Rào cản pháp lý làm chậm nỗ lực “rã đông” của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch

Dù được dự đoán sẽ có sức bật đột phá sau đại dịch Covid-19 vừa qua, tuy nhiên, bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng, du lịch vẫn cần được tháo gỡ những “điểm nghẽn” về mặt pháp lý. Đây được cho là rào cản lớn nhất làm chậm mọi nỗ lực “bật xa” cho thị trường đón thời cơ vàng.

Cơ hội phục hồi mạnh mẽ nhưng pháp luật hiện tại vẫn còn đi sau

Đại dịch Covid-19 đã phủ lên thị trường BĐS nghỉ dưỡng, du lịch một bóng đen kéo dài những hai năm qua. Từng chỉ thị phục vụ cho công cuộc phòng chống lây lan dịch bệnh liên tục được đưa ra. Đồng thời cũng kèm theo yêu cầu tạm dừng các hoạt động du lịch trong thời gian khá dài, khiến thị trường này không ít phen điêu đứng. Có thể nói, tất cả các hoạt động nghỉ dưỡng, du lịch gần như “đóng băng” và chỉ biết chờ đợi trong vô vọng.

Dù đã bước qua thời kỳ đen tối do ảnh hưởng từ đại dịch, nhóm BĐS này lại phải tiếp tục đối diện với khó khăn muôn thuở về mặt pháp lý.
Dù đã bước qua thời kỳ đen tối do ảnh hưởng từ đại dịch, nhóm BĐS này lại phải tiếp tục đối diện với khó khăn muôn thuở về mặt pháp lý.

“Sau cơn mua trời lại sáng”, nhờ công tác kiểm soát dịch bệnh diễn ra thành công, thị trường BĐS nghỉ dưỡng dần thấy được ánh sáng. Việc triển khai kế hoạch tiêm phủ vắc-xin và quyết định mở cửa hoàn toàn du lịch trở lại từ ngày 15/3/2022 đã trở thành chất xúc tác giúp thị trường du lịch nói chung và bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nói riêng có những bước phục hồi tích cực.

Có thể thấy, với nhiều tín hiệu tích cực, như PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh khẳng định, không có gì phải "lăn tăn" về khả năng hồi phục của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng trong năm 2022: "Du lịch là một trong những ngành nghề được ưu tiên phục hồi với nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực và các chương trình ưu đãi, kích cầu hấp dẫn cho du khách. Nhiều địa phương trong nước đã và đang thực hiện các “điểm đến an toàn”, thu hút khách du lịch quay trở lại. Cùng với đó, thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cũng “nóng” dần lên".

Tuy nhiên, dù đã bước qua thời kỳ đen tối do ảnh hưởng từ đại dịch, nhóm BĐS này lại phải tiếp tục đối diện với khó khăn muôn thuở về mặt pháp lý. Trong khi đang có cơ hội cho sức bật vươn lên nhằm khôi phục nền kinh tế thị trường, tuy nhiên một hệ thống pháp luật yếu kém lại chính là rào cản. Vì thế, càng sớm tháo gỡ những “nút nghẽn” về mặt pháp lý, lĩnh vực BĐS nghỉ dưỡng càng nhanh chóng đón đầu thời cơ vàng.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng nhìn nhận, hình thức bất động sản nghỉ dưỡng ngày càng phát triển hơn với các hình thái mới - những loại hình mà thế giới đã phát triển và Việt Nam đang hình thành. Mặc dù thời gian qua nhiều chính sách đã được sửa đổi để hỗ trợ thị trường, song vẫn còn đó những khoảng trống.

Thiếu vắng sự rõ ràng về mặt pháp lý, rủi ro của thị trường sẽ còn kéo dài

Thời gian qua không thiếu những hội thảo, bàn luận, gặp gỡ các đại biểu với không ít kiến nghị, cũng đã có những quy định, văn bản được ban hành nhưng các nút thắt pháp lý của thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng vẫn còn đó bỏ ngõ.

Phân khúc thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng đã chứng kiến nhiều nhà đầu tư “dứt áo ra đi” vì hy vọng sinh lời không khởi sắc. Các chuyên gia đều khẳng định, việc tháo gỡ khó khăn về pháp lý chính là chìa khóa tạo ra động lực cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng phát triển; đã đến lúc các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý để phát triển bền vững thị trường này trong bối cảnh mới, đảm bảo lợi ích của các bên tham gia vào thị trường.

Tháo gỡ "điểm nghẽn" về mặt pháp lý sẽ tạo ra tiền đề tích cực cho bất động sản nghỉ dưỡng khởi sắc
Tháo gỡ "điểm nghẽn" về mặt pháp lý sẽ tạo ra tiền đề tích cực cho bất động sản nghỉ dưỡng khởi sắc

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định: “Mặc dù Chính phủ muốn tăng cường phát triển hạ tầng, muốn tăng cơ sở lưu trú, phục hồi du lịch sau Covid-19, tuy nhiên, hệ thống pháp luật yếu kém đang trở thành rào cản, khiến thị trường bất động sản du lịch “đóng băng” suốt 2 năm qua. Đây chính là nghịch lý của thị trường. Trong bối cảnh tỷ lệ tồn kho tăng cao như hiện nay, nhiều chủ đầu tư đang chờ đợi Chính phủ tạo ra một bước đột phá, trong việc đồng bộ hệ thống pháp luật, nhất là việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 cần phải được thực hiện gấp rút để bất động sản du lịch phục hồi”.

Theo ông Đính, việc hoàn thiện sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đầu tư 2020 và Luật Đất đai 2013 liên quan đến pháp lý của bất động sản du lịch sẽ tạo ra tiền đề tích cực cho bất động sản nghỉ dưỡng khởi sắc. Pháp lý cũng là nền tảng vững chắc thúc đẩy tốc độ phát triển của các sản phẩm mới… đồng thời củng cố niềm tin của khách hàng và nhà đầu tư đối với thị trường này.

Giới chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh: “Cơ chế, chính sách thông thoáng cần sớm được áp dụng, như một giải pháp cấp bách giúp thị trường hồi phục nhanh sau những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Đồng thời, đây cũng là giải pháp dài hạn để thúc đẩy thị trường phát triển tự do, minh bạch, lành mạnh, giúp khai thác tối đa lợi thế của ngành kinh tế mũi nhọn du lịch nói chung và bất động sản du lịch nói riêng, góp phần xây dựng Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045”.

Theo đó, giới chuyên gia cho rằng, có 3 việc cấp thiết hiện nay cần phải thực hiện nhanh chóng:

Thứ nhất, khung pháp lý cho thị trường bất động sản du lịch cần thống nhất định danh cụ thể hình thức đất xây dựng bất động sản du lịch, quy mô và vai trò của thị trường này, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến chính sách ưu đãi đặc thù; pháp luật về đầu tư, kinh doanh; cơ chế quản lý, sử dụng đất; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quyền sở hữu tài sản cho người mua; vấn đề thu hút, huy động đa dạng các nguồn vốn đầu tư…

Thứ hai, khung pháp lý cho thị trường bất động sản du lịch cần được thiết kế và hoàn thiện dựa trên việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. 

Thứ ba, cần khẩn trương tạo lập hành lang pháp lý chính thức cho thị trường bất động sản du lịch như: Hoàn thiện các quy định pháp luật về đất đai, pháp luật kinh doanh bất động sản và thủ tục đầu tư; thống nhất quản lý của Nhà nước trong các Luật liên quan và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp…

Theo Chất lượng và Cuộc sống