Quốc hội thông qua Luật Nhà ở: 'Siết' quản lý chung cư mini, thêm nguồn lực làm NƠXH
Với 423 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 85,63%), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi).
"Siết" quản lý chung cư mini
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết có ý kiến đại biểu nói quy định tại Điều 57 về phát triển nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân để bán, cho thuê mua, cho thuê (chung cư mini) là quá chặt chẽ, khó khả thi.
Các ý kiến này đề nghị quy định theo hướng Nhà nước quản lý, kiểm soát theo quy hoạch, cấp phép xây dựng, bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy hoặc luật chỉ quy định nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng thực tế phát triển chung cư mini vừa qua tại nhiều địa phương bị buông lỏng, không xử lý kịp thời các sai phạm. Việc này dẫn tới hệ lụy về nguy cơ cháy, nổ, cũng như gây quá tải về hệ thống hạ tầng đô thị. Thực tế đã xảy ra một số vụ hỏa hoạn nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản.
Để khắc phục tồn tại, sau tiếp thu ý kiến, các đại biểu đưa ra quy định siết quản lý về đầu tư, xây chung cư mini, nhưng vẫn có các điều khoản đảm bảo nhu cầu, nguồn cung nhà ở cho người thu nhập thấp.
Cụ thể, cá nhân muốn xây chung cư mini (nhà ở từ 2 tầng trở lên, tại mỗi tầng có các căn hộ, hoặc từ 2 tầng và quy mô 20 căn hộ trở lên) để bán, cho thuê sẽ phải đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở. Căn hộ đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận theo pháp luật đất đai (sổ hồng) sẽ được bán, cho thuê, thuê mua theo quy định Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.
Ngoài ra, việc đầu tư chung cư mini để cho thuê phải đáp ứng yêu cầu về xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành. Khu nhà phải đáp ứng yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh được phân cấp quy định về đường giao thông, đảm bảo phương tiện chữa cháy có thể chữa cháy tại nơi có chung cư mini. Quản lý, vận hành chung cư mini phải tuân thủ quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành.
Nguồn vốn nào để Tổng Liên đoàn Lao động đầu tư nhà ở xã hội?
Về quy định Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhiều ý kiến đại biểu tán thành phương án quy định tổng liên đoàn là cơ quan chủ quản dự án.
Có ý kiến cho rằng chỉ nên giao tổng liên đoàn đầu tư dự án nhà ở xã hội mẫu, điển hình. Ý kiến khác cho rằng phương án nào cũng có ưu điểm, do đó đề nghị lấy phiếu đối với từng phương án.
UBTVQH tiếp thu ý kiến đa số đại biểu, chỉnh lý dự thảo luật theo hướng quy định tổng liên đoàn là cơ quan chủ quản đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê để bổ sung nguồn lực đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Cùng với đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của tổng liên đoàn trong việc chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là quyền có chỗ ở, nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người lao động...
Luật quy định nguồn vốn thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội là nguồn tài chính công đoàn; giới hạn phạm vi thực hiện (tập trung đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê, không đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân) để nâng cao tính khả thi.
Số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy, nửa đầu năm nay cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị với 157.000 căn; đang triển khai 418 dự án quy mô 432.000 căn.
Chính phủ đặt mục tiêu đến 2030 có ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội, trong đó đến năm 2025 hoàn thành 428.000 căn; tổng vốn dự kiến là 849.000 tỷ đồng, chủ yếu bằng vốn xã hội hóa.