Phân tích tài chính doanh nghiệp - “nội soi” nguồn tiền trả nợ của Tập đoàn Hòa Bình

Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) vừa bị loạt nhà thầu phụ ngừng thi công vì chưa thanh toán công nợ. Thị trường khó khăn cùng với đó là cuộc “nội chiến” giữa các thành viên trong HĐQT, khiến HBC trải qua một năm kinh doanh “bết bát”, gia tăng vay nợ, công nợ cũ với nhà thầu phụ chưa thanh toán. Vậy ông lớn trong ngành xây dựng lấy nguồn tiền ở đâu để trả nợ?

 

Phân tích tài chính doanh nghiệp - “nội soi” nguồn tiền trả nợ của Tập đoàn Hòa Bình - Ảnh 1
 

Một năm kinh doanh “bết bát”

Năm 2022, Tập đoàn Hòa Bình là doanh nghiệp xây dựng lỗ nặng nhất sàn chứng khoán nhưng vẫn thuộc top 20 doanh nghiệp xây dựng đang duy trì vốn chủ sở hữu cao nhất tính đến cuối năm 2022.

Doanh thu cả năm 2022 của HBC tăng hơn 20%, đạt hơn 14.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn tăng cao khiến biên lãi gộp thu hẹp về dưới 2%, so với mức 7% của năm trước. Lợi nhuận gộp vì thế giảm mạnh xuống 258 tỷ đồng.

Con số này, cùng với doanh thu hoạt động tài chính, không đủ để bù đắp chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp. Cả hai chỉ tiêu đều tăng tính bằng lần.

Phân tích tài chính doanh nghiệp - “nội soi” nguồn tiền trả nợ của Tập đoàn Hòa Bình - Ảnh 2

Kết quả hoạt động kinh doanh năm 2022 của HBC

Theo đó, HBC ghi nhận khoản lỗ ròng hơn 1.100 tỷ đồng, so với mức lãi ròng gần 100 tỷ của năm trước. Khoản lỗ này cũng đánh dấu năm kinh doanh thua lỗ đầu tiên của HBC kể từ khi lên sàn chứng khoán.

Tính riêng trong quý IV, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu hơn 3.200 tỷ đồng, giảm 16% cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do kinh doanh dưới giá vốn, công ty chịu lỗ gộp từ hoạt động chính hơn 400 tỷ đồng. Con số giảm đột biến so với mức lợi nhuận gộp trung bình 130-300 tỷ đồng trong ba quý đầu năm.

rong khi mảng chính lỗ, hoạt động tài chính của HBC cũng không khá hơn. Doanh thu tài chính âm hơn 100 tỷ đồng do bán lỗ khoản đầu tư, chi phí lãi vay ghi nhận hơn gấp đôi cùng kỳ. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh lên gần 500 tỷ đồng, gấp hơn ba lần quý IV/2021, do trích lập dự phòng phải thu khó đòi.

Kết quả là HBC lỗ ròng hơn 1.200 tỷ đồng, so với mức lợi nhuận hơn 19 tỷ trong quý IV năm trước.

Khoản lỗ đột biến trong quý IV cũng kéo kết quả kinh doanh cả năm của doanh nghiệp này đi xuống.

Tính tới cuối năm 2022, tổng tài sản của HBC đạt hơn 16.900 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này thu hẹp đáng kể, chỉ còn hơn 2.600 tỷ đồng do khoản lỗ trong quý IV. Phần lớn tài sản của HBC được xây dựng từ nợ phải trả, ghi nhận hơn 14.200 tỷ đồng tính tới cuối năm.

Chưa kể, cuộc tranh chấp quyền lực ở Tập đoàn Hòa Bình trong những tháng cuối năm cũng trở nên gay gắt hơn, điều này có ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động kinh doanh của công ty.

Trong những tháng đầu năm 2023, một loạt nhà thầu phụ của HBC đồng loạt dừng thi công một số dự án lớn của HBC. Gần đây nhất là vào 4/3/2023, nhóm nhà thầu gồm Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Sản xuất Bách Việt, Công ty TNHH Dịch vụ Kinh tế và Xây dựng Hoàng Anh, Công ty CP XDCD&TM Mạnh Tiến, Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Phú Đức, Công ty CP Cơ điện KDG Việt Nam, Công ty CP Kỹ Thuật Long Giang và Công ty Vật liệu và Dịch vụ Kỹ Thuật ICD Việt Nam đã có công văn về việc tạm dừng thi công.

