PVE vỡ nợ, bị Vietcombank bán thanh lý 20% dự án “con chung” với PVGas và Địa ốc Phú Long

Cuộc hôn nhân giữa 3 bên trong liên doanh xây dựng Toà nhà dầu khí PVGas Tower có vẻ không còn hạnh phúc, có bên đã muốn dứt áo ra đi.

Ngày 6/4/2022 Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VietcomBank) chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã ra thông báo về việc bán đấu giá tài sản đảm bảo Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Dầu khí – CTCP (PV Engneerng – mã chứng khoán PVE)

Từ phiên đấu giá tài sản của doanh nghiệp “họ dầu khí”

Thông tin về tài sản đấu giá được mô tả là: Quyền tài sản theo/phát sinh tương ứng với 20% phần vốn góp của Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Dầu khí – CTCP (tên cũ là CTCP Đầu tư và thiết kế dầu khí) từ hợp đồng hợp tác kinh doanh giữu Tổng Công ty khí Việt Nam – CTCP (PV Gas – mã chứng khoán GAS), Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí – CTCP (PVC – mã chứng khoán PVX), CTCP Địa ốc Phú Long (PL Co) và Tổng Công ty tư vấn thiết kế dầu khí – CTCP (PV Engneering – mã chứng khoán PVE) để xây dựng cao ốc văn phòng Dragon Tower (nay đổi tên là toà nhà PVGas Tower) tại địa chỉ 673 Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà bè, Tp Hồ Chí Minh.

Giá khởi điểm gần 294,2 tỷ đồng.

PV Engneering là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn đầu tư, khai thác hoạt động các dự án dầu khí, dự án xây dựng, khảo sát xây dựng… Công ty có vốn điều lệ 250 tỷ đồng, tương ứng 25 triệu cổ phần đang đăng ký giao dịch trên Upcom. Cổ phiếu PVE hiện giao dịch trên sàn chứng khoán quanh mức giá 5.400 đồng/cổ phiếu.

Đến liên doanh xây dựng dự án toà nhà Dầu khí PVGas Tower

Nói về dự án toà nhà PVGas Tower, dự án là do liên doanh PVGas, PVE và CTCP Địa ốc Phú Long hợp tác cùng góp vốn đầu tư xây dựng và kinh doanh khai thác. Toà nhà cao 15 tầng trong đó 4 tầng làm trung tâm thương mại, còn lại 11 tầng là phức hợp. Theo thoả thuận giữa các bên, Tổng Công ty khí Việt Nam PVGas thực hiện quản lý và hạch toán kết quả kinh doanh của hợp đồng và phân chia lợi nhuận sau thuế cho các bên theo tỷ lệ góp vốn.

Tỷ lệ chia lợi nhuận được công bố là Tổng Công ty Khí Việt Nam 70%, PV Engneering 20% và Địa ốc Phú Long 10%. Nguyên giá của giá trị đầu tư hơn 723 tỷ đồng, trong đó quyền sử dụng đất hơn 223,7 tỷ đồng và tài sản trên đất gần 500 tỷ đồng. Số liệu trên BCTC hợp nhất năm 2021 đã kiểm toán của PVGas ghi nhận giá trị hao mòn tài sản trên đất năm 2021 hơn 133 tỷ đồng – giá trị còn lại đến 31/12/2021 hơn 590 tỷ đồng.

PVE vỡ nợ, bị Vietcombank bán thanh lý 20% dự án “con chung” với PVGas và Địa ốc Phú Long - Ảnh 1

Và những “nút thắt” của liên doanh

Báo cáo kết quả kinh doanh của liên doanh này theo nguồn BCTC hợp nhất năm 2021 đã kiểm toán của PVGas, doanh thu năm 2021 đạt gần 81,7 tỷ đồng, trừ các chi phí, còn lãi thuần sau thuế hơn 22,4 tỷ đồng, chia theo tỷ lệ góp vốn thì PVGas nhận hơn 16,5 tỷ đồng, PVE nhận 3,6 tỷ đồng và Địa ốc Phú Long nhận gần 2,3 tỷ đồng.

PVE vỡ nợ, bị Vietcombank bán thanh lý 20% dự án “con chung” với PVGas và Địa ốc Phú Long - Ảnh 2

Trong BCTC năm 2019 đã kiểm toán của PVE cũng ghi nhận liên doanh này được ký kết từ năm 2009 giữa PVGas, Địa ốc Phú Long và PVE để góp vốn đầu tư xây dựng và kinh doanh toà nhà PVGas Tower với tổng mức đầu tư dự kiến 827 tỷ đồng. Thời hạn hợp tác đầu tư 50 năm. Toà nhà được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 7/2011.

