Quy hoạch sông Hồng không nên đi trước quy hoạch cơ bản?

Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, những quy hoạch mang tính chất nền tảng liên quan đến thiên nhiên, đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng... cần phải đi trước.

Bàn tiếp về việc Hà Nội đang khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng trong khi thông tin đầu vào về tài nguyên nước lại đang thiếu do Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng-Thái Bình vẫn đang được xây dựng, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT bày tỏ quan điểm: những quy hoạch cơ bản, mang tính chất nền tảng luôn phải đi trước các quy hoạch khác.

Ông dẫn chứng, yêu cầu trước tiên là Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng phải đi sau quy hoạch về phòng, chống lũ, tức là phải đảm bảo đường thoát lũ. Theo quy định, không gian thoát lũ được xác định bao gồm khu vực lòng sông và bãi sông nằm giữa 2 đê, cho nên không thể xây dựng đường ở trong không gian thoát lũ.

"Phải tuân thủ quy hoạch phòng, chống lũ, vì nếu không sẽ phá vỡ dòng sông. Khi xây dựng vào lòng sông, lòng sông bị biến đổi bên bồi, bên lở và lượng nước trong đó không thể thoát được nữa, lòng sông sẽ chết dần, không chứa được nước cũng không chuyển tải được nước dù có đưa nước sông Đà, sông Lô vào, vì đã phá vỡ quy hoạch rồi", GS.TS Vũ Trọng Hồng nói.

Quy hoạch sông Hồng không nên đi trước quy hoạch cơ bản? - Ảnh 1
Nếu thực hiện được quy hoạch hai bên bờ sông Hồng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Hà Nội. Ảnh minh họa

Một điểm khác được vị chuyên gia thủy lợi lưu ý, sông Hồng là sông chung của cả Đồng bằng sông Hồng để các địa phương ở khu vực này phát triển. Nếu không đảm bảo Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng-Thái Bình thì các tỉnh ở Đồng bằng sông Hồng không còn nước nữa.

"Tình trạng xâm nhập mặn về mùa kiệt ngày càng gia tăng ở Đồng bằng sông Hồng. Tôi nhớ cách đây nhiều năm khi cùng đoàn công tác của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam xuống Thái Bình khảo sát thì nhiều người ở đó bày tỏ mong muốn khai thác bể than sông Hồng, không muốn sản xuất nông nghiệp nữa vì thiếu nước, thiếu phù sa, lúa bị vàng, không phát triển được. Như vùng Vũ Thư, Thái Bình, phèn lên nhiều chứng tỏ đất nhiễm mặn. Nếu không đảm bảo Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng-Thái Bình thì tình trạng như vậy ngày càng trầm trọng hơn", nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nói.   

Vị chuyên gia cho biết, hiện nay các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh đã được sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quy hoạch có thể lập đồng thời, quy hoạch nào được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn.

Tuy nhiên, theo quan điểm của GS.TS Vũ Trọng Hồng, quy định này chỉ nên áp dụng đối với những quy hoạch mang tính cơ học, không liên quan gì đến thiên nhiên, biến đổi khí hậu. Chẳng hạn, xây dựng nhà máy, khu công nghiệp, chúng có thể tháo dỡ, di chuyển từ nơi này sang nơi khác để lắp đặt. Tuy nhiên, nếu như quy hoạch đụng đến vấn đề mang tính chất nền tảng như thiên nhiên, tài nguyên nước, đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng, xã hội, con người, phong tục tập quán... thì khác. Đó là những quy hoạch cơ bản mà những quy hoạch khác bắt buộc phải đi sau.

"Không thể nào đi trước quy hoạch cơ bản. Ví dụ, quy hoạch lũ, tài nguyên nước phải được thông qua mới được làm quy hoạch khác.

Bên cạnh đó, cũng không thể "nhấc" một quy hoạch từ miền Bắc vào miền Nam. Chẳng hạn, vấn đề ngăn mặn ở ĐBSCL không thể áp mô hình ở miền Bắc vào được, vì ĐBSCL chia làm ba vùng mặn, lợ, ngọt, trong khi mô hình của miền Bắc chỉ có vùng mặn và ngọt. Bê nguyên si vào là không phù hợp.

Tương tự, cần làm hồ chứa ở ĐBSCL, nhưng phải là hồ nhỏ ém mặn, giữ nước trồng lúa, cây trái. Loại hồ đó không phải chỉ định theo vùng địa hình mà tùy theo vùng canh tác, hồ nhỏ, chứa đủ lượng nước mưa, lượng nước này ém nước mặn xuống chừng 70cm là có thể trồng lúa được.

Khác với miền Bắc và miền Trung, nếu làm hồ quy mô lớn ở ĐBSCL để tích nước là sẽ thất bại bởi ĐBSCL địa hình thấp, bằng phẳng, đất chua phèn, đào hồ quy mô để tích nước sẽ bốc hơi, thấm dọc, thấm ngang. Địa chất ĐBSCL lại là trầm tích dày nhiều lớp sẽ làm nước hồ nhiễm mặn, chua phèn.

Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm phải chuyển nước từ miền Đông Nam Bộ sang để cứu ĐBSCL. Hiện nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nga, Thái Lan, Campuchia đã chuyển nước. Đã đến lúc các địa phương phải ngồi lại với nhau để đưa ra cơ chế hợp tác phù hợp, vì lợi ích của tất cả các bên", GS.TS Vũ Trọng Hồng phân tích.

Thành Luân

Theo Đất Việt