tích cực huy động vốn lớn và quan trọng trên thị trường tài chính từ kênh huy động vốn cho thị trường BĐS qua trái phiếu doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần bảo đảm chất lượng phương án sản phẩm và uy tín của doanh nghiệp phát hành, cung cấp thông tin minh bạch”, TS Võ Thị Vân Khánh nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo chuyên gia Học viện Tài chính, để hỗ trợ chung cho cộng đồng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, cơ quan chức năng cần xem xét xây dựng hướng dẫn việc cập nhật kịp thời, chính xác đơn giá các vật liệu xây dựng để áp dụng cho các công trình dùng vốn ngân sách; bổ sung áp dụng quy định về điều kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng giao nhận thầu thực hiện trong thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Đồng thời, bổ sung các chi phí phòng dịch bắt buộc, các chi phí tạm dừng thi công chờ việc, các chi phí kiểm tra nhanh dịch bệnh cho cán bộ, công nhân… vào chi phí đầu tư xây dựng công trình. Có hướng dẫn cụ thể về điều kiện để công trình được tiếp tục thi công, hoặc phải tạm dừng trong thời. gian thực hiện Chỉ thị 16 theo hướng cho phép tiếp tục triển khai, khi áp dụng đầy đủ các biện pháp kiểm tra phòng chống dịch, những công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật, san nền hoặc những công trình xây dựng đang ở vào giai đoạn hoàn thiện cuối để bàn giao, mà không nằm trong vùng dịch trọng điểm.

Hà Anh

Theo Doanh nghiệp Việt Nam