Đây đều là các nhà thầu phụ và đang thi công hệ thống cơ điện cho các dự án do Xây dựng Hòa Bình (Mã chứng khoán: HBC) làm tổng thầu.

"Hiện Tổng thầu Hòa Bình chưa thanh toán công nợ cho các công ty chúng tôi (có công nợ từ tháng 7/2022 đến nay). Việc không thanh toán đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động các nhà thầu phụ", văn bản viết.

“Nội soi” nguồn tiền trả nợ của HBC?

Tính đến cuối năm 2022, Xây dựng Hòa Bình đi vay tổng cộng hơn 6.131 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm, cao gấp 2,33 lần vốn chủ sở hữu và chiếm tới 43% nợ phải trả. Trong đó, vay nợ ngắn hạn tăng 9% lên mức hơn 5.100 tỷ đồng và vay nợ dài hạn cao gấp 2,6 lần so với đầu năm, tăng từ 398 tỷ đồng lên hồi đầu năm lên mức hơn 1.030 tỷ đồng.

HBC tồn đọng nhiều khoản phải thu của khách hàng trong đó, khoản phải thu ngắn hạn lên đến hơn 12.110 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022, tính đến cuối năm 2022, khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng tại Hòa Bình hơn 6.772 tỷ đồng, tăng tới 26% so với thời điểm đầu năm.

Phân tích tài chính doanh nghiệp - “nội soi” nguồn tiền trả nợ của Tập đoàn Hòa Bình - Ảnh 3
Khoản phải thu ngắn hạn của HBC (BCTC hợp nhất quý IV/2022).

Chưa kể, còn hơn 3.660 tỷ đồng phải thu theo tiến độ và 1.733 tỷ đồng phải ngắn hạn khác bao gồm ký cược, ký quỹ (442 tỷ đồng), tạm ứng cho nhân viên (190 tỷ đồng), phải thu bên liên quan (3,7 tỷ đồng), phải thu khác (1.097 tỷ đồng).

Khoản phải thu tăng đi kèm với các khoản phải thu khó đòi (nợ đọng) tăng theo khiến Xây dựng Hòa Bình phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi hơn 774 tỷ đồng, trong khi hồi đầu năm chỉ ở mức 369 tỷ đồng, tương đương tăng thêm hơn 400 tỷ đồng.

Ngoài ra, tính đến cuối năm 2022, tiền và tương đương tiền còn hơn 493 tỷ đồng, trong đó có hơn 491 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 3 tháng tại ngân hàng. Ngoài ra còn có khoản gửi dài hạn hơn 48 tỷ đồng.

Phân tích tài chính doanh nghiệp - “nội soi” nguồn tiền trả nợ của Tập đoàn Hòa Bình - Ảnh 4
Thuyết minh BCTC hợp nhất quý IV/2022 của HBC

Số liệu cho thấy, trước áp lực trả nợ vay tài chính ngắn hạn 5.100 tỷ đồng, Xây dựng Hòa Bình có trong tay 12.100 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn, hơn 493 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền và hơn 2.395 tỷ đồng giá trị hàng tồn. Với con số này, doanh nghiệp hoàn toàn có thể đáp ứng số tiền trả nợ vay ngắn hạn. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn như hiện nay sẽ khiến Hòa Bình khó khăn hơn trong việc thu hồi công nợ để trả nợ ngân hàng.

Trước đó, để thu hồi công nợ, Tập đoàn Hòa Bình đã khởi kiện và tháng kiện đối với 2 doanh nghiệp CTCP Tập đoàn FLC và CTCP Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô.

Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, Tập đoàn Hòa Bình đã lên tiếng thương lượng trả công nợ bằng bất động sản cho các nhà thầu phụ. Ngoài ra, Hòa Bình còn cho biết, có một danh sách thiết bị xây dựng tồn kho nếu các công ty thầu phụ nhận thấy phù hợp với nhu cầu, có thể thỏa thuận để đối trừ công nợ.

Thông tin này phần nào phản ánh Hòa Bình cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, không thể thanh toán nợ bằng tiền mặt như trước đây.

Minh Anh

Theo Kinh doanh và Phát triển