Quy hoạch sông Hồng có phải chờ quy hoạch tài nguyên nước?

Nhấn mạnh đầu tư phải tuân thủ quy hoạch, PGS.TS Đào Trọng Tứ băn khoăn khi chưa có quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng-Thái Bình.

Hà Nội đang hoàn chỉnh hồ sơ đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở).

Đây là một quy hoạch mang tính đặc biệt, bởi không gian nghiên cứu lập quy hoạch là không gian dành cho thoát lũ ngoài đê sông Hồng, có tính chất thủy văn phức tạp với nhiều yếu tố đan xen, liên quan đến nhiều cấp ngành, các tầng bậc quy hoạch như Quy hoạch vùng; Quy hoạch chung Hà Nội (điều chỉnh, sửa đổi); Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khác có liên quan... theo Luật Quy hoạch 2017.

Bởi quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng liên quan đến nhiều tầng bậc quy hoạch nên một vấn đề đang được nhiều người quan tâm, đó là: nếu một trong những quy hoạch ấy chưa có, liệu quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng có được thông qua?

Chia sẻ với những băn khoăn này, PGS.TS Đào Trọng Tứ, nguyên Phó Tổng thư ký Ủy ban sông Mekong dẫn một ví dụ, dù Hà Nội đang khẩn trương như vậy song cho đến nay vẫn thiếu thông tin đầu vào là số liệu tài nguyên nước. Cụ thể, chưa có Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng-Thái Bình, dù từ năm 2016 Bộ TN-MT đã khởi động lập quy hoạch này. Đến đầu tháng 8/2021, Bộ TN-MT vẫn đang trao đổi với các đơn vị nhằm rà soát, hoàn thiện các thông tin số liệu tài nguyên nước đề xuất các giải pháp trên lưu vực sông Hồng-Thái Bình.

"Hà Nội muốn làm quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng song chưa có quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng-Thái Bình thì sẽ rất khó. Về nguyên tắc, có quy hoạch thì mới làm được. Luật Quy hoạch 2017 cũng đã quy định rõ, quy hoạch ngành quốc gia phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia.

Quy hoạch vùng phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia; quy hoạch tỉnh phải phù hợp quy hoạch vùng, quy hoạch cấp quốc gia.

Trường hợp quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có mâu thuẫn với quy hoạch ngành quốc gia thì phải điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tổng thể quốc gia.

Trường hợp quy hoạch vùng có mâu thuẫn với nhau, quy hoạch tỉnh có mâu thuẫn với nhau thì phải điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch cao hơn; trường hợp quy hoạch tỉnh có mâu thuẫn với quy hoạch vùng thì phải điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch vùng và quy hoạch cấp quốc gia", ông Tứ nói và cho biết đây cũng là cái khó chung của nhiều địa phương khi muốn làm các dự án giao thông, đô thị... mà quy hoạch trên chưa có.

Hà Nội đang khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng trong khi chưa có Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng-Thái Bình  
Hà Nội đang khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng trong khi chưa có Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng-Thái Bình  
 

Chỉ riêng lĩnh vực tài nguyên nước, theo kế hoạch từ nay đến năm 2024, sẽ phải triển khai thực hiện lập 15 quy hoạch tài nguyên nước, trong đó có: Quy hoạch tài nguyên nước, Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước và Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Ba, sông Vu Gia – Thu Bồn, sông Đồng Nai, sông Bằng Giang – Kỳ Cùng, Srêpôk, Sê San, sông Hồng – Thái Bình, sông Cửu Long, sông Mã, sông Cả, sông Kôn – Hà Thanh, sông Hương; sông Trà Khúc....

Trong cuộc họp hôm 11/8 của Bộ TN-MT, theo báo cáo của các đơn vị về tình hình triển khai các quy hoạch tài nguyên nước sẽ trình năm 2021 thì đến thời điểm hiện nay 8/15 quy hoạch mới phê duyệt nhiệm vụ đang triển khai lập quy hoạch và 7/15 quy hoạch các đơn vị đã trình Bộ xem xét phê duyệt nhiệm vụ trong năm 2020.

Về hướng giải quyết, PGS.TS Đào Trọng Tứ lưu ý đến Nghị quyết 751/2019 của Quốc hội, trong đó cho phép các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh đã được sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quy hoạch có thể lập đồng thời. Quy hoạch nào được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn.

"Như vậy, nguyên tắc vẫn là phải tuân thủ quy hoạch, trừ khi Nhà nước có quyết định cho phép Hà Nội được hưởng cơ chế đặc thù để thông qua và triển khai quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng thì đó là chuyện khác", ông Tứ bày tỏ quan điểm.

Liên quan đến quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, hồi tháng 7/2021, Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi TP Hà Nội cho ý kiến trong đó đánh giá cao TP Hà Nội đã chủ động lập quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng với quan điểm giải quyết về quy hoạch đảm bảo tuân thủ và cụ thể hóa các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, theo Bộ NN-PTNT, UBND TP Hà Nội cần lưu ý một số nội dung trong quá trình lập quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.

Cụ thể, đối với giải pháp quy hoạch về đê và đường ven sông, theo Bộ NN-PTNT, thống nhất với đề nghị của TP Hà Nội về việc nâng cấp đê hiện có đảm bảo an toàn chống lũ, kết hợp đáp ứng yêu cầu về giao thông. Bộ NN-PTNT thống nhất về giải pháp quy hoạch xây dựng về đường trên nguyên tắc không thu hẹp không gian thoát lũ, không nâng cao các tuyến đê bối hiện có, không xây dựng đê bối mới.

Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT nêu ý kiến, theo bản đồ Quy hoạch, phương án đề xuất xây dựng 2 tuyến đường ven sông được kết hợp chức năng là đê ngăn lũ với cao trình mặt đường +12,0 (trên mức lũ báo động 3), tương tự việc hình thành đê bối mới là không phù hợp. Vì vậy, đề nghị lựa chọn cao trình mặt đường tương đương cao trình mặt bãi sông tự nhiên hoặc cao trình đê bối hiện có (đối với tuyến đường đi trùng với đê bối hiện có) hoặc cao trình khu dân cư hiện có (đối với tuyến đường đi qua khu dân cư hiện có) để chỉ phục vụ phát triển giao thông, đảm bảo không gian thoát lũ và phù hợp với quy hoạch.

Đối với việc đề nghị không di dời các khu dân cư Bắc Cầu, Bồ Đề, theo Bộ NN-PTNT, Quy hoạch 257 (Phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình) đã xác định một số khu dân cư nằm sát bờ sông thuộc khu vực lòng sông co hẹp, tốc độ dòng chảy cao, dễ bị sạt lở gây mất an toàn khi có lũ cần phải di dời, trong đó có khu dân cư Bắc Cầu, Bồ Đề. Mặt khác, trong quá trình TP Hà Nội rà soát điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết trên địa bàn, cũng đã xác định các khu vực dân cư trên cần từng bước di dời để đảm bảo an toàn.

Trên cơ sở ý kiến của Bộ NN-PTNT, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng, Sở NN-PTNT nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Bộ, hoàn chỉnh hồ sơ đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở); tham mưu, báo cáo UBND thành phố, dự thảo văn bản của UBND thành phố Hà Nội xin ý kiến Bộ Xây dựng theo đúng quy trình, quy định.

Đối với các nội dung rà soát phương án phòng, chống lũ các tuyến sông có đê, phương án củng cố hệ thống đê điều trên địa bàn thành phố, lãnh đạo TP Hà Nội giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng và các đơn vị có liên quan thực hiện, báo cáo UBND thành phố theo quy định.

Thành Luân

Theo Đất Việt