Phát triển bất động sản ven biển song hành với bảo vệ môi trường
Với đường bờ biển dài 3.260 km cùng trên 4.000 đảo lớn nhỏ, xu hướng dịch chuyển của làn sóng đầu tư về những bất động sản ven biển tại Việt Nam ngày càng rõ nét trong thập kỷ gần đây. Dẫu biết rằng hướng ra biển là thịnh vượng”, tuy nhiên sự phát triển vũ bão” của các thành phố, đô thị ven biển tiềm ẩn rất nhiều rủi ro với môi trường, đòi hỏi chính quyền địa phương, doanh nghiệp và các bên liên quan phải khẩn trương tìm lời giải cho bài toán phát triển kinh tế không đánh đổi môi trường”.
Vì sao bất động sản ven biển ngày càng “tăng nhiệt”?
Giai đoạn 2015 – 2019 chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của ngành du lịch với tốc độ hơn 22%, đã kéo theo sự phát triển thăng hoa của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ven biển. Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đã khai thác sức hấp dẫn của cảnh quan biển đảo hoang sơ, hùng vĩ thông qua hình thức đầu tư các tổ hợp, quần thể du lịch nghỉ dưỡng, giải trí có giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng để phục vụ hàng chục triệu du khách trong nước và quốc tế. Điều này đã thay đổi diện mạo của các thành phố biển có nhiều lợi thế thiên nhiên như Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Vũng Tàu, Hải Phòng, Quy Nhơn,…
Sau gian đoạn bị “chững lại” bởi đại dịch, làn sóng đầu tư được đánh giá là “phân chiều rõ rệt”, và một trong những xu hướng chính là “hướng tới những thành phố biển kiểu mới”. Trong khi những thị trường bất động sản ven biển truyền thống bắt đầu có dấu hiệu bão hoà, cơ hội cho những địa phương ven biển còn lại, đặc biệt là những khu vực mới chưa được khai phá ngày càng thu hút các nhà đầu tư hơn bởi nhiều lợi thế như chủ động về quỹ đất, hạ tầng và đón đầu chính sách đầu tư.
Điển hình là tại miền Trung, một trong khu vực được đánh giá có tiềm năng hàng đầu chính là tỉnh Quảng Bình. Về lợi thế du lịch, Quảng Bình sở hữu hệ thống hơn 1.000 hang động lớn nhỏ, đường bờ biển dài còn hoang vắng, hệ sinh thái rừng núi đa dạng, khí hậu nhiệt đới gió mùa đầy nắng và gió, tạo nên cảnh quan thiên nhiên đặc thù. Thống kê giai đoạn 2016 – 2020 cho thấy, tổng lượt khách du lịch đến Quảng Bình đạt 19,7 triệu lượt khách, doanh thu tăng bình quân 9 - 10%/năm.
Còn theo góc nhìn của giới đầu tư, Quảng Bình có quỹ đất ven biển rộng lớn, giá đất hấp dẫn, kèm theo nhiều ưu đãi chính sách khuyến khích xây dựng dự án quy mô nhằm thu hút du khách, đặc biệt là dòng khách cao cấp, khách quốc tế có nhu cầu chi tiêu cao. Chính vì thế, nhiều chủ đầu tư lớn trên cả nước đã quy tụ về Quảng Bình với những dự án quy mô lớn như: đại quần thể nghỉ dưỡng kết hợp sân golf và đô thị biển FLC Quảng Bình quy mô gần 2.000 ha của Tập đoàn FLC; căn hộ khách sạn Dolce Penisola của Trường Thịnh Group; TNR Stars Quảng Bình của TNR Holdings… Tính đến cuối năm 2030, Quảng Bình dự kiến có khoảng 100 dự án bất động sản, chủ yếu tập trung ở phân khúc đô thị dịch vụ, nghỉ dưỡng.
Nhiều nhà đầu tư, chuyên gia đã đưa ra nhận định từ đầu năm 2022 rằng năm nay sẽ là “thời điểm vàng” của thị trường bất động sản ven biển. Có nhiều lý do khiến các nhà đầu tư phải “bắt trend” ngay lập tức, trong đó lý do hàng đầu là sau dịch tiềm năng phát triển bất động sản ven biển của Việt Nam còn rất lớn và đang được đưa vào khai thác nhanh chóng để phục vụ quá trình đất nước phục hồi kinh tế.
Mặt khác, khi làn sóng lạm phát trên thế giới ngày càng tăng cao, các kênh đầu tư như tiền ảo, chứng khoán, vàng, trái phiếu, ngoại hối… cho thấy nhiều biến động, mang tính rủi ro cao. Do đó, các nhà đầu tư lần lượt chuyển sang kênh bất động sản bởi tỷ suất sinh lời cao, rủi ro thấp và sở hữu tính ổn định, giàu tiềm năng trong dài hạn. Các sản phẩm bất động sản ven biển được đầu tư bài bản, đẳng cấp chủ yếu hướng đến phục vụ nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng.
