Quảng Ninh: Nhiều 'ông lớn' ồ ạt đầu tư vào Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, Uông Bí
Với chính sách thu hút đầu tư đúng hướng, đặc biệt là quy hoạch khu kinh tế ven biển hiện đại với quy mô 13.302ha, đến nay đã có rất nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đã và đang đổ bộ về Uông Bí, Quảng Yên.
Nhằm thu hút đầu tư, Quảng Ninh định hướng phát triển Uông Bí - Quảng Yên thành khu kinh tế ven biển đa ngành với thời gian xây dựng triển khai trong giai đoạn 2020-2035. Nơi đây sẽ hình thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hậu cần cảng và đô thị hiện đại thông minh không chỉ riêng cho Quảng Ninh mà cho cả khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Với quy mô 13.302ha, khu kinh tế Uông Bí, Quảng Yên được quy hoạch làm 2 phân khu chính gồm khu phức hợp đô thị, công nghiệp công nghệ cao có diện tích 6.403ha thuộc 5 phường của thành phố Uông Bí (bao gồm Quang Trung, Trưng Vương, Phương Nam, Phương Đông, Yên Thanh) và 8 phường, xã của thị xã Quảng Yên; khu dịch vụ cảng biển, cảng biển, công nghiệp và đô thị Đầm nhà Mạc diện tích 6.899ha thuộc 7 phường, xã của thị xã Quảng Yên.
Mục tiêu phát triển chủ yếu của khu kinh tế ven biển này nhằm khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí trong việc kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ với các khu kinh tế ven biển như: Vân Đồn, Đình Vũ - Cát Hải, Thái Bình nhằm phát triển nhóm các khu kinh tế ven biển để phát huy tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của từng khu kinh tế và xây dựng mối liên kết về phát triển kinh tế – xã hội giữa các khu kinh tế với khu vực lân cận.
Lực hút của khu vực Uông Bí - Quảng Yên còn đến từ chiến lược phát triển hạ tầng đồng bộ. Trong đó, kết nối hạ tầng với khu kinh tế ven biển Uông Bí - Quảng Yên qua tuyến đường ven sông – đại lộ Tây Nam Quảng Ninh nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) với tổng mức đầu tư 9.500 tỷ đồng.
Riêng tại Uông Bí, nơi đây "nắm giữ" 2 mạch giao thương quan trọng là Quốc lộ 18 (nối Quảng Ninh với Hà Nội và các tỉnh, thành trong khu vực) và Quốc lộ 10 (nối Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình… với Quảng Ninh). Đây là 2 tuyến đường quan trọng, có nhiệm vụ thông thương toàn bộ khu vực, thúc đẩy kinh tế phát triển. Thêm nữa, tuyến Quốc lộ 18A dài 60km cũng đang được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi trong kết nối giao thông. Do đó, dù là thành phố “mới nổi” nhưng Uông Bí được nhận định là có sức bật tốt nhờ lực đẩy từ quy hoạch hạ tầng, trở thành “miền đất hứa” cho nhà đầu tư. Đây cũng là thành phố đặc biệt, có nhiệm vụ kết nối với tam giác kinh tế Hải Dương - Hà Nội - Quảng Ninh.
Còn Quảng Yên đang sở hữu dịch vụ hậu cần cảng biển đa dạng và toàn diện. Trong đó, khu vực Đầm Nhà Mạc sẽ được quy hoạch trở thành khu dịch vụ hậu cần cảng biển, công nghiệp và đô thị với diện tích gần 7.000ha. Những dịch vụ này bao gồm dịch vụ vận tải, xếp dỡ hàng hoá, dịch vụ phân phối và các dịch vụ logistics giá trị gia tăng. Trong thời gian tới, chiến lược phát triển kinh tế biển tỉnh Quảng Ninh ưu tiên phát triển khu dịch vụ hậu cần sau cảng và logistics tại Quảng Yên với quy mô 3.000-5.000ha, từng bước hoàn thiện các tiện ích sẵn có và nâng tầm lợi thế cạnh tranh của khu kinh tế.
Dự báo trước nhu cầu thị trường, trong giai đoạn 2022-2026, với sự đầu tư của chính quyền địa phương, hàng loạt doanh nghiệp trong các lĩnh vực đã và đang đổ bộ về Uông Bí, Quảng Yên để xây dựng phát triển hạ tầng, đầu tư kinh doanh. Các thương hiệu lớn trong lĩnh vực bất động sản cũng đổ bộ, đầu tư vào Uông Bí và Quảng Yên.
Nổi bật trong số đó phải kể đến TNR với Grand Palace River Park; Tập đoàn Vingroup với chuỗi hệ thống Vincom Shophouse với tổng mức đầu tư lên đến gần 2.000 tỷ đồng ngay tại trung tâm thành phố Uông Bí, bên cạnh đó là dự án khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh với tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ USD; Tập đoàn Amata cũng lựa chọn Quảng Yên và Uông Bí để triển khai dự án Amata Smart City với quy hoạch 1.720ha với tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD, trong tổng hơn 5.800ha đầu tư phát triển của Tập đoàn Amata tại Quảng Ninh.
Không riêng bất động sản, giai đoạn 2021-2022, khu kinh tế ven biển Uông Bí - Quảng Yên đã đón những dòng vốn đầu tư đầu tiên trị giá hàng tỷ đô trong thời gian ngắn như dự án tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam (công nghệ sản xuất điện pin năng lượng mặt trời) với tổng mức đầu tư 500 triệu USD của Công ty Jinko Solar Hong Kong.
Một số sản phẩm mới thuộc lĩnh vực điện tử, sản phẩm công nghệ cao, dệt may… từ các dự án nhà máy đã được hoàn thành và đi vào hoạt động như dự án S-Việt Nam của Tập đoàn Foxconn. Các doanh nghiệp khác như Công ty kỹ thuật điện tử Tonly Việt Nam, Công ty Bumjin Electronics Co.Ltd, Công ty TNHH dệt may Weitai Hạ Long… cũng đã đầu tư vào đây.
Có thể thấy, trong một thời gian ngắn, dòng vốn hàng chục tỷ đô đã chảy vào khu kinh tế ven biển của vùng đất mỏ. Sự đồng bộ về hạ tầng cùng chiến lược kinh tế bài bản tại khu kinh tế ven biển Uông Bí, Quảng Yên sẽ giúp vùng đất này “lột xác” trở thành cửa ngõ giao thương quan trọng của tỉnh Quảng Ninh, khu vực đồng bằng sông Hồng và hướng tới là cửa ngõ giao thương quốc tế.