PVE đã sử dụng quyền lợi và nghĩa vụ phát sinh từ liên doanh này để thế chấp cho khoản nay ngân hàng. Hợp đồng vay VietcomBank đối với tài sản đảm bảo này có hạn mức tín dụng 354,5 tỷ đồng. Tại ngày 31/12/2019 dư nợ gốc hơn 273,63 tỷ đồng. Báo cáo cũng ghi nhận, sau khi dự án hoàn thành, PVE đã thuê lại 1 phần cao ốc sử dụng làm văn phòng công ty. Giá thuê từ giai đoạn 2011-2015 gần 7,5 tỷ đồng. Tuy nhiên thông báo giá thuê này vẫn chưa được 1 bên trong BCC là Địa ốc Phú Long xác nhận. Báo cáo cho biết đến hết năm 2019 PVGas – đơn vị điều hành và khai thác – vẫn chưa xác nhận kết quả kinh doanh từ liên doanh này cho giai đoạn từ năm 2016 đến 2019, do vậy PVE vẫn chưa ghi nhận lãi/lỗ từ liên doanh này từ 2016-2019.

Tuy vậy BCTC của PVGas vẫn ghi nhận khoản chia lãi/lỗ từ liên doanh này cho các đối tác đều đặn hàng năm trong đó năm 2019 tổng lãi gần 8,2 tỷ đồng và năm 2018 tổng lãi gần 20,2 tỷ đồng, năm 2017 lỗ hơn 56 tỷ đồng và năm 2016 lãi hơn 28 tỷ đồng…

PVE phải “tìm đường giải thoát” khỏi liên doanh do đói vốn

PVE đã từng bị UBCKNN phạt vì vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin. Trên các hệ thống công bố thông tin, PVE mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 đã kiểm toán. Các BCTC năm 2020 và 2021 chưa được công bố. Tuy nhiên trong bộ tài liệu Đại hội cổ đông năm 2022 của PVE có bản tóm tắt tình hình kinh doanh các năm 2019, 2020, 2021. Trong đó kết quả kinh doanh hợp nhất ghi nhận năm 2020 công ty lãi sau thuế 0,37 tỷ đồng và năm 2021 lãi sau thuế 2,07 tỷ đồng.

Không có BCTC chi tiết, tuy vậy tóm bản sơ lược kết quả SXKD năm 2021 ghi nhận tình hình tài chính công ty gặp khó khăn do tiến trình tranh chấp dự án Rapid kéo dài cũng như việc chuyển nhượng 20% vốn góp tại Toà nhà dầu khí PVGas Tower chưa hoàn thành trong năm 2021 dẫn tới việc PVE phải nỗ lực tháo gỡ các khó khăn do nguồn lực hạn hẹp.

Và cái kết của "cuộc ly hôn" của liên doanh này sẽ đến đâu?

Với việc PVE muốn “dừng cuộc chơi”, nỗ lực chuyển nhượng phần vốn góp này từ năm 2021 đến nay, và việc Vietcombank đưa 20% quyền tài sản phát sinh từ Dự án toà nhà dầu khí PVGas Tower ra bán đấu giá, cho thấy PVE đã buộc phải dứt áo ra đi.

Toà nhà PVGas Tower được gọi với một cái tên khác: toà nhà Dầu khí. VietcomBank rao bán 20% dự án này với giá khởi điểm hơn 294 tỷ đồng, tương ứng định giá tổng dự án khoảng 1.400 tỷ đồng. Dự án hiện do PVGas nắm giữ số cổ phần chi phối 70% và nắm quyền điều hành kinh doanh, Địa ốc Phú Long hưởng 10% lợi nhuận.  

Khi PVE buộc phải “dứt áo” ra đi, câu chuyện được “tóm tắt” là công ty đã nỗ lực chuyển nhượng số vốn này từ năm 2021 đến nay chưa thành và cả thông tin giá thuê nhà chưa được một bên ký xác nhận, thì liên doanh đang đến bước “cơm không lành” cũng không phải không có lý do.Nhiều người đặt câu hỏi, liệu cái kết của "cuộc ly hôn" này sẽ đến đâu? Câu trả lời vẫn là chờ kịch bản, xem liệu một trong các bên trong liên doanh có sẵn sàng chi tiền để mua lại phần vốn góp này, hay một bên thứ 3 khác "chen chân" vào liên doanh, hay liên doanh vẫn không thể "gỡ nút thắt", tiếp tục cuộc hôn nhân này?

Nói đến bên thứ 3 trong liên doanh – Địa ốc Phú Long thông tin trên website công ty ghi nhận đây là một Tập đoàn Bất động sản, chuyên kinh doanh bất động sản, phát triển hạ tầng, quản lý quỹ. Địa ốc Phú Long cũng gắn liền tên tuổi với nhiều dự án như Dragon City quy mô 65ha; Dự án Dragon Village; Khu đô thị Spledora; Dự án L’alyana Senses World với sự liên doanh giữa Tổng Công ty sài Gòn Tourist – Tập đoàn Sovico – và Địa ốc Phú Long….

An Phúc

Theo Chất lượng và Cuộc sống