Quảng Nam: Đột phá trong thu hút nguồn lực đầu tư vào các cụm công nghiệp, khu kinh tế
Sau 25 năm tái lập, tỉnh Quảng Nam từ một tỉnh thuần nông chậm phát triển, đến nay Quảng Nam đã có những bước phát triển đột phá từng bước khẳng định vị thế trở thành một tỉnh phát triển công nghiệp năng động nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm du
Cảng Chu Lai cửa ngõ xuất khẩu hàng hoá mới của miền Trung. |
Từng bước khẳng định vị thế
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện nhiều chiến lược đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Cải thiện môi trường đầu tư và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đồng thời, tiến hành nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm khẳng định Quảng Nam là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Ban quản lý các Khu Kinh tế và Khu Công nghiệp tỉnh Quảng Nam (BQL), cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh hai khu kinh tế (Khu kinh tế mở Chu Lai và Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang) với tổng diện tích quy hoạch là 58.100 ha. Hiện, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt quy hoạch 4 Khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh nằm ngoài các Khu kinh tế gồm: KCN Điện Nam - Điện Ngọc, KCN Thuận Yên, KCN Đông Quế Sơn và KCN Phú Xuân với tổng diện tích là 1.152,8 ha.
Tính đến nay trên địa bàn các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam có tổng cộng 270 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 126 ngàn tỷ đồng, trong đó có 84 dự án FDI và 186 dự án trong nước với tổng số lao động khoảng 61.000 người. Nhìn chung việc ra đời và hoạt động các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo ra nhiều thay đổi về cơ sở hạ tầng, hoạt động sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm và thay đổi cơ cấu kinh tế địa phương.
Riêng với hoạt động công nghiệp, Quảng Nam đã phát triển 14 KCN trên tổng diện tích 3.676ha nằm trong và ngoài khu kinh tế, tổng vốn đăng ký đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN khoảng là 8.900 tỷ đồng, tổng vốn thực hiện khoảng 3.600 tỷ đồng. Đến nay có 10/14 KCN đã có nhà đầu tư thứ cấp. Tổng số dự án thứ cấp tại các KCN là 226 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư gần 80 ngàn tỷ đồng (tương đương 3,7 tỷ USD) với 151 dự án trong nước và 74 dự án nước ngoài. Hầu hết các KCN đang hoạt động theo mô hình đa ngành, đa lĩnh vực, cụ thể các nhóm ngành chính như: công nghiệp cơ khí và lắp ráp ô tô; công nghiệp dệt may, da giày; chế biến và sản xuất sản phẩm từ gỗ; sản xuất bao bì; chế biến thủy hải sản; sản xuất nước giải khát...
Nhìn chung, thời gian qua, các KCN trong tỉnh đã được đầu tư nâng cấp về cơ sở hạ tầng, thu hút được nhiều dự án đầu tư thứ cấp, giải quyết việc làm cho gần 60.000 lao động, trong đó khoảng 90% là lao động địa phương và đóng góp lớn vào ngân sách tỉnh. Đặc biệt, trong thời gian khi dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp ở trong và ngoài nước, các KCN của tỉnh mặc dù có những ảnh hưởng nhất định nhưng vẫn duy trì tốt sản xuất kinh doanh. Một số kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2022: Cấp mới 6 dự án, tổng vốn đăng ký 3.303 tỷ đồng; Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 710 triệu USD; Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 1.416 triệu USD.
Khu KTM Chu Lai đã trở thành một trong những trung tâm phát triển lớn của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. |
Hiện nay, trên địa bàn các KCN, KKT tỉnh Quảng Nam có 74 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Ban Nha, ... với tổng vốn đăng ký khoảng 1,3 tỷ USD, trong đó có một số dự án quy mô lớn như: Dự án nhà máy dệt, may, nhuộm và phụ liệu dệt máy của Tập đoàn Panko (Hàn Quốc) tổng vốn đăng ký 70 triệu USD; Nhà máy sản xuất vải mành của Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc), tổng vốn đăng ký 410 triệu USD; Nhà máy sản xuất bia Heineken tổng vốn đăng ký 72 triệu USD; Nhà máy sản xuất kính Ức Thịnh, tổng vốn đăng ký 47 triệu USD.