Quy hoạch sông Hồng: Hà Nội tiếp thu ý kiến Bộ NN-PTNT

Sở NN-PTNT Hà Nội được giao chủ trì rà soát phương án phòng, chống lũ các tuyến sông có đê, phương án củng cố hệ thống đê điều...

Văn phòng UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản về việc Bộ NN-PTNT có ý kiến về Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở).

Theo đó, trên cơ sở ý kiến của Bộ NN-PTNT về Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tại Văn bản số 4409/BNN-PCTT ngày 14/7/2021, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng, Sở NN-PTNT nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Bộ NN-PTNT tại văn bản nêu trên, hoàn chỉnh hồ sơ đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở); tham mưu, báo cáo UBND thành phố, dự thảo văn bản của UBND thành phố Hà Nội xin ý kiến Bộ Xây dựng.

Quy hoạch phân khu sông Hồng nhận được sự quan tâm của người dân và giới chuyên môn. Ảnh: TTXVN  
Quy hoạch phân khu sông Hồng nhận được sự quan tâm của người dân và giới chuyên môn. Ảnh: TTXVN  
 

Đối với các nội dung rà soát phương án phòng, chống lũ các tuyến sông có đê, phương án củng cố hệ thống đê điều, thành phố giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng và các đơn vị có liên quan thực hiện, báo cáo UBND thành phố theo quy định.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì khẩn trương triển khai công tác lập Quy hoạch thành phố theo Luật Quy hoạch ngày 21/11/2017 đã được UBND thành phố chỉ đạo tại Văn bản số 5737/VP-ĐT ngày 10/6/2021, trong đó có tích hợp phương án phòng, chống lũ và đê điều; báo cáo UBND thành phố theo quy định.

Trong văn bản gửi Hà Nội trước đó, Bộ NN-PTNT đã đưa ra quan điểm không tán thành một số điểm.

Văn bản của Bộ NN-PTNT nêu rõ theo bản đồ quy hoạch, phương án đề xuất xây dựng 2 tuyến đường ven sông được kết hợp chức năng là đê ngăn lũ với cao trình mặt đường +12,0 (trên mức lũ báo động 3), tương tự việc hình thành đê bối mới là không phù hợp.

Vì vậy, cơ quan này đề nghị lựa chọn cao trình mặt đường tương đương cao trình mặt bãi sông tự nhiên hoặc cao trình đê bối hiện có (đối với tuyến đường đi trùng với đê bối hiện có) hoặc cao trình khu dân cư hiện có (đối với tuyến đường đi qua khu dân cư hiện có) để chỉ phục vụ phát triển giao thông, đảm bảo không gian thoát lũ và phù hợp với quy hoạch.

Đối với việc đề nghị không di dời các khu dân cư Bắc Cầu, Bồ Đề, theo Bộ NN-PTNT, Quy hoạch 257 (Phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình) đã xác định một số khu dân cư nằm sát bờ sông thuộc khu vực lòng sông co hẹp, tốc độ dòng chảy cao, dễ bị sạt lở gây mất an toàn khi có lũ cần phải di dời; trong đó có khu dân cư Bắc Cầu, Bồ Đề. Mặt khác, trong quá trình thành phố Hà Nội rà soát điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết trên địa bàn cũng đã xác định các khu vực dân cư trên cần từng bước di dời để đảm bảo an toàn.

Đối với bãi Thượng Cát-Liên Mạc, Chu Phan-Tráng Việt, tổng diện tích đất quy hoạch xây dựng vượt quá 5% phần diện tích bãi sông có thể nghiên cứu xây dựng đồng thời một số diện tích đất quy hoạch xây dựng nằm ngoài phạm vi phần bãi sông có thể nghiên cứu xây dựng theo Quy hoạch 257 là không phù hợp.

Vì thế, Bộ NN-PTNT đề nghị thành phố Hà Nội rà soát cụ thể để thực hiện phù hợp với Quy hoạch 257/QĐTTg; trong đó lưu ý bãi Tàm Xá-Xuân Canh được quy hoạch xây dựng đô thị về phía tuyến đê hiện tại, diện tích xây dựng không được vượt quá 61,2 ha (15% x 408 ha).

Cũng trong văn bản gửi thành phố Hà Nội, Bộ NN-PTNT ghi nhận và đánh giá cao thành phố đã chủ động lập Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, với quan điểm giải quyết về quy hoạch đảm bảo tuân thủ và cụ thể hóa các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Việc lập Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng để có giải pháp cải tạo, chỉnh trang, tái thiết các khu dân cư hiện có ở bãi sông, kết hợp khai thác quỹ đất bãi sông hợp lý, tuân thủ quy định của pháp luật về đê điều, vừa đảm bảo không gian thoát lũ, an toàn đê điều, vừa phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống nhân dân là rất cần thiết.

Minh Thái (Tổng hợp)

Theo Đất Việt