Phía sau lợi nhuận 'khủng' hơn 1.000 tỷ đồng của Nam A Bank
Kết thúc năm 2020, tổng tài sản Nam A Bank tăng 42%, nợ xấu giảm mạnh. Tuy nhiên, nhóm nợ cực xấu cùng lãi dự thu tại Nam A Bank lại tăng phi mã. Nợ phải trả tăng 42% so với năm trước và gấp 19,4 lần vốn chủ sở hữu.
Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank - Mã: NAB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2020 với kết quả kinh doanh khả quan kèm tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh.
Kết quả, Nam A Bank báo lãi trước và sau thuế quý 4 tăng 76% và 67% so với cùng kỳ, đạt gần 618 tỷ đồng và hơn 492 tỷ đồng.
Cả năm 2020, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 2.604 tỷ đồng, tăng 19% và chiếm 81,5% tổng thu nhập hoạt động. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối và chứng khoán đầu tư lần lượt tăng 60%, 87% và 69% so với năm 2019.
Tuy nhiên, lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh giảm 81%, xuống còn 12,1 tỷ đồng. Hoạt động góp vốn, mua cổ phần đem về 60 triệu đồng, giảm 94%).
Lợi nhuận hợp nhất trước thuế tại Nam A Bank năm 2020 đạt 1.005 tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm trước và hoàn thành kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 800 tỷ đồng, tăng 9,3%. Đặc biệt, năm 2020, Nam A Bank đã phải trích 558 tỷ đồng để dự phòng rủi ro, trái ngược với mức hoàn nhập hơn 12 tỷ đồng của 2019.
Vẫn tồn tại 'mảng tối’ trong báo cáo tài chính của Nam A Bank
Năm 2020, khoản "lãi dự thu" (các khoản lãi và phí phải thu) tại các ngân hàng không biến động nhiều, thậm chí gần nửa ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính lại cho thấy xu hướng giảm. Tuy nhiên, tại Nam A Bank vẫn ghi nhận con số tăng đột biến.
Cụ thể, lãi dự thu Nam A Bank tăng 100% so với đầu năm, lên mức 2.632 tỷ đồng (Nam A Bank cũng là ngân hàng có tốc độ tăng mạnh nhất hiện nay). Đáng lưu ý, trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2020 Nam A Bank không có phần thuyết minh cho khoản lãi và phí phải thu.
Theo tìm hiểu, lãi dự thuđược xem như một nguồn lãi ảo của các ngân hàng vì có thể được ghi nhận vào lợi nhuận khi trên thực tế chưa có tiền thu về. Với con số lãi dự thu càng lớn, khả năng tác động đến lợi nhuận của các nhà băng lại càng cao, chỉ cần một điều chỉnh nhỏ cũng có thể khiến lợi nhuận tăng vọt. Do đó, đây cũng là một "khối u" nhức nhối không kém gì nợ xấu.
Cụ thể, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) cùng giảm 74% so với năm 2019, lần lượt gần 139 tỷ đồng và 137 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhóm nợ cực xấu tại Nam A Bank lại tăng vọt lên 77% so với đầu năm, lên mức gần 468 tỷ đồng.
Trong khoản nợ phải trả trên chủ yếu là khoản nợ tiền gửi của khách hàng tăng 39%, lên mức 98.254 tỷ đồng; khoản nợ tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác cũng tăng 63% đạt 19.087 tỷ đồng;…
Nếu so sánh Nam A Bank so với các ngân hàng cùng quy mô khác tại Việt Nam thì Nam A Bank có thể được xem là "bé hạt tiêu" khi tổng tài sản tính đến cuối năm đạt 134.315 tỷ đồng, vốn điều lệ 4.564 tỷ đồng. Trong khi Eximbank có tổng tài sản và vốn điều lệ lần lượt 160.435 tỷ đồng, 12.355 tỷ đồng; Seabank đạt 180.207 tỷ đồng, 12.087 tỷ đồng;…