Phó thống đốc: 'Tăng lãi suất điều hành không tác động tiêu cực đến nền kinh tế'
Phản hồi ý kiến về tác động của việc tăng lãi suất điều hành đối với nền kinh tế, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước, nhấn mạnh không thể nói tăng lãi suất điều hành tác động tiêu cực đến nền kinh tế. "Đây là công cụ điều hành, lúc cần tăng, lúc cần giảm, phù hợp chung với yêu cầu mà nền kinh tế đặt ra", Phó thống đốc nói.
Chia sẻ tại cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2022 diễn ra ngày 23/9, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đã kích hoạt động thái tương tự ở một loạt ngân hàng trung ương trên thế giới.
"Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng cao, đồng tiền mất giá, lạm phát nhập khẩu gia tăng rất lớn đối với các nền kinh tế, điều này gần như đã kích hoạt cuộc chiến tiền tệ để làm sao không để đồng tiền mất giá nhiều, đảm bảo cho việc tối thiểu hóa tác động của lạm phát nhập khẩu đối với nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, để tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ đà phục hồi tăng trưởng kinh tế, giữ ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, NHNN đã quyết định điều chỉnh tăng lãi suất", ông Quang cho hay.
Cụ thể, tăng lãi suất tái cấp vốn từ 4,0%/năm lên 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 2,5%/năm lên 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm.
Cùng với đó, tăng lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ mức 0,2%/năm lên 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4,0%/năm lên 5,0%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô từ 4,5%/năm lên 5,5%/năm.
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang nhấn mạnh trong bối cảnh vĩ mô toàn cầu bất định, chính sách tiền tệ tại Việt Nam sẽ rất khó khăn khi vừa phải kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải hỗ trợ nền kinh tế trong thời gian tới. Do đó, NHNN sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục theo dõi sát, thích ứng với các diễn biến thị trường trong và ngoài nước, điều hành linh hoạt, thận trọng và phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ và phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Thứ hai, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát và thị trường trong và ngoài nước; tiếp tục chỉ đạo TCTD giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay.
Thứ ba, điều hành tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát. Chỉ đạo TCTD hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh để tạo động lực tăng trưởng bền vững, hạn chế tín dụng vào lĩnh vực rủi ro.
Thứ tư, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, góp phần thực hiện kiểm soát lạm phát nhập khẩu.
Tại cuộc họp, phản hồi ý kiến về tác động của việc tăng lãi suất điều hành đối với nền kinh tế, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN, nhấn mạnh không thể nói tăng lãi suất điều hành tác động tiêu cực đến nền kinh tế. "Đây là công cụ điều hành, lúc cần tăng, lúc cần giảm, phù hợp chung với yêu cầu mà nền kinh tế đặt ra", Phó thống đốc nói.
Về câu hỏi việc tăng lãi suất điều hành có khiến lãi suất cho vay tăng hay không, Phó thống đốc cho hay lãi suất cho vay là do ngân hàng thương mại quyết định, theo quy định của pháp luật. Ngân hàng Nhà nước chỉ định hướng các mức lãi suất ưu tiên cố định, còn lại là do thỏa thuận giữa người cho vay và người đi vay.
Liên quan đến tăng trưởng tín dụng, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cho biết NHNN tiếp tục định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, đồng thời khẳng định trong bối cảnh hiện nay việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phẩn kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô.
"Đến ngày 16/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021. Tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Nhờ đó, đã góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng", bà Giang nói.