Phát hành 10.000 tỉ đồng trái phiếu, Masan toan tính gì?

Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (MSN) vừa thông qua phương án phát hành trái phiếu với tổng giá trị 10.000 tỷ đồng.

Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (MSN) vừa thông qua phương án phát hành trái phiếu với tổng giá trị 10.000 tỷ đồng. Trái phiếu có kỳ hạn tối đa 36 tháng với lãi suất cố định 12 tháng đầu tiên là 9,3% và 10%/năm, lãi suất mỗi giai đoạn tiếp theo được thả nổi 2,5% một năm và trung bình cộng lãi tiền gửi của nhóm ngân hàng quốc doanh.

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi mệnh giá 100.000 đồng, không kèm chứng quyền và không được đảm bảo bằng tài sản của Masan. Ở đợt huy động vốn này, Công ty chứng khoán Kỹ thương của Ngân hàng Techcombank đóng vai trò là tổ chức đại lý phát hành và tư vấn niêm yết trái phiếu của Masan.

Kế hoạch phát hành 100 triệu trái phiếu Masan dự kiến chia làm 4 đợt, thực hiện vào đầu năm 2020. Hai đợt đầu, tập đoàn sẽ phát hành 3.000 tỉ đồng trái phiếu mỗi đợt, sau đó sẽ bán 2.000 tỉ trái phiếu mỗi đợt còn lại.

Việc phát hành trái phiếu nhằm tăng quy mô vốn hoạt động của Masan và công ty con để thực hiện các dự án đầu tư, mở rộng kinh doanh, thanh toán các khoản nợ...

Cụ thể, 5.000 tỷ đồng thu từ các đợt phát hành dự kiến để góp vốn điều lệ của Công ty TNHH Tầm nhìn Masan. Đây là công ty con do Masan sở hữu 99,99% vốn, và mới thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 18.737 tỷ đồng.

Tiếp đó, 3.000 tỷ đồng để cấp khoản vay cho Công ty TNHH Masan Consumer Holdings và 1.000 tỷ đồng cho Công ty TNHH MNS Meat Hà Nam. Công ty TNHH Masan Consumer Holdings là công ty mẹ đang sở hữu tới 94,5% vốn Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (MSC). Masan sở hữu 84,7% Công ty TNHH Masan Consumer Holdings, qua đó gián tiếp sở hữu chi phối MCH.

Phần còn lại để thanh toán nợ vay nội bộ cho Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo.

Phương án trái phiếu được Hội đồng quản trị Masan thông qua không lâu sau khi doanh nghiệp này thông báo nhận sáp nhập mảng bán lẻ và nông nghiệp của Tập đoàn Vingroup vào Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan.

Sau thông tin này, cổ phiếu Masan đang có nhịp giảm mạnh từ vùng 69.000 đồng xuống 55.000 đồng. Thanh khoản cũng tăng đột biến, đặc biệt là các giao dịch thỏa thuận và bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo thông tin công bố hôm 3/12, Vingroup sẽ sáp nhập 2 công ty gồm Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại Tổng hợp VinCommerce sở hữu chuỗi bán lẻ Vinmart và Vinmart+ có vốn 6.437 tỉ đồng và Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sản xuất nông nghiệp VinEco (VinEco) có vốn đầu tư ban đầu 4.000 tỉ đồng (năm 2015) vào MSC. Tại pháp nhân này, Masan sẽ nắm chi phối quyền điều hành (sở hữu tối thiểu 51% công ty) thay cho Vingroup.

Do đó, Masan Consumer Holdings cần tăng thêm vốn góp vào MSC, ước tính tối thiểu hơn 6.000 tỉ đồng để đảm bảo sở hữu chi phối MSC sau sáp nhập. Cùng với đó, việc tăng vốn sẽ làm “đẹp” hơn sức khoẻ tài chính của MSC, nhất là sớm khắc phục khoản lỗ hơn 3.461 tỉ đồng từ mảng kinh doanh bán lẻ, đảm bảo vốn duy trì hoạt động…

 

Theo Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/phat-hanh-10000-ti-dong-trai-phieu-masan-toan-tinh-gi-d67696.html