Quảng Trị: Đầu tư sân bay 5.800 tỷ theo hình thức PPP

UBND tỉnh Quảng Trị vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xin đầu tư cảng hàng không theo hình thức đối tác công tư.

Thông tin được UBND tỉnh Quảng Trị cho biết sáng 4/11.

Phối cảnh cảng hàng không Quảng Trị  
Phối cảnh cảng hàng không Quảng Trị  

Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án là hơn 5.800 tỷ đồng và được chia làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn hơn 2.900 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước ở cả 2 giai đoạn là hơn 310 tỷ đồng. Việc giải phóng mặt bằng được tách thành một dự án riêng, sử dụng ngân sách của tỉnh Quảng Trị.

Cụ thể, sân bay được xây dựng tại các xã Gio Mai, Gio Quang, Gio Hải (huyện Gio Linh, Quảng Trị), với tổng diện tích 265ha. Giai đoạn một sẽ xây dựng các công trình cơ bản của cảng hàng không Quảng Trị đạt tiêu chuẩn cấp 4C và sân bay quân sự cấp II, đạt công suất khoảng 2,2 triệu hành khách/năm vào năm 2046 và khoảng 5.600 tấn hàng hóa vào năm 2042.

Ở giai đoạn 2 sẽ tiến hành đầu tư hạ tầng khu phục vụ mặt đất tại cảng hàng không, mở rộng nhà ga hành khách năm 2047 đảm bảo khai thác đến 5 triệu hành khách. Mở rộng nhà ga hàng hóa đợt 1 năm 2043 với công suất khoảng 13.700 tấn/năm, đợt 2 năm 2059 với công suất khoảng 25.500 tấn/năm.

Trong tờ trình, UBND tỉnh Quảng Trị nêu rõ đầu tư xây dựng sân bay nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải đường hàng không ngày càng tăng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tính cơ động cao trong việc phòng thủ, cũng như trong công tác cứu hộ, cứu nạn của khu vực Trung Bộ và tỉnh Quảng Trị.

Quảng Trị nằm ở trung điểm đất nước. Năm 2020, tỉnh đón 2 triệu lượt khách, tập trung ở các điểm du lịch tâm linh như Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Đường 9, thành cổ Quảng Trị, thánh địa La Vang...

Phía bắc và phía nam Quảng Trị có 2 sân bay là Đồng Hới (Quảng Bình) và Phú Bài (Thừa Thiên Huế), cùng cách vị trí dự kiến xây dựng gần 100 km. Cả hai sân bay này nằm sát quốc lộ 1A, nối với tỉnh Quảng Trị.

Như vậy, với mức đầu tư này đã giảm đi nhiều so với dự kiến đề xuất trước đó. Tại thời điểm tháng 7/2020, dự án được dự kiến khoảng 8.014 tỷ.

Dự án sân bay Quảng Trị là dự án gây nhiều tranh cãi. Với nhiều chuyên gia, dự án cần phải cân nhắc kỹ, đặc biệt về nhu cầu cũng như hiệu quả kinh tế.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP. HCM đã nghĩ tới một phương án khác đó là xây dựng sân bay nhỏ phục vụ các nhu cầu cần kíp thật sự.

Ông lấy ví dụ tại Ấn Độ, đã làm và phát triển rất tốt các sân bay có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, bay tầm thấp cho các máy bay nhỏ có khả năng vận chuyển từ 19 chỗ ngồi trở xuống. Những chuyến bay này có khả năng đáp ứng ngay những nhu cầu xử lý khẩn cấp như cấp cứu, hoặc nhu cầu đi lại giữa các tỉnh với nhau.

"Với quy mô nhỏ sẽ dễ gom chuyến, trong trường hợp khẩn cấp không phải sử dụng trực thăng, với hướng này sẽ khả thi và hiệu quả hơn", vị PGS nói.

An An (tổng hợp)

Theo Đất Việt