'Qua cửa' gói thầu 8.100 tỷ sân bay Long Thành, tiềm lực của Vinadic trong tay 'ông chủ' Amaccao ra sao?

Đứng tên trong liên danh nhà thầu duy nhất đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật tại gói thầu hơn 8.100 tỷ đồng sân bay Long Thành, Công ty cổ phần Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam (Vinadic - thành viên Amaccao Group) của "đại gia" Tô Văn Năm có doanh thu mỗi năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng, nhưng lợi nhuận thu về lại không đáng kể.

Đầu tháng 8/2023, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã thông báo nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật cho gói thầu số 4.6 của dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Nhà thầu duy nhất đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật là liên danh Tổng công ty xây dựng công trình hàng không ACC - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) - Công ty cổ phần Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam (Vinadic) - Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4 - Công ty cổ phần Xây dựng công trình hàng không Sáu Bốn Bảy.

Gói thầu 4.6 thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị và lập thiết kế bản vẽ thi công xây dựng công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay và các công trình khác. Tổng mức đầu tư gói thầu này hơn 8.100 tỷ đồng. Đây là gói thầu lớn thứ 2 sau gói thầu 5.10 Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga hành khách của dự án thành phần 3 sân bay Long Thành, giai đoạn 1 giá trị hơn 35.000 tỷ đồng.

Nhận diện Vinadic của "ông chủ" Tô Văn Năm

Theo tìm hiểu, Vinadic được thành lập vào tháng 11/2001, trụ sở chính tại ô CN6, Khu công nghiệp Nguyên Khê, xã Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội. Trong năm 2018, Vinadic đã thực hiện 2 lần điều chỉnh tăng nguồn vốn, từ 500 tỷ đồng lên mức 1.130 tỷ đồng, trong đó, Chủ tịch HĐQT Tô Văn Năm (sinh năm 1969) là cổ đông lớn nhất góp hơn 1.116 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 98,7%. Đến tháng 11/2019, Vinadic tiếp tục tăng vốn lên 1.350 tỷ đồng và giữ nguyên cho đến hiện tại.

Trong thời gian đầu, Vinadic chủ yếu tập trung vào hoạt động thi công và xây lắp, điển hình là những dự án đường giao thông, dự án san lấp hạ tầng, dự án thủy lợi và các công trình xây dựng dân dụng.

Những năm gần đây, song song với lĩnh vực xây lắp, Vinadic không giấu giếm tham vọng lớn trong lĩnh vực bất động sản với việc triển khai loạt dự án gồm nhà ở cao tầng có quy mô 10.770m2, tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng; trung tâm nguyên phụ liệu gia giày Hà Nội (quy mô 7.390 m2, vốn 620 tỷ đồng), chợ gỗ Vân Hà (4,8ha, tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng) hay chợ Mun (1.244ha, vốn 120 tỷ đồng) đều nằm tại Đông Anh, Hà Nội và đang trong quá trình giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, Vinadic còn sở hữu dự án Nhà ở văn phòng IA4 (vốn đầu tư 300 tỷ đồng) và 4 Khu công nghiệp đang hoạt động gồm các Khu công nghiệp Vân Nội, Nguyên Khê, Phổ Yên và Phủ Lý với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ.

Đơn vị này cũng chứng tỏ năng lực qua thi công hạ tầng khu ô tô tại nhà máy sản xuất ô tô VinFast Hải Phòng; xây dựng hệ thống chiếu sáng tại khu công nghiệp Yên Phong - Samsung; thi công hoàn thiện nhà máy nhựa EuroPipe có tổng mức đầu tư 455 tỷ đồng tại Thái Nguyên; thi công hoàn thiện nhà máy thiết bị điện Vonta có tổng mức đầu tư 346 tỷ đồng.

Trên website, Vinadic tự giới thiệu đã có kinh nghiệm triển khai nhiều gói thầu nâng cấp, cải tạo sân bay như dự án cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, dự án sân bay quân sự tỉnh Lai Châu, sân bay quốc tế Nội Bài, sân bay Điện Biên...

Vinadic tham gia gói thầu tại dự án đầu tư xây dựng mở rộng cảng hàng không Điện Biên.
Vinadic tham gia gói thầu tại dự án đầu tư xây dựng mở rộng cảng hàng không Điện Biên.

Ngoài Vinadic, ông Tô Văn Năm còn giữ vai trò Chủ tịch HĐQT tại Công ty cổ phần Tập đoàn Amaccao, một tập đoàn đa ngành được thành lập từ năm 1995, trụ sở tại tòa nhà hỗn hợp vườn đào, ngõ 689 Lạc Long Quân, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội.

Tháng 4/2018, Amaccao đã thực hiện tăng vốn 'khủng', từ mức 100 tỷ lên 1.200 tỷ đồng chỉ trong 1 lần điều chỉnh. Các cổ đông góp vốn bao gồm: ông Tô Văn Nam góp 1.080 tỷ đồng (tương ứng tỷ lệ sở hữu 90%); bà Tô Anh Minh góp 108 tỷ (tỷ lệ 9%); 2 cá nhân còn lại là ông Tô Văn Nhật và bà Tô Thị Đường cùng góp số tiền 6 tỷ (tương ứng tỷ lệ 0,5%).

