Quảng Ngãi - Kon Tum: Xin TW hỗ trợ mở đường cao tốc sau sáp nhập
Tại Đề án sáp nhập tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum, địa phương đã có nhiều đề xuất trợ để thuận lợi trong và sau khi thực hiện sáp nhập tỉnh.
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có tờ trình gửi Chính phủ về Đề án sáp nhập tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum, nhằm kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc thành lập tỉnh mới trên cơ sở hợp nhất hai địa phương.
Theo nội dung Đề án, tỉnh mới vẫn mang tên Quảng Ngãi, được hình thành từ sự hợp nhất tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum. Sau sáp nhập, tỉnh Quảng Ngãi mới sẽ có diện tích 14.834km2, dân số khoảng 2,1 triệu người với 96 đơn vị hành chính trực thuộc. Trung tâm hành chính – chính trị của tỉnh sẽ được đặt tại TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi hiện nay.
Mục tiêu của việc sáp nhập là mở rộng quy mô và không gian phát triển, từ đó nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế sẵn có của hai tỉnh.

Tỉnh Quảng Ngãi thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược biển, đảo và bảo đảm quốc phòng, an ninh của khu vực và cả nước. Nằm ở vị trí gần trung điểm của Việt Nam, Quảng Ngãi có hệ thống giao thông thuận lợi và nhiều tiềm năng, lợi thế, dư địa để phát triển nhanh, bền vững, trong đó có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển và các ngành công nghiệp nặng, với lợi thế Cảng biển nước sâu Dung Quất.
Tỉnh Kon Tum nằm ở vị trí chiến lược ngã ba Đông Dương, trong vùng lõi Khu vực tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia, Kon Tum là điểm kết nối, trung chuyển trên trục Đông Tây, núi- biển. Tiềm năng thế mạnh của Kon Tum Kon là ba vùng kinh tế động lực, gồm: Khu kinh tế Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen và thành phố Kon Tum- đô thị đặc thù Tây Nguyên.
Sự kết hợp này tạo ra nền tảng vững chắc để phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh.
Việc hợp nhất được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong quy hoạch, đầu tư hạ tầng đồng bộ từ giao thông, đô thị, thương mại đến dịch vụ. Đồng thời, đây là cơ hội để nâng cao tỷ lệ đô thị hóa, phát triển các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo mô hình quy mô lớn, giảm tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và thiếu quy hoạch. Đề án cũng xác định rõ mục tiêu đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại và phát triển bền vững.
Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính được đánh giá là động lực quan trọng để thúc đẩy phân bổ lại lực lượng sản xuất, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp. Qua đó, tạo điều kiện phát triển vùng nông thôn, ngoại thành, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa khu vực thành thị và nông thôn.
Về nhân sự, tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng phương án bố trí, hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại tỉnh Kon Tum sau khi sắp xếp đơn vị hành chính. Cụ thể, đối với cán bộ, công chức thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý sẽ được bố trí nhà ở; các đối tượng còn lại sẽ được hỗ trợ tiền thuê nhà hằng tháng trong thời gian 2 năm theo nghị quyết của HĐND tỉnh. Sau thời gian này, tỉnh sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp theo tình hình thực tế. Ngoài ra, địa phương cũng xây dựng phương án hỗ trợ điều kiện đi lại cho lực lượng lao động sau sáp nhập.
Tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí cho quá trình triển khai thực hiện Đề án, bao gồm cải tạo, sửa chữa và xây mới trụ sở cơ quan hành chính, trạm y tế, trường học và cơ sở vật chất thiết yếu. Đồng thời, đề nghị có cơ chế chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức và vận hành tỉnh mới.
Một nội dung đáng chú ý khác trong kiến nghị là đề xuất Trung ương bố trí vốn để sửa chữa 62km Quốc lộ 24, nhằm đảm bảo kết nối thuận lợi sau khi sáp nhập. Bên cạnh đó, tỉnh mong muốn được Trung ương phê duyệt và đầu tư tuyến cao tốc Quảng Ngãi – Kon Tum trong giai đoạn 2025 – 2028 để tạo trục liên kết kinh tế, giao thương và phát triển vùng mạnh mẽ hơn.