Thấy rõ nhất chính là trong mùa cao điểm du lịch hè 2022, các thành phố ven biển chính là các “điểm nóng” du lịch. Theo thống kê từ các công ty lữ hành trong nước gồm Vietravel, Saigontourist và BestPrice, cùng hai nền tảng đặt phòng phổ biến nhất Agoda và Booking, các điểm du lịch trong nước hút khách nhất giai đoạn hè 2022 (tháng 6 đến tháng 8) gọi tên Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long, Quy Nhơn, Phú Quốc. Các điểm đến này lựa chọn trên nhiều tiêu chí như phòng bán hết nhanh nhất, số lượng tour trọn gói và combo bán chạy nhất, việc di chuyển dễ dàng...
Cấp bách bảo tồn biển song hành phát triển kinh tế
Có thể thấy, sức hấp dẫn to lớn của bất động sản ven biển nhanh chóng nhận được rất nhiều sự quan tâm sau đại dịch. Biểu hiện là xu hướng chuyển dịch đầu tư và sự phát triển “vũ bão” của các đô thị biển khiến diện mạo của cảnh quan ven biển thay đổi nhanh chóng.
Tuy nhiên song hành với tăng trưởng kinh tế không thể đánh đổi môi trường vốn là quan điểm, tầm nhìn dài hạn và định hướng chiến lược quan trọng bậc nhất của Đảng và Nhà nước ta. Điều này đặt ra nhiều thách thức đối với chính quyền địa phương, doanh nghiệp và các bên liên quan phải thực hiện các nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ, bảo tồn môi trường vì một tương lai bền vững.
Khẳng định thế kỷ XXI được xem là “Thế kỷ của đại dương”, Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước ta trong xu thế phát triển chung toàn cầu.
Trong đó, Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu: Đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển.
Ngày 13/4/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký ban hành Quyết định số 450/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học; góp phần nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh môi trường, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, cac-bon thấp, phấn đấu đạt được các mục tiêu phát triển bền vững 2030 của đất nước.
Không thể phủ nhận biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội cũng như vấn đề an ninh quốc gia đối với những quốc gia có biển như Việt Nam. Ước tính kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đóng góp khoảng 3 nghìn tỷ USD mỗi năm, tức 5%. GDP của thế giới, bao gồm các ngành chính là dầu khí, vận tải biển, cảng, năng lượng tái tạo, thủy sản, hệ sinh thái biển và du lịch biển.
Tuy nhiên, hiện trạng sức khoẻ của biển đang bị đe doạ nghiêm trong, bởi các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các hoạt động khai thác tài nguyên thiếu bền vững, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái biển. Trong đó, các hoạt động của con người chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự phá vỡ cảnh quan môi trường biển và hệ sinh thái ven biển. Điều này không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà tại hầu hết các quốc gia có biển trên thế giới khi đưa vào khai thác không bền vững nguồn tài nguyên “tưởng chừng vô tận” này.
Theo một cảnh báo của Liên hợp quốc, 90% quần thể cá lớn bị cạn kiệt và 50% rạn san hô bị phá hủy; ô nhiễm rác thải nhựa đã chạm đến nơi sâu nhất trong lòng đại dương và con người đang lấy đi từ đại dương nhiều hơn những gì có thể được bổ sung. Như vậy, có thể thấy, biển cũng có thể bị suy thoái và cạn kiệt.
Trước thực trạng trên, việc xây dựng một nền kinh tế biển xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, trên cơ sở bảo tồn và phát huy các “nguồn vốn biển tự nhiên”, đang được xem là giải pháp căn cơ, lâu dài và bền vững đối với Việt Nam.
Theo đó, cần nêu cao trách nhiệm của tất cả các bên liên quan trong việc thống nhất nhận thức và hành động để ứng xử một cách có trách nhiệm với biển và đại dương theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Bao gồm nhiều hành động cụ thể như: Xử lý tốt các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển và đại dương từ đất liền, nhất là rác thải nhựa, thông qua việc tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý trên đất liền, khu vực ven biển và các đảo; Tăng cường sức chống chịu và khả năng thích ứng với những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây ra; Xây dựng tiêu chuẩn về đạo đức, văn hóa của mỗi cộng đồng, doanh nghiệp và người dân, nhằm thúc đẩy hơn nữa việc phát triển các cộng đồng văn minh sinh thái biển….