Doanh thu nghìn tỷ, lãi nhỏ giọt

Dữ liệu của VietnamFinance cho thấy trong 3 năm trở lại đây, tài sản của Vinadic liên tục được nâng lên. Cụ thể, từ mức 2.800 tỷ vào năm 2020, tổng tài sản của doanh nghiệp tăng lên gần 2.980 tỷ vào năm 2021 và đạt 3.125,8 tỷ vào năm 2022.

Tài sản của Vinadic được phân phối khá đồng đều. Dẫu vậy, các khoản phải thu ngắn hạn của doanh nghiệp này đang ở trong tình trạng đáng quan ngại khi liên tục gia tăng trong 3 năm qua. Từ mức 399 tỷ đồng vào năm 2020, các khoản phải thu ngắn hạn của Vinadic đã tăng lên hơn 1.370 tỷ đồng vào năm 2022.

Ở chiều ngược lại, hàng tồn kho của Vinadic có chiều hướng giảm mạnh từ mức 711,5 tỷ vào năm 2020, xuống còn 681,8 tỷ vào năm 2021 và chỉ còn 476,7 tỷ đồng vào năm 2022. Trong 3 năm qua, Vinadic cũng đầu tư vào công ty con và góp vốn vào đơn vị khác hàng trăm tỷ đồng. Đơn cử như năm 2020, doanh nghiệp này góp vốn hơn 650 tỷ vào đơn vị khác. Hay như năm 2021, đầu tư 521 tỷ vào công ty con.

Về nguồn vốn, trong khi vốn chủ sở hữu không có quá nhiều biến động (từ 1.251 tỷ đồng - 1.406 tỷ đồng), thì nợ phải trả của Vinadic lại có chiều hướng gia tăng. Từ mức 1.549 tỷ đồng vào 2020, nợ phải trả của doanh nghiệp tăng lên 1.592 tỷ đồng vào 2021. Tính đến ngày 31/12/2022, nợ phải trả của Vinadic đã lên tới 1.718,8 tỷ đồng (chiếm gần 60% nguồn vốn).

Phần lớn nợ của Vinadic là nợ ngắn hạn, đặc biệt là khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn. Tính đến ngày 31/12/2022, khoản mục này đạt 620,5 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ vay ngắn hạn của Vinadic đã giảm gần 1 nửa trong 3 năm qua (từ 741 tỷ đồng xuống còn 389,6 tỷ đồng).

'Qua cửa' gói thầu 8.100 tỷ sân bay Long Thành, tiềm lực của Vinadic trong tay 'ông chủ' Amaccao ra sao? - Ảnh 1

Về kết quả kinh doanh, giai đoạn 2020-2021 chứng kiến đà tăng mạnh về doanh thu thuần của Vinadic. Từ mức 1.009 tỷ đồng vào năm 2020, doanh thu thuần của doanh nghiệp này tăng hơn 74%, lên mức 1.760,7 tỷ đồng vào năm 2021. Mặc dù vậy, doanh thu thuần năm 2022 của Vinadic lại đột ngột giảm 34%, xuống còn 1.163 tỷ đồng.

Doanh thu hàng nghìn tỷ mỗi năm, nhưng dưới sức ép của giá vốn luôn neo ở mức cao, nên lợi nhuận gộp của Vinadic cũng không cao và chỉ còn lần lượt là: 90,6 tỷ đồng (2020); 132,5 tỷ đồng (2021) và 133,9 tỷ đồng (2022). 

Sau khi trừ các khoản chi phí như lãi vay, bán hàng, quản lý, Vinadic báo lãi sau thuế 11,4 tỷ đồng vào năm 2020, năm 2021 lãi 37,6 tỷ đồng và năm 2022 lãi 18,1 tỷ đồng. Đây là một mức lãi khá thấp so với doanh thu và quy mô doanh nghiệp.

Về hoạt động tín dụng, mới đây nhất (tháng 8/2023), Vinadic đã dùng toàn bộ tài sản hình thành từ vốn đầu tư của dự án mà ngân hàng cấp tín dụng, bao gồm tài sản hiện có, tài sản hình thành trong tương lai mà chi phí hình thành nên các tài sản này thuộc tổng mức đầu tư và/hoặc danh mục chi phí được quyết toán của dự án... làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại Ngân hàng BIDV - chi nhánh Đông Hà Nội.

Hay như tháng 7/2023, Vinadi đem thế chấp toàn bộ các quyền tài sản (bao gồm: quyền đòi nợ và thụ hưởng số tiền đòi nợ; quyền yêu cầu hoàn trả tiền ứng trước, tiền phạt vi phạm, tiền bồi thường thiệt hại và thụ hưởng số tiền này; lợi ích, các khoản bồi hoàn, quyền thụ hưởng các hợp đồng bảo hiểm, quyền khai thác, quản lý dự án cụm công nghiệp Thiết Bình, xã Vân Hà, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) phát sinh từ các hợp đồng kinh tế cho phía Ngân hàng Vietinbank - chi nhánh Đông Anh.

Vinadic cũng sử dụng nhiều tài sản là các máy móc, thiết bị, thậm chí cả xe ô tô Hyundai Santafe để làm tài sản bảo đảm tại Ngân hàng BIDV - chi nhánh Đông Hà Nội.

Chí Bình

Theo VietnamFinance