Phân lô kiểu Alibaba nở rộ ở Phú Quốc, trách nhiệm chính quyền ở đâu?
Sau dự án ma Center Phú Quốc, thành phố đảo lại xuất hiện dự án có tên gọi khu dân cư Emerald. Dự án này cũng được phân lô, làm đường trên đất nông nghiệp kiểu Alibaba.
Thêm dự án ma kiểu Alibaba
Trên một số diễn đàn, website về bất động sản, thời gian gần đây xuất hiện nhiều quảng cáo, giới thiệu về khu dân cư Emerald ở TP Phú Quốc. Dự án này được giới thiệu là khu dân cư nằm ở mặt tiền đường Nguyễn Trung Trực kéo dài, phường Cửa Dương, TP Phú Quốc. Đây là tuyến đường lưu thông phát triển cao của đảo ngọc, cách chợ đêm 7 phút, cách bãi tắm biển 10 phút.
“Emerald Phú Quốc được quy hoạch đồng bộ, bài bản với hệ thống đường giao thông rộng rãi, mật độ cây xanh cao với công viên lõi, sân tenis, hồ bơi, thác nước theo phong các Dubai, suối nước tự nhiên hiền hòa nằm cạnh dự án.
Khu dân cư Emerald Phú Quốc có quy mô 209 nền villa, biệt thự phong cách song lập tân cổ điển Xanh Ngọc Lục Bảo; 1 tòa trung tâm thương mại cao 3 tầng, nhà hàng ăn, khu vui chơi. Dự án kết nối tiện ích nội – ngoại khu thuận lợi, đường rộng 42m, trung tâm chính giữa đảo Phú Quốc, thuận tiện đi lại tất cả các điểm du lịch của Đảo Ngọc”, một quảng cáo giới thiệu về dự án.
Đáng chú ý, trên sổ đỏ, hơn 200 lô đất này được tỉnh Kiên Giang tách thửa vào tháng 6/2017 - thời điểm mà Thanh tra Chính phủ kết luận là UBND huyện Phú Quốc và UBND các xã, thị trấn trực thuộc huyện này buông lỏng quản lý về đất đai, trật tự xây dựng đô thị. Điều này dẫn tới nhiều tổ chức, cá nhân xây dựng hạ tầng trái phép trên đất nông nghiệp nhằm mục đích phân lô, tách thửa đất nông nghiệp, sau đó chuyển nhượng.
Có thể nhận thấy, thời gian qua, mỗi khi Phú Quốc đón thông tin quy hoạch thì tình trạng phân lô tách thửa tràn lan lại bùng phát. Trong 4 năm gần đây, UBND tỉnh Kiên Giang, cùng UBND TP Phú Quốc liên tục có văn bản cảnh báo về tình trạng phân lô, tách thửa tràn lan trên địa bàn. Tuy nhiên, tình hình vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại huyện Phú Quốc vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng chuyển nhượng, chuyển quyền sử dụng đất trái pháp luật; tự ý phân lô, tách thửa, tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất, san lấp, xây dựng trái phép.
Mặc dù phát đi nhiều cảnh báo, song đến nay, tại Phú Quốc, nhiều dự án “ma” vẫn chưa bị xử phạt hay cưỡng chế, bất chấp việc những dự án này xây dựng hạ tầng trái phép trên đất nông nghiệp.
Theo Luật sư Phượng, do thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không công khai và còn chung chung, nên dù biết giao dịch không đúng quy định pháp luật, nhưng nhiều người căn cứ theo thực trạng hạ tầng, đường giao thông, việc phân lô để quyết định giao dịch. Chính vì tâm lý này nên nhiều địa phương để xảy ra tình trạng xây dựng công trình hạ tầng không có giấy phép, vài con đường, cây cột điện để phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp.
Tuy xảy ra tình trạng này, song các cơ quan chính quyền địa phương vẫn không xử lý, không phát hiện ra việc thi công xây dựng, không cưỡng chế trả lại hiện trạng đất nông nghiệp ban đầu. Đặc biệt, chính quyền địa phương cũng không xử lý các vi phạm này theo quy định pháp luật đất đai như: xử phạt hành chính, cưỡng chế tháo dỡ và thu hồi đất.
“Có thể thấy, pháp luật đã có đầy đủ các quy định xử lý, chế tài đối với hành vi phân lô, bán nền trái phép, nhưng hệ thống các cơ quan nhà nước tại địa phương hiện nay có sự lơ là, bỏ qua, không kiên quyết trong việc xử lý. Điều này dẫn đến nhiều vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai. Do đó, cần phải xem xét trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện khi để xảy ra các hành vi vi phạm, phải gắn việc xử lý với trách nhiệm của họ thì sẽ đảm bảo việc xử lý nghiêm minh”, Luật sư Phượng nói.
Luật sư Trần Đức Phượng cho biết, đối với lĩnh vực quản lý đất đai, Điều 5, Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định, các hình thức xử phạt chính bao gồm cảnh cáo, phạt tiền và các biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được, cho đến việc thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai.
Điều 38 cũng quy định rõ, thẩm quyền của Chủ tịch UBND các cấp trong việc xử phạt vi phạm hành chính. Trong đó, Chủ tịch UBND cấp xã và thanh tra viên phạt đến 5 triệu đồng, Chủ tịch UBND cấp huyện và Chánh Thanh tra Sở phạt đến 50 triệu đồng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phạt đến 500 triệu đồng.
Các hành vi được xác định là vi phạm hành chính như sử dụng đất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; huỷ hoại đất (như san lấp mặt bằng); chuyển quyền sử dụng đất khi không đủ điều kiện, theo quy định tại khoản 1, Điều 188, của Luật Đất đai (có giấy chứng nhận ghi nhận thửa đất chuyển nhượng),…. có thể xác định được trong các vụ vi phạm phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp.
Đối với lĩnh vực quản lý xây dựng, Nghị định 139/2017/NĐ-CP và được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 21/2020/NĐ-CP 17/02/2020 quy định, xử phạt các hành vi vi phạm như: không gửi văn bản thông báo ngày khởi công cho UBND cấp xã (đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng); không thông báo, thông báo chậm cho cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương về thời điểm khởi công xây dựng (đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng)…
“Các hoạt động phân lô, bán nền trái phép thường xảy ra tại các vùng nông thôn (công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn), nên các công trình xây dựng này được miễn giấy phép xây dựng. Điều này khiến việc xác định các hành vi xây dựng thường khó khăn, chậm trễ hơn trong việc xác định vi phạm”, Luật sư Phượng nói